Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 05:29:07

Giải bài toán rác thải nông thôn: Bài 2 -Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc xử lý rác thải nông thôn (Tiếp theo và hết)

Ngày đăng: 09/11/2016
Để giải bài toán rác thải nông thôn cần phải có cơ chế thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, rồi phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; cùng với đó, cần xử lý nghiêm các hành vi xả thải, gây ô nhiễm môi trường.

Cần cơ chế để thu hút doanh nghiệp

Là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao, hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có lượng rác thải là 600 tấn/ngày. Theo quy hoạch của tỉnh, đến hết năm 2017, các huyện trên địa bàn đều sẽ có nhà máy xử lý rác thải. Hiện nay, hai huyện Quế Võ và Thuận Thành đã có nhà máy xử lý rác thải.

Từ khi Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Thuận Thành được hoàn thành, người dân tại địa phương đã không phải lo lắng đến vấn đề rác thải. Anh Nguyễn Văn Trung (35 tuổi), thôn Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, chia sẻ: “Những năm trước đây khi chưa có nhà máy, rác thải được tập trung ở điểm tập kết ngoài đồng chờ phun chế phẩm vi sinh để xử lý theo định kỳ, gây mất vệ sinh môi trường. Từ khi có nhà máy xử lý rác, các đội vệ sinh đến thu gom rác tận nhà, sau đó, xe vận chuyển sẽ đưa rác đến thẳng nhà máy xử lý ngay trong ngày”.

Mô hình sử dụng chế phẩm EM Bokashi để xử lý rác thải hữu cơ đã bị "chết yểu". Tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, chỉ còn gia đình ông Nguyễn Viết Nhương áp dụng. 

Mô hình sử dụng chế phẩm EM Bokashi để xử lý rác thải hữu cơ đã bị “chết yểu”. Tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, chỉ còn gia đình ông Nguyễn Viết Nhương áp dụng.

Ông Khúc Đình Dân, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Thuận Thành, cho biết: “Hiện nay, nhà máy có công suất xử lý 70 tấn rác/ngày, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của huyện. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho triển khai tiếp giai đoạn 2, nâng công suất của nhà máy lên 150 tấn/ngày”. Hằng ngày, vào tầm 4 giờ chiều, 7 chiếc xe chuyên dụng của nhà máy với trọng tải từ 2,7 tấn đến 10,4 tấn lại đến thu gom rác tại các điểm tập kết. Sau đó, rác được đem về nhà máy để xử lý bằng phương pháp nhiệt. Phần tro xỉ sau khi đốt rác sẽ được chôn lấp an toàn, còn khí thải sẽ được cho chạy qua nước, khi thoát ra chỉ còn khí trong.

Chia sẻ kinh nghiệm thu hút các doanh nghiệp tham gia công tác xử lý rác thải tại nông thôn, ông Nguyễn Đại Đồng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, cho hay: “Tỉnh giải phóng mặt bằng để tạo nguồn đất sạch cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh đầu tư xây dựng đường tới khu xử lý rác. Về phía doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xây dựng nhà máy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT. Sau khi nhà máy được xây dựng xong, các địa phương có trách nhiệm vận chuyển đủ rác để nhà máy vận hành. Chi phí trả cho nhà máy xử lý là khoảng 300.000 đồng/tấn rác thải”.

Tuy nhiên, trên bình diện chung, việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải ở Việt Nam hiện còn nhiều rủi ro nên chưa thật hấp dẫn doanh nghiệp. Đầu tiên là chi phí đầu tư lớn do phải mua công nghệ của nước ngoài, trong khi đó, phần thu lại thì chưa bảo đảm. Đối với phần lớn các nhà máy xử lý rác thải, nguồn thu từ phí xử lý chất thải rắn do các địa phương cam kết chỉ bảo đảm khoảng 30% chi phí xử lý hằng năm. Doanh thu từ các sản phẩm tái chế (làm phân hữu cơ, sản xuất nhựa tái chế, gạch…) hiện khá thấp và không ổn định. Công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn còn phải bao cấp bởi ngân sách Nhà nước trong khi phí vệ sinh môi trường còn rất thấp. Về vấn đề này, ông Khúc Đình Dân cũng nhìn nhận rằng, việc vay vốn để đầu tư và hoàn vốn đối với các dự án xử lý rác thải là không dễ.

Công nhân vận hành dây chuyền tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh do doanh nghiệp cung cấp 

Công nhân vận hành dây chuyền tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh do doanh nghiệp cung cấp

Cùng với đó, những công nghệ và thiết bị nhập của nước ngoài cũng chưa phù hợp với đặc điểm của Việt Nam do rác thải ở nước ta chưa được phân loại tại nguồn. Để giải quyết tồn tại này, cần sự vào cuộc của nhiều ban, ngành, địa phương, tạo cơ chế chính sách phù hợp cho doanh nghiệp, kêu gọi, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ngoài những cơ chế hiện nay, cần sớm xây dựng và ban hành bộ quy chế đấu thầu công tác vệ sinh môi trường với phương án trọn gói cả ba khâu: Thu gom, vận chuyển, xử lý rác bằng cơ giới hóa… Chính quyền địa phương cũng cần xác định khối lượng rác thải cần xử lý trên địa bàn để khi cấp giấy chứng nhận đầu tư không bị mất cân đối giữa tổng công suất các cơ sở xử lý và nhu cầu xử lý chất thải, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp; đồng thời, tổ chức các đơn vị thu gom để có đủ lượng rác thải cho nhà máy vận hành.

Ngoài ra, nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường cần được sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, xử lý chất thải. Hiện quỹ bảo vệ môi trường đã được thành lập để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, quản lý, xử lý chất thải nói riêng. Theo quy định, UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động quỹ bảo vệ môi trường tại địa phương. Như vậy, việc vay vốn xử lý rác thải ở nông thôn có thể tìm nguồn từ quỹ bảo vệ môi trường tại các địa phương.

Nâng cao ý thức người dân trong việc xử lý rác thải

Nhằm nâng cao nhận thức của hội viên trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới, ngày 15-11-2013, Hội Nông dân TP Hà Nội phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội triển khai thí điểm mô hình “Thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng” tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Sau một năm triển khai, mô hình đã cho thấy hiệu quả tích cực. Ông Tạ Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tiền Yên, cho biết: Việc sử dụng chế phẩm EM Bokashi không chỉ khử mùi hôi của rác mà công nghệ này còn góp phần giảm tải lượng rác thải, phân hóa rác thành phân hữu cơ để bón cho rau sạch. Mô hình rất phù hợp với các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, những vùng trồng rau, trồng cây ăn quả quy mô lớn. Tại xã Tiền Yên, mô hình được triển khai tại 100 hộ dân, góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải tại địa phương và cho nguồn phân bón dồi dào.

Tuy nhiên vừa qua, khi chúng tôi về xã Tiền Yên để tìm hiểu về hiệu quả của mô hình này thì được biết mô hình đã dừng hoạt động từ cuối năm 2014. Cả xã chỉ còn gia đình ông Nguyễn Viết Nhương sử dụng chế phẩm để xử lý chất thải từ chăn nuôi của gia đình. Lý do chương trình hiệu quả như vậy mà lại “chết yểu” chỉ sau một năm triển khai, theo ông Tạ Khánh Hưng, là vì ý thức của người dân còn hạn chế. Tìm hiểu một số người dân đã tham gia mô hình này, chúng tôi được biết, sau khi Cơ quan Hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA) không còn cung cấp miễn phí chế phẩm EM Bokashi nữa thì người dân địa phương đã dừng tham gia mô hình. Người dân giải thích rằng, tham gia mô hình này là tốn kém, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, thực tế giá của chế phẩm EM Bokashi được bán trên thị trường hiện nay chỉ 40.000 đồng/lít và có thể sử dụng được trong một tháng. Câu chuyện trên đây chỉ là một trong số nhiều mô hình xử lý rác thải đạt hiệu quả, thân thiện với môi trường nhưng không được triển khai rộng rãi do ý thức của người dân cùng sự phối hợp của chính quyền địa phương chưa tốt.

Đối với các nhà máy, để nâng cao hiệu quả xử lý thì rác thải cần phải được phân loại tại nguồn thành rác thải vô cơ, hữu cơ, nhưng hiện nay, việc phân loại này chưa được thực hiện trong cộng đồng. Nếu được phân loại tại nguồn, lượng rác thải dùng cho tái chế lớn hơn hiện nay rất nhiều và cũng giảm chi phí vận chuyển, đỡ tốn kém trong khâu phân loại tại nhà máy. Bên cạnh đó, người dân có thể dễ dàng xử lý rác thải hữu cơ bằng các chế phẩm sinh học để làm phân bón cho cây trồng. Trong sản xuất nông nghiệp, sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, người dân cần có ý thức thu gom vỏ chai, lọ, vỏ bao đựng đến nơi quy định để xử lý, tránh gây độc hại đối với môi trường.

Một vấn đề đáng suy nghĩ hiện nay là nhiều người dân còn coi việc giữ gìn, bảo vệ môi trường là “việc của ai” chứ không phải là việc của mình. Việc truyền thông còn hạn chế khiến nhiều người dân nông thôn chưa thấy được hậu quả của những hành động thiếu ý thức của mình. Thực trạng đó đòi hỏi chính quyền các địa phương cần có phương pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân hơn nữa. Cùng với đó, cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe đối với những doanh nghiệp hay cá nhân xả rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Để giải “bài toán” rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn, ngoài cơ chế, chính sách mang tầm vĩ mô thì cần nỗ lực từ chính quyền địa phương, sự tham gia của doanh nghiệp và hành động của từng người dân. Có như thế, nông thôn mới thực sự là môi trường trong lành như nó vốn có.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top