Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 02:39:36

Khẳng định vị thế của Đảng trong tiến trình phát triển đất nước

Ngày đăng: 09/03/2023

Bài 3: Đặt niềm tin vào khát vọng phát triển

Trải qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn phấn đấu để mọi chủ trương, chính sách thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu xuyên suốt ấy, Đại hội XIII xác định: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Niềm phấn khởi của đồng bào dân tộc Dao cùng lãnh đạo tỉnh Yên Bái trong Lễ hội Quế huyện Văn Yên năm 2022.

Hơn hai năm trước, khi dự thảo Nghị quyết Đại hội XIII được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp quần chúng, một số người còn tỏ ra hoài nghi. Cho đến nay, khi nhiệm kỳ Đại hội XIII được một nửa; các chủ trương nghị quyết đã và đang được triển khai dần hiện thực hóa, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục diễn ca “điệp khúc” xuyên tạc, phủ nhận con đường đi tới của đất nước. Họ tiếp tục tung tin, hiện tại nước ta vẫn là nước nghèo, kém phát triển nên không thể trong thời gian ngắn mà đạt mục tiêu đề ra, mục tiêu đó không có cơ sở thực hiện, tung “hỏa mù” rằng Việt Nam càng hội nhập sâu vào thế giới càng có nhiều vị lãnh đạo kỹ trị nhưng đang loay hoay trong cái bẫy do chính họ giăng ra. “Kỹ trị” chưa rũ bỏ được “toàn trị” thì Đảng vẫn là dinh lũy của những kẻ bất tài, cơ hội; nền kinh tế và xã hội cứ tiếp tục mở, một mặt, bộ máy cứ tiếp tục học theo lối cũ, nặng về tư tưởng; xung khắc giữa thị trường với  ý thức hệ tiếp diễn…
Chúng ta đều biết rằng, trong suốt hành trình tìm đường cứu nước cứu dân và cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã hình thành con đường như chân lý của thời đại: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam”. Con đường ấy được vạch ra ngay từ khi Đảng ra đời, đưa Việt Nam từ khủng hoảng bế tắc về đường lối cứu nước cứu dân, dần cụ thể hóa và ngày càng sáng tỏ, từ Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt năm 1930, khi thành lập Đảng cho đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011). Đảng tiếp tục khẳng định: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử". Mục tiêu, tương lai phát triển đất nước đến năm 2045 được Đảng ta hoạch định ở Đại hội XIII chính là tiếp tục cụ thể hóa mục tiêu con đường ấy.
Như ở bài trước đã phân tích, cuộc sống hạnh phúc của gần 100 triệu đồng bào Việt Nam hiện nay cần được nhìn nhận từ thực tiễn, không thể lấy một số vụ việc riêng lẻ để đánh giá thực trạng cuộc sống đất nước như một số kẻ núp bóng dân chủ, đánh giá phiến diện, công kích phá hoại Đảng. Nhìn lại lịch sử phát triển đất nước từ khi hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến nay, từng bước cách mạng Việt Nam tìm hướng đi phát triển kinh tế xã hội, chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống người dân. Trong tiến trình đó, việc đổi mới từng phần, từng lĩnh vực tạo nền tảng vững chắc cho đổi mới toàn diện đất nước năm 1986. Sau hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã gặt hái rất nhiều thành tựu. Trên bước đường chủ động hội nhập sâu rộng quốc tế, sức đổi mới sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với các lĩnh vực, vùng miền tiếp tục nảy nở. Ở đâu, cuộc sống, lao động của người dân cũng khởi sắc, phù hợp với xu thế thời đại.
Đơn cử ở địa bàn miền núi phía Bắc, một vùng khó khăn bậc nhất cả nước, cuộc sống người dân ngày mỗi ngày có những tín hiệu đáng mừng. Ở tỉnh Sơn La, đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” đã mang lại cho nông dân cuộc sống, lao động nông nghiệp sinh thái xanh, an toàn, trí tuệ, bắt nhịp với thời đại. Còn ở Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy từng quan niệm: “Tỉnh đã định vị con đường và cũng không khoác lên mình chiếc áo phải thu ngân sách bao nhiêu mà lấy đời sống người dân làm giá trị cốt lõi”. Các tổ chức đảng thuộc tỉnh Yên Bái ra nghị quyết về chỉ số hạnh phúc của người dân với mục tiêu: Đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng về cuộc sống, môi trường sống và tuổi thọ trung bình của người dân. Ở Hà Giang, bằng các giải pháp đồng bộ, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Sau 3 năm triển khai bằng biện pháp xã hội hóa, toàn tỉnh xây dựng được 6.700 ngôi nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo. Đến cuối năm 2022, 100% các thôn, bản, tổ dân phố được chuyển đổi số cộng đồng… 
Đấy đều là khởi nguồn và kết quả của tư duy và tầm nhìn dài hạn, cụ thể, thiết thực của Đảng ở từng địa phương.
Tháng 10 năm trước, tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã cụ thể hóa khát vọng của Đảng, của đất nước bằng nhiều chủ trương, trong đó ban hành Kết luận: “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Nghị quyết về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cùng trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có thể nói, mỗi vùng gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng. 
Lần đầu tiên, nước ta có quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội cấp quốc gia cũng như trong lịch sử hơn 90 năm lãnh đạo đất nước phát triển, Đảng ta luôn đủ cơ sở khoa học và thực tiễn trong hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu lãnh đạo. Không gian phát triển đã được quy hoạch mấy chục năm đi tới đã có tầm nhìn có cơ sở, niềm tin khoa học và thực tiễn. Mỗi người dân Việt Nam có quyền đặt niềm tin vào con đường, phát triển đất nước thênh thang rộng mở phía trước, là mục tiêu khát vọng một đất nước hùng cường giữa thế kỷ 21.
ĐỨC ĐÀO
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.