Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 03:14:42

Giá trị to lớn của Đề cương văn hóa Việt Nam

Ngày đăng: 25/03/2023

QK2 – Khẳng định ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói lâu nay văn hóa chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ vai trò "soi đường cho quốc dân đi". 

Bài 3: 6 nhiệm vụ trọng tâm để phát triển nền văn hóa dân tộc

Tại hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư đã mượn lời tiền nhân: "Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất", Tổng Bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm "văn hóa còn thì dân tộc còn". Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc. Tổng Bí thư dẫn ra nhiều khái niệm văn hóa mang tính học thuật của các nhà nghiên cứu và cũng chia sẻ quan niệm giản dị của mình về văn hóa. Theo đó, văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… ấy chính là văn hóa. Ngược lại, những xấu xa, bỉ ổi chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa.

Tổng Bí thư đã trích dẫn một số câu ca dao, tục ngữ, lời thơ của dân tộc như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng; Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Thương người như thể thương thân; Lá lành đùm lá rách; Lá rách ít đùm lá rách nhiều; Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ; Kính lão đắc thọ; Kính già, già để tuổi cho; Anh em như thể chân tay; Kính trên nhường dưới; Vợ ta đói rách ta thương, vợ người áo gấm xông hương mặc người; Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn; Thuận bè thuận bạn tát cạn Biển Đông; Đói cho sạch, rách cho thơm; Thật thà là cha quỷ quái; Tôn sư trọng đạo; Lời chào cao hơn mâm cỗ; Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”…

Nét đẹp truyền thống văn hóa Hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy tri ân công đức các Vua Hùng tại Đền Hùng.

Tổng Bí thư đã chỉ dẫn ra tinh thần yêu nước và nhân ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc của Người để khẳng định cái hồn cốt thiêng liêng của dân tộc, cái vốn văn hóa quý giá của đất nước. Những danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh và gần nhất là hai thi sĩ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu. Nhận thức của Đảng ta về văn hóa trong thời kỳ đổi mới ngày càng được hoàn thiện và sâu sắc hơn, việc triển khai trong thực tế cũng tốt hơn nên gần đây văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, đi vào cả trong chính trị và trong kinh tế, công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc.

Tuy nhiên, việc thể chế các quan điểm của Đảng về văn hóa còn chậm, việc triển khai thực hiện các chính sách còn chưa tốt. Tổng Bí thư bày tỏ buồn lòng bởi văn hóa văn nghệ hiện nay có phần sa sút trên nhiều mặt. Văn hóa chưa được các cấp các ngành nhận thức sâu sắc, chưa được quan tâm đầy đủ, chưa thành nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước, còn thiếu vắng những tác phẩm lớn, những nghệ sĩ lớn. Tổng Bí thư chỉ rõ: Đó là một bộ phận cán bộ văn hóa chưa nhận thức đầy đủ toàn diện đường lối văn hóa của Đảng, phương thức quản lý văn hóa chậm đổi mới… thể chế hóa thiếu đồng bộ, cán bộ thực hiện thiếu quyết liệt, thiếu hiệu quả…

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thứ hai, Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo…

Thứ ba, Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân – thiện – mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền của đất nước.

Thứ tư, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.

Thứ năm, Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.

Thứ 6, Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

(còn nữa)

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.