Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:57:55

Giải “bài toán” cử nhân thất nghiệp – còn nhiều việc phải làm

Ngày đăng: 31/10/2016

Mấy năm gần đây, con số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ ra trường không tìm được việc làm ngày càng tăng, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Phải làm gì để giải quyết tình trạng này?

Lãng phí và hệ lụy

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến quý 2-2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp; trong đó, số người có trình độ từ đại học trở lên là 225.000 người, tăng gấp 3 lần so với cùng thời điểm năm 2014 và trở thành nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Trong khi đó, khoảng 70-80% học viên học nghề sau khi ra trường lại có việc làm ngay. Cũng theo thống kê, hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, do tính chất công việc sản xuất không yêu cầu người lao động phải có trình độ chuyên môn và mức lương cho nhóm lao động này thấp hơn. Điều này cho thấy, cơ cấu đào tạo đang có sự mất cân bằng, không phù hợp với nhu cầu thực tế. Điều này đồng nghĩa với việc lãng phí tiền bạc, công sức của bản thân các em, gia đình và xã hội. Nhiều bạn trẻ do không xin được việc làm sinh ra chán nản, sa vào tệ nạn xã hội. Hệ lụy đó còn đưa không ít gia đình, nhất là các hộ nghèo ở nông thôn hay đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao vào cảnh nợ nần. Bởi để có tiền cho con em đi học, nhiều gia đình đã phải bán trâu, bò, lợn, gà, phải vay ngân hàng và vay nợ bên ngoài…

Anh Nguyễn Văn Tuấn, cử nhân Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, quê ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), đang là nhân viên tiếp thị tại một đại lý nước giải khát trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, chia sẻ: “Gia đình khó khăn, nhưng nghe tin tôi đỗ đại học, ông bà, bố mẹ, nội ngoại mừng lắm nên đã vay ngân hàng lo cho tôi ăn học. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi, tôi trở về quê nhà, qua các kỳ thi tuyển rồi đi xin việc ở quê đều không được nên tôi rất buồn. Không lẽ cứ ở nhà “ăn bám” cha mẹ, thế nên tôi đành quay trở lại Hà Nội và chấp nhận làm nhân viên tiếp thị”.

Đông đảo sinh viên tham dự “Ngày hội việc làm ICTU2016” vừa được tổ chức tại Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN 

Đông đảo sinh viên tham dự “Ngày hội việc làm ICTU2016” vừa được tổ chức tại Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Câu chuyện cử nhân thất nghiệp xảy ra ở hầu khắp cả nước. Tìm hiểu tại huyện Mù Cang Chải, chúng tôi được biết, ở đây còn hơn 200 sinh viên ra trường không bố trí được việc làm, trên tổng số hàng nghìn cử nhân thất nghiệp của tỉnh Yên Bái. Theo ông Lê Trọng Khang, Phó chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, Huyện ủy, UBND huyện đang tính đến vấn đề mời gọi các nhà đầu tư xây dựng một nhà máy may ở địa phương, UBND huyện sẽ trao đổi với nhà đầu tư để đưa một số sinh viên thất nghiệp vào làm công nhân.

Cử nhân ngành học sư phạm như Nguyễn Văn Tuấn với ước mơ xin việc đúng chuyên môn càng xa vời khi có thông tin đến năm 2020 cả nước sẽ thừa khoảng 70.000 giáo viên. Con số thất nghiệp của ngành sư phạm nói riêng và tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ nói chung khiến dư luận không khỏi giật mình và đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh bài toán cung-cầu, cũng như công tác quản lý, quy hoạch việc làm hiện nay.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Giải thích cho tình trạng thất nghiệp của những kỹ sư, cử nhân có nhiều quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do đào tạo ồ ạt, tăng quy mô quá nhanh, mở trường đại học tràn lan… Tính đến năm 2015, cả nước có gần 500 trường đại học, cao đẳng, so với giai đoạn 2007-2013, có 133 trường đại học, cao đẳng được thành lập, trong đó 108 trường được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, hoặc từ cao đẳng lên đại học. Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20.000 người có trình độ đại học trở lên trong khi các trường lại cho “ra lò” hơn 400.000 người thì việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm trái nghề là khó tránh khỏi. Một số ý kiến khác lại nhấn mạnh tới nguyên nhân chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng; trình độ, kỹ năng của cử nhân, kỹ sư không tương xứng với giá trị thật của tấm bằng đại học. Không ít doanh nghiệp than phiền có đến 70% sinh viên mới ra trường yếu các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, thiếu tinh thần kỷ luật và đặc biệt là yếu ngoại ngữ… Bên cạnh đó, thị trường lao động hiện nay có nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất cao, nhu cầu về lao động có trình độ đại học lại ít, trong khi người Việt chúng ta vẫn nặng tâm lý khoa cử. Các ông bố, bà mẹ có con tốt nghiệp đại học vẫn thấy tự hào, ngay cả khi con họ không có việc làm.

Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Cần phải gắn quy hoạch phát triển cơ cấu ngành nghề với quy hoạch, chiến lược phát triển và nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương và quốc gia. Tăng cường điều tra, khảo sát, dự báo để thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực sát thực tế. Có chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với những ngành nghề phổ thông đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của xã hội. Đẩy mạnh công tác phân luồng, định hướng giáo dục tiếp cận nghề nghiệp cho học sinh ngay từ cấp THCS và THPT. Cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học trong việc nắm bắt nhu cầu sử dụng, đặt hàng đào tạo cung ứng cho người sử dụng lao động; thiết lập mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động thông qua các hình thức tổ chức sự kiện, giúp sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo. Nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng làm việc cho sinh viên, “học đi đôi với hành”. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với người tốt nghiệp; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển kinh tế để tăng chỗ làm việc và ưu tiên ngân sách Nhà nước cho thực hiện các giải pháp trên. Nghĩa là cần sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, người sử dụng lao động.

Con đường đi đến thành công không nhất thiết phải bắt đầu bằng tấm bằng đại học. Với đa số trường hợp, việc làm đến từ khả năng, nhu cầu, nỗ lực của chính các em. Ngay cả một trường đại học danh tiếng, không phải ai đã học qua đó cũng bảo đảm có việc làm. Giải bài toán việc làm vì thế còn phụ thuộc vào chính mỗi sinh viên và gia đình khi lựa chọn trường học gắn với chọn nghề.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top