Thứ bảy Ngày 27 Tháng 07 Năm 2024, 07:40:21

Hiểu đúng về chính sách tôn giáo ở Việt Nam

Ngày đăng: 31/07/2023

QK2 – Vừa qua, trên trang blog Đối Thoại, đối tượng D.T đã tán phát bài “Vấn đề đạo Phật và nhức nhối Phật giáo ở Việt Nam”; trên trang blog Việt Nam Thời Báo tán phát bài “Nhà nước phá thánh lễ của các tín đồ Công giáo” với nội dung xuyên tạc chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; vu cáo chính quyền “đàn áp” các hoạt động của tín đồ Công giáo; đồng thời kích động mâu thuẫn, gây chia rẽ mối đoàn kết giữa các tôn giáo. Đây hoàn toàn là những luận điệu vu khống, bịa đặt, xuyên tạc hết sức trắng trợn và sai trái của các thế lực thù địch, phản động nhằm chống phá Việt Nam. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo để nhận diện và kiên quyết đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái.

Cán bộ, nhân viên Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Ảnh: SƠN CA

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo với nhiều tôn giáo lớn du nhập từ hàng nghìn năm trước như Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo và những tôn giáo hình thành trong nước như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tứ Ân, Hiếu Nghĩa… Theo ước tính, hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150 nghìn chức việc, gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Các tôn giáo lớn hiện nay xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và có nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra sôi động theo đúng quy định pháp luật; các ngày lễ tôn giáo lớn như Lễ Giáng sinh của đạo Công giáo, Lễ Phật đản của Phật giáo… đều được tổ chức trọng thể theo các nghi lễ tôn giáo. Đây là một thực tế mà mọi người đều thừa nhận!

Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí và các thế lực thù địch đã thông qua nhiều cái gọi là nghị quyết, dự luật về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền không phản ánh đúng thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Họ cho rằng, Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; đòi trả tự do cho những đối tượng là chức sắc tôn giáo vi phạm pháp luật; đòi trả lại đất đai cho các tôn giáo mà chính quyền đã quốc hữu hóa… Mặt khác, họ thường lợi dụng sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của bộ phận nhân dân để khống chế, kích động quần chúng, tuyên truyền chống phá chế độ; các thế lực thù địch ở nước ngoài đã thông qua các trang mạng xã hội, youtube, facebook… chỉ đạo và móc nối với các đối tượng phản động ở một số địa bàn trong nước vu cáo cấp ủy, chính quyền địa phương đàn áp, vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo”, kích động đồng bào dùng vũ lực chống lại chính quyền các cấp như những lập luận ở trên!

Những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo và những đánh giá tiêu cực về tự do tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua của một số tổ chức, cá nhân đã không phản ánh đúng thực tế tình hình tôn giáo ở nước ta, bởi trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta luôn có quan điểm, chủ trương, thái độ rõ ràng về tín ngưỡng, tôn giáo theo lịch sử phát triển của dân tộc. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Quyền này được thể hiện rõ ở những quan điểm, chủ trương, hiến pháp, pháp luật và được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016. Tiếp theo đó, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, với các mặt hoạt động khác có liên quan đến tôn giáo, như: Giáo dục, đào tạo chức sắc tôn giáo; xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự tôn giáo; hoạt động từ thiện, bảo trợ xã hội… được điều chỉnh tại một số luật có liên quan như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Di sản, Luật Giáo dục. Đảng ta xác định, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt đúng quy định của pháp luật; chủ động giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Do đó, nhận diện đúng và đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta là việc làm cần thiết. Thực hiện nhiệm vụ này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó các lực lượng vũ trang làm nòng cốt đi đầu. Bởi vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang hiện nay cần phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên, tích cực tham gia, phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Đây không chỉ là việc làm thường xuyên, kiên trì, bền bỉ, liên tục, lâu dài mà còn là vấn đề có tính cấp thiết trong tình hình hiện nay.

VŨ HẢI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.