Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 08:59:21

Giải bài toán rác thải nông thôn: Bài 1- Thực trạng đáng ngại

Ngày đăng: 08/11/2016

LTS: Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn từ chất thải, rác thải trong sinh hoạt, chăn nuôi ngày càng đáng ngại. Chính phủ rất quan tâm, đưa vấn đề xử lý rác thải là một tiêu chí bắt buộc trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay bài toán xử lý rác thải nông thôn vẫn còn nan giải. Vậy đâu là nguyên nhân, khó khăn, bất cập và giải pháp nào để tháo gỡ cho vấn đề này?

 Bài 1: Thực trạng đáng ngại                                        

Rác thải nông thôn hiện nay được phân chia thành 3 nhóm chính là rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp (tại các làng nghề) và rác thải nông nghiệp. Các loại rác thải này đang được xả ra môi trường nông thôn hằng ngày, mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, hiện nay việc quy hoạch, quản lý rác thải nông thôn còn nhiều bất cập.

 Hiện tượng xả thải bừa bãi ở nông thôn

Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, khu vực nông thôn ở nước ta phát sinh khoảng 31.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Cùng với đó, mỗi năm có khoảng 14.000 tấn rác thải nông nghiệp nguy hại (bao bì, chai, lọ của thuốc bảo vệ thực vật, phân bón); mỗi ngày, mỗi làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tái chế kim loại, phế liệu thải ra lượng chất thải rắn khoảng 1-7 tấn, cùng với đó phần lớn nước thải công nghiệp của các làng nghề cũng được đổ thẳng ra sông. Trong các chất thải ấy có nhiều thành phần nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người.

Xe ô tô thu gom rác đến bãi rác Đèo Sen ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. 

Xe ô tô thu gom rác đến bãi rác Đèo Sen ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Chúng ta không khó để bắt gặp ở nhiều vùng nông thôn những bãi rác tự phát được hình thành cạnh các con đường. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông. Đơn cử, tại Quốc lộ 308, đoạn qua xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội xuất hiện một bãi rác dài hàng chục mét, chiếm 1/3 diện tích lòng đường, cản trở người tham gia giao thông. Bãi rác bốc mùi nồng nặc, nước rỉ ra đường, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa làm mặt đường trơn trượt. Bác Nguyễn Văn Mùi (60 tuổi), người dân sống tại khu vực này cho biết, bãi rác đã tồn tại hơn một năm, ban đầu chỉ là một vài đống rác nhỏ ở lề đường, nhưng ngày càng “phình to”, trở thành “bãi đáp” rác thải của những hộ dân sống ở hai thôn: Yên Bài và Phú Mỹ của xã Tự Lập. Thực trạng này là do ý thức của người dân còn hạn chế và có nhiều vùng còn chưa có bãi rác tập trung, không có các lực lượng thu gom rác thải.

Tại nông thôn, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phần lớn do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận cùng người dân, đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt, từng bước hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan. Theo đó, hiện đã có khoảng 40% số thôn, xã hình thành các tổ đội thu gom rác tự quản với kinh phí hoạt động do người dân đóng góp, như tại huyện Bình Xuyên và Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Thanh Trì (TP Hà Nội), huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh)… Tuy nhiên, việc thu gom rác ở khu vực nông thôn này thường chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác ở khu vực này. Hơn nữa, phần lớn các địa phương chưa có hoạt động phân loại và tái chế rác.

 Thiếu quy hoạch và công nghệ xử lý chưa đạt chuẩn

Hiện nay, việc quy hoạch khu vực xử lý rác thải ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn. Kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tại nhiều tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hầu hết các bãi chôn lấp rác thải đều không hợp vệ sinh. Ở khu vực Tây Nguyên, các bãi chôn lấp lộ thiên thường được bố trí tại các thung lũng, có nơi gần đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường khu vực hạ nguồn. Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều bãi chôn lấp không có bờ bao, nên khi mùa lũ về, bãi chôn lấp bị ngập nước gây ô nhiễm môi trường.

Bãi rác tự phát của những hộ dân sống ở hai thôn: Yên Bài và Phú Mỹ (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội). 

Bãi rác tự phát của những hộ dân sống ở hai thôn: Yên Bài và Phú Mỹ (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội).

Không những thế, công nghệ xử lý chất thải chưa bảo đảm kỹ thuật vệ sinh môi trường. Trong những năm gần đây, một số địa phương đã đầu tư, lắp đặt các lò đốt chất thải rắn có công suất nhỏ, phục vụ việc xử lý chất thải rắn cho một vùng nông thôn, một khu vực dân cư. Điều này đã bước đầu hỗ trợ cho việc xử lý chất thải ở khu vực nông thôn, vùng ven đô, cải thiện cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc kiểm tra, xác nhận việc bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các lò đốt trong quá trình vận hành, sử dụng vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cả nước có khoảng 100 lò đốt rác thải sinh hoạt, đa số là các lò đốt cỡ nhỏ, công suất dưới 500kg/giờ, các thông số chi tiết về tính năng kỹ thuật khác của lò đốt chưa được thống kê đầy đủ. Trong đó, có khoảng 2/3 lò đốt được sản xuất, lắp ráp trong nước. Một số lò đốt công suất nhỏ không có hệ thống xử lý khí thải và trên ống khói không có điểm lấy mẫu khí thải; không có thiết kế, hồ sơ giấy tờ liên quan tới lò đốt. Các lò đốt rác công suất nhỏ có thể là nguồn gây ô nhiễm môi trường thứ cấp nếu việc vận hành không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, làm phát sinh các khí thải độc hại như: Đi-ô-xin, furan…

Ông Nguyễn Thành Lam, Trưởng phòng Quản lý chất thải thông thường thuộc Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, để giải bài toán công nghệ lò đốt rác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-BTNMT ngày 10 tháng 3 năm 2016 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đây là căn cứ kỹ thuật quan trọng mang tính sàng lọc cho việc sản xuất lựa chọn và thẩm định lò đốt ngay từ giai đoạn đầu. Đồng thời, cần dựa vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để triển khai áp dụng công nghệ phù hợp. Nhiều địa phương hiện đang chuyển sang áp dụng công nghệ compost xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, với 30 nhà máy trên cả nước. Ưu điểm của công nghệ này là đơn giản, không tốn diện tích đất và không phát sinh nước thải ra môi trường ngoài.

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để giải bài toán rác thải nông thôn, trước mắt là UBND các xã, thị trấn cần quy hoạch khu xử lý rác thải, thành lập tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải. Các nhân viên thu gom cần được trang bị đủ công cụ đạt tiêu chuẩn như: Xe chở rác, cuốc, xẻng, quần áo bảo hộ lao động, khẩu trang, chổi… Từ đó, rác thải được thu gom chuyển đến các điểm tập kết để vận chuyển đến khu xử lý tập trung. Ngoài ra, các trạm trung chuyển rác thải phải được bố trí tại các địa điểm thuận tiện giao thông, không gây cản trở các hoạt động giao thông chung, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Các khu xử lý rác thải cần được quy hoạch ở vị trí phù hợp với nguồn phát sinh rác thải, tại khu đất trống, không phá hoại cảnh quan, xa khu dân cư, không nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập sâu trong nước, không nằm trong vùng phân lũ của các lưu vực sông, không nằm ở vị trí đầu nguồn nước… Quy mô cơ sở xử lý rác thải và các công trình phụ trợ được xác định trên cơ sở quy mô dân số, lượng chất thải hiện tại và thời gian hoạt động, cũng cần tính đến sự gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và khối lượng rác thải tương ứng trong tương lai.

Đối với các điểm dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để xử lý rác thải, các mô hình như: Vườn-ao-chuồng (VAC), thùng chứa rác tự tạo, hầm chứa rác tự xây, hố chứa rác tự phân huỷ, hố ủ phân rác trát bùn… nên được đẩy mạnh sử dụng tại hộ gia đình để xử lý rác thải phát sinh từ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi.

(Theo QĐND)

(Còn nữa)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top