Thứ bảy Ngày 27 Tháng 07 Năm 2024, 07:19:01

Khánh thành Công trình Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong”

Ngày đăng: 19/10/2023

QK2 – Sáng 19-10, nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu (19/10/1946 – 19/10/2023), tại Bảo tàng Quân khu, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức Lễ khánh thành Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong”. Tới dự có Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, UVBTV Đảng uỷ, Phó Chính ủy Quân khu; đồng chí Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ; Thủ trưởng các cơ quan Quân khu và đại biểu Ban quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ.

Các đại biểu kéo băng khánh thành Bức Phù điêu.

Các đại biểu dâng hoa dưới Bức Phù điêu.

Năm 2001, để tưởng nhớ công lao trời biển và khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Bộ Quốc phòng phối hợp với tỉnh Phú Thọ đầu tư xây dựng Công trình Bức Phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong” tại Ngã 5 Đền Giếng bằng đá Cẩm thạch (có kích thước: Cao 7m, rộng 9m, được ghép bằng 85 khối đá). Từ khi công trình hoàn thành đưa đã thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu; trở thành “địa chỉ đỏ” học tập truyền thống của các thế hệ người Việt Nam và bạn bè thế giới. Để xây dựng Đền Hùng xứng tầm là Khu di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia, đáp ứng với yêu cầu đón, tiếp du khách về thăm viếng, năm 2022, Bộ Quốc phòng cùng với UBND tỉnh Phú Thọ quyết định đầu tư xây dựng mới Công trình Bức Phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong” bằng hợp kim đồng, thay thế bức phù điêu bằng đá. Sau khi hội thảo và xin ý kiến, Bức Phù điêu bằng đá được di dời về Bảo tàng Quân khu. Sau hơn 4 tháng tích cực thi công, đến nay Công trình lịch sử, văn hóa đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng cao.

Toàn cảnh buổi lễ.

Các đại biểu tham quan Bức Phù điêu.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ.

Công trình hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu càng có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, trang trọng, uy nghiêm mà ấm áp, linh thiêng, đáp ứng sự kỳ vọng của quân và dân Tây Bắc cũng như đồng bào cả nước. Công trình góp phần rất quan trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ LLVT và Nhân dân, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng của dân tộc, Quân đội.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chính uỷ Quân khu khẳng định, đây là một vinh dự lớn lao đối với LLVT Quân khu. Mong muốn các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng tiếp tục quan tâm, phối hợp với Bảo tàng Quân khu để phát huy hơn nữa giá trị giáo dục thực tiễn của công trình lịch sử có ý nghĩa to lớn này.

Ngày 19/9/1954, trong buổi gặp mặt, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1) trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội tại Đền Giếng trong Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng (thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), Bác Hồ căn dặn: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước… Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn”.

Tin, ảnh: TRUNG HÙNG DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.