Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 08:48:11

GIÁO DỤC LỐI SỐNG ĐẸP

Ngày đăng: 11/11/2016

Chúng ta không phủ nhận rằng, trong thời gian qua nhiều câu chuyện và hình ảnh liên quan đến bạo lực học đường đang được lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Song nếu nhìn nhận một cách bình tĩnh, khách quan sẽ thấy rằng đó chỉ là những sự việc nhỏ lẻ, nhưng lại được quá nhiều người lan truyền gây ra một tâm lý hoang mang lo lắng cho các bậc phụ huynh và cả xã hội.

Nền giáo dục của chúng ta tuy vẫn có những khiếm khuyết nhất định nhưng cũng có nhiều thành công. Trong đó phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là một ví dụ.

Ảnh minh họa. 

Ảnh minh họa.

Những năm qua, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được rất nhiều trường học và nhiều địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Thành quả của phong trào được ghi nhận bằng sự tiến bộ, tự tin trong giao tiếp ứng xử của nhiều thế hệ học sinh. Đó là những diễn giả nhí tự tin trình bày những bài thuyết trình bằng ngoại ngữ trước đông đảo bạn bè quốc tế; là những bức thư đầy tâm huyết của học sinh gửi lên lãnh đạo các ban, bộ, ngành; là những sản phẩm của những nhà sáng chế tuổi học trò… Rồi cả những sinh viên mang theo bao nhiêu hoài bão, ước mơ khởi nghiệp, hay những triệu phú tuổi đời dưới ba mươi. Đó hẳn nhiên phải là thành quả của một nền giáo dục đổi mới, là thành quả của sự quan tâm, chăm lo cho giáo dục học tập của gia đình, nhà trường và xã hội.

Sự tự tin, phấn chấn của các thế hệ học sinh hôm nay có được nhờ những quyết sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết số 29-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 8, khóa XI), đã khẳng định việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là quốc sách, là chìa khóa và mệnh lệnh của cuộc sống. Triết lý giáo dục là “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”. Trong Nghị quyết số 29-NQ/TƯ cũng nêu ra những giải pháp, trong đó có nhắc tới việc đào tạo theo hướng coi trọng phát triển năng lực và phẩm chất của người học.

Có thể nói chưa bao giờ những năng lực cá nhân của học sinh được tôi luyện, khai thác triệt để như hôm nay. Ở nhiều trường, sân chơi trí tuệ cho học sinh được mở rộng, cuộc thi Violympic có thể lạ lẫm với nhiều người nhưng lại rất quen thuộc với các phụ huynh học sinh cấp tiểu học. Rồi nữa, những lớp học kỹ năng sống, diễn thuyết, rô-bô-tích (robotic) vốn là những môn không nằm trong chương trình giảng dạy cũng thu hút sự quan tâm của xã hội. Có người còn lo xa, cho rằng học sinh bây giờ không bị học nặng về kiến thức nữa mà lại nặng về những kỹ năng mềm. Lo xa vậy cũng mừng vì con em của chúng ta đã được gia đình, nhà trường, xã hội quan tâm đúng hướng.

Lạc quan, tin tưởng nhưng chúng ta cũng không thể mất cảnh giác trước những hành vi, biểu hiện tiêu cực trong giới trẻ. Đó là bạo lực học đường, là tình trạng nghiện game, xu hướng sống ỷ lại, buông thả trong một bộ phận nhỏ học sinh. Vậy nên từ nhà trường tới gia đình càng cần phải theo sát từng bước phát triển của học trò và con em mình. Giáo viên, phụ huynh phải luôn gương mẫu, giáo dục lối sống đẹp, lối sống nhân văn, đạo đức. Với thái độ sống tích cực và thường xuyên quan tâm giáo dục, định hướng sẽ giúp con em chúng ta biết phân biệt đúng-sai và hành động theo lẽ phải.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top