Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 01:52:56

Google không thay thế được sách

Ngày đăng: 23/04/2018

QK2 – Lao động và sáng tạo chính là nguồn gốc phát triển của trí tuệ loài người. Sự sáng tạo của con người vốn không có giới hạn. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, nhiều bạn trẻ quan niệm, trong dời sống thường nhật, “những gì không biết thì tra google”, như thế, vô hình chung làm cho trí tuệ con người ỷ nại vào công nghệ thông tin, dẫn đến lười suy nghĩ, lười động não; và đương nhiên sẽ không tạo động lực cho sự sáng tạo.

Nhà văn hóa Quân khu 2 tặng sách cho Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Đoan Hùng (Phú Thọ).

Mạng Internet vốn là kho lưu giữ thông tin khổng lồ, không có điểm cuối. Tuy nhiên trong không gian vô tận ấy, thông tin rất đa chiều, khó đoán định, nhiều thông tin không được kiểm chứng, dẫn đến sai lệch, đấy là chưa nói đến những thông tin độc hại cho người khai thác, tiếp nhận.

Có một nguồn cung cấp thông tin, tuy có những giới hạn nhất định, nhưng cũng là sản phẩm đồ sộ của trí tuệ nhân loại, đấy là hệ thống sách. Sách lưu giữ những thông tin, những giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại. Trong lịch sử xã hội loài người, các văn bản sách đều thể hiện tính chất của thể chế chính trị, trình độ tư duy, phát triển, văn hóa của con người, của mỗi xã hội trong giai đoạn lịch sử đó. Trong đời sống văn hoá tinh thần của mỗi chúng ta, sách là nguồn tri thức vô hạn, đọc sách là góp phần trực tiếp nâng cao nhận thức về mọi mặt, là nhu cầu chính đáng của mỗi con người. Sách mang đến nguồn tri thức để người đọc có thể trải nghiệm, học tập, nghiên cứu, làm giàu thêm vốn sống của bản thân. Nhà văn lỗi lạc của Nga, Mác-Xim Gooc-ki từng nói: Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới. Nhờ có sách mà con người thật sự người hơn. Sách cho ta những tri thức cần thiết trong học tập, trong công việc và trong đời sống.

Ông cha ta từng dạy rằng: “Một kho vàng không bằng một nang sách”. Sách là phương tiện lưu giữ lại thông tin, phát minh khoa học, vốn sống qua nhiều thế hệ; để thế hệ sau có thể hiểu được những gì cha ông đã làm được, từ đó kế thừa và tiếp tục phát triển những lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, sách còn giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài. Người viết sách là người am tường trên từng lĩnh vực, có sự chiêm nghiêm, lao động, sáng tạo, gửi gắm cả tâm tư, tình cảm, thậm chí sự sống của mình vào trang sách.

Đối với người đọc sách, ngoài việc tiếp nhận thông tin do cuốn sách mang lại, người đọc có quyền thể hiện cảm xúc của mình. Phương pháp đọc sách cũng thể hiện nét văn hóa, ứng xử của từng người trong việc tiếp nhận thông tin, tri thức, vốn sống và tình cảm cá nhân, bồi đắp tâm hồn hướng thiện cho mỗi người. Mặt khác, công nghệ thông tin Internet và mạng xã hội dễ nảy sinh nhiều hệ lụy, trong đó có việc ảnh hưởng đến sức khỏe, sự vô cảm, tách biệt xã hội trong một bộ phận giới trẻ. Duy trì đều đặn đọc sách chính là góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, làm giảm stress, loại bỏ nghiện game online cũng như hội chứng mạng xã hội trong bộ phận lớn giới trẻ; trong chừng mực nào đó có thể giúp bạn trẻ điều hòa, làm giảm nhịp sống giữa “thời đại @” hiện nay.

Các cơ quan, đơn vị trong Quân khu 2 hiện có 28 thư viện, phòng đọc cùng hàng trăm tủ sách trong Phòng Hồ Chí Minh tiểu đoàn và phòng họp đại đội. Trong phòng làm việc của cơ quan, đơn vị, cá nhân cũng lưu giữ nhiều tài liệu, sách báo phục vụ công tác. Và ở đâu đó, trong hành trang người chiến sĩ, có nhiều cán bộ, chiến sĩ “gối đầu giường” những quyển sách phù hợp, sách hay, sách quý để làm bầu tâm tình, chia sẻ trước mỗi khi đi vào giấc ngủ.

Hằng năm, Cục Chính trị đều chỉ đạo, tổ chức Ngày hội tôn vinh sách và văn hóa đọc trong LLVT Quân khu. Đây là chủ trương “hướng các hoạt động về đơn vị cơ sở”, thông qua đó nhằm để tiếp tục thúc đẩy phong trào đọc sách trong LLVT Quân khu lên một bước mới, đồng thời khẳng định ý nghĩa và giá trị to lớn đối với hoạt động thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh trong các cơ quan, đơn vị. Thiếu tướng Vũ Sơn Hoàng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu khẳng định “Ngày hội sách hằng năm là dịp khởi nguồn cổ vũ động viên, giúp đông đảo cán bộ chiến sĩ đọc những cuốn sách hay, những cuốn sách có giá trị; thông qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống quân đội anh hùng; tạo cho cán bộ chiến sĩ có niềm tin xây dựng quân đội xây dựng đơn vị”.

 Để tiếp tục khơi nguồn văn hóa đọc trong cán bộ, chiến sĩ, rất cần sự quan tâm của các cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp tổ chức nhiều hình thức bổ sung sách trong thư viện; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sách; tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ có thêm thời gian tiếp cận với hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách đơn vị và động viên tinh thần tự học, đọc sách của cán bộ, chiến sĩ… Như thế, kho trí tuệ đồ sộ của nhân loại trong thư viện, tủ sách mới được phát huy hiệu quả.

Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.