Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 07:38:24

Đổi thay ở vùng biên giới Vị Xuyên

Ngày đăng: 30/11/2015

Trước đây, cuộc sống của người dân 13 xã biên giới thuộc các huyện: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần (Hà Giang) luôn gặp nhiều khó khăn, cái đói, cái nghèo thường xuyên bám riết lấy từng nhà. Thế nhưng, kể từ ngày Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 313, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang được thành lập, vùng đất này đã từng bước “thay da đổi thịt”, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể, không ít gia đình đã có của ăn của để.

Chỗ dựa tin cậy cho bà con

Theo chân Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng thăm và kiểm tra, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2015 tại một số đơn vị thuộc Quân khu 2, khi đến Đoàn KT-QP 313 thuộc Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, chúng tôi ngỡ ngàng được thấy cơ ngơi doanh trại của đoàn khang trang bên dòng sông Lô xanh mát. Đại tá Nguyễn Mạnh Hồng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 313 giới thiệu: Từ khi đơn vị triển khai thực hiện Dự án khu KT-QP, bước đầu đã đạt được hiệu quả cả về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho bà con nhân dân trên địa bàn.

Cán bộ Đoàn KT-QP 313, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cùng nhân dân thôn Nậm Tẩm, xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên thu hoạch lúa.

Cán bộ Đoàn KT-QP 313, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cùng nhân dân thôn Nậm Tẩm, xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên thu hoạch lúa.

Đoàn KT-QP 313 đứng chân trên địa bàn 13 xã biên giới thuộc 3 huyện: Vị Xuyên, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Trong số 89 thôn, bản, thì có tới 34 thôn giáp biên giới với 12 dân tộc. Trên địa bàn có 102,8km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn, 106 cột mốc (90 mốc chính, 16 mốc phụ). Đời sống nhân dân trong khu vực nhìn chung còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 33,8%. Những năm qua, Đoàn KT-QP 313 chủ động tham mưu, phối hợp với tỉnh Hà Giang, Huyện ủy, HĐND, UBND 3 huyện trên địa bàn kiện toàn hệ thống chính trị từ thôn, bản đến xã; tham gia huấn luyện lực lượng dân quân, tự vệ, do đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định và được giữ vững. Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 313 xác định, nhiệm vụ trung tâm của đoàn là phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh trên địa bàn được giao. Toàn đoàn tăng cường quản lý tình hình trên tuyến biên giới, trong nội địa, làm tốt công tác dân vận.

Để phát triển kinh tế, xã hội, trước hết cán bộ, chiến sĩ của đoàn tập trung rà phá, làm sạch ô nhiễm bom, mìn; xây dựng cơ sở hạ tầng, di giãn, ổn định dân cư và xóa đói giảm nghèo. Tại khu KT-QP Vị Xuyên, đơn vị đã xây dựng và kiên cố 12 công trình thủy nông với trị giá 23,79 tỷ đồng, bảo đảm nước tưới tiêu cho hơn 210ha lúa, với tổng chiều dài 15,3km; đầu tư, nâng cấp mở mới đường giao thông bê tông 4 công trình, giá trị đầu tư 30,85 tỷ đồng với tổng chiều dài 11km. Cùng với đó, đơn vị cũng triển khai xây dựng 9 điểm trường với tổng diện tích 1.185m2, giá trị đầu tư 7,98 tỷ đồng; 2 đường điện dài 7,25km giá trị 3,88 tỷ đồng; xây dựng nhà đội sản xuất… Đơn vị triển khai xây dựng 6 mô hình trồng su su, khoai tây, dong giềng, nuôi lợn, nuôi dê và gà đen, đưa 139 hộ nghèo của 5 xã tham gia mô hình này. Kinh phí đầu tư cho các mô hình lên tới 1,5 tỷ đồng. Kết quả đạt được khi xây dựng mô hình, năng suất cây trồng đều cao hơn với năng suất của địa phương từ 15% đến 35%. Nhờ những mô hình trên, các hộ dân tăng thu nhập, giảm được tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dự án. Riêng đối với dự án di giãn dân, đơn vị đã thực hiện được 75 hộ với tổng số vốn được hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng.

Một trong các nhiệm vụ khó khăn mà đơn vị đã thực hiện thành công đạt hiệu quả cao, đó là công tác rà phá bom mìn, vật cản trong vùng dự án. Trong 12 năm, đơn vị đã rà phá được 290ha đất thuộc vùng dự án theo Chương trình 120 của Chính phủ. Trong đó, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì 140ha, còn huyện Xín Mần là 150ha. Nhu cầu rà phá bom mìn, vật cản giai đoạn 2013 – 2015 trong vùng dự án là 881ha, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì là 141ha, huyện Xín Mần là 440ha và huyện Vị Xuyên là 300ha.

Trong quá trình thực hiện dự án xóa đói giảm nghèo, gia đình anh Lý Văn Doòng, ở thôn Nậm Lịch, xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên được hỗ trợ một con trâu dự án. Chỉ trong vài năm, anh đã nuôi dưỡng con trâu và chúng đã sinh sôi thêm 4 con, với trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài nuôi trâu, gia đình anh còn nuôi hơn 10 con dê, 2 con lợn nái cùng gà, vịt… Gạo, lúa được mùa, dùng không hết, gia đình anh phải đem ra chợ bán. Cũng nhờ các khoản thu đó, anh đã sắm được xe gắn máy, ti vi và nhiều thiết bị đắt tiền phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang của mình, anh phấn khởi cho biết: “Cũng như nhiều hộ dân khác, trước đây cuộc sống gia đình tôi gặp muôn vàn khó khăn, bữa đói, bữa no, thiếu thốn trăm bề, giao thông đi lại khó khăn, các con không được đến trường. Vậy mà, từ khi bộ đội Đoàn KT-QP 313 về, không chỉ cuộc sống gia đình tôi, mà cả các hộ gia đình khác trong thôn ngày càng khấm khá dần lên, những hộ nghèo của xã đều được bộ đội hỗ trợ trâu, bò sinh sản, cho vay vốn trồng chè, phát triển sản xuất, hướng dẫn cách trồng trọt chăn nuôi”…

Ba cùng để dân tin, làm theo

Được biết, để làm được những điều đó, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 313 đã phải lặn lội đến từng thôn, bản thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với nhân dân. Từ đó vận động bà con xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, tích cực hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Bước đầu để tạo niềm tin cho nhân dân, các anh đã là những người tiên phong biến những khu đất cằn cỗi quanh doanh trại, thành mô hình mẫu cho bà con tham quan, học hỏi. Mặt khác, đơn vị còn cử cán bộ khuyến nông trực tiếp xuống từng thôn, bản, từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động, giải thích. Miệng nói, tay làm, hướng dẫn bà con nhân dân kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Từ chỗ ban đầu chỉ có hơn chục héc-ta cây thảo quả trồng phân tán, đoàn đã hỗ trợ quy hoạch phát triển lên tới hàng nghìn héc-ta; cấp giống ngô lai và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, góp phần tăng năng suất cao hơn nhiều lần so với trước. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, cây trồng và vật nuôi, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, không còn cảnh thiếu gạo ăn như trước.

Dò gỡ, xử lý bom mìn, vật nổ - nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 313, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang.

Dò gỡ, xử lý bom mìn, vật nổ – nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 313, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang.

Cùng với đó, đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan tiến hành khảo sát, xây dựng các công trình dân sinh thiết yếu. Từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã xây dựng được 7 công trình thủy lợi dài hơn 8km, sửa chữa được hơn 11,5km đường ống dẫn nước sinh hoạt, xây dựng 2 điểm trường, nạo vét gần 19km kênh mương, bảo đảm đủ nước sinh hoạt và nước tưới cho hơn 300ha lúa nước. Đặc biệt, năm 2012 đơn vị đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện dự án di giãn dân ra biên giới cho 50 hộ dân tại thôn Ma Lỳ Sán, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần. Trực tiếp huy động hơn 2.200 ngày công xây dựng được 7 nhà và 132 bể nước sạch, đường giao thông, hệ thống điện, nước trong khu tái định cư, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Bên cạnh việc làm cụ thể, Đoàn KT-QP 313 thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từng bước xóa bỏ những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, ốm đau… Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào có ý nghĩa như: “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Hành trình Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”. Trong những năm qua, Đoàn KT-QP 313 đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương, hỗ trợ, đầu tư các trang thiết bị y tế cần thiết cho Bệnh xá Quân-dân y 313 phục vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, triển khai cho các y sĩ, bác sĩ trực tiếp đến từng thôn bản để thăm, khám bệnh, điều trị và cấp phát thuốc điều trị bệnh miễn phí cho nhân dân. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Viết Duật, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, huyện Vị Xuyên hào hứng kể: “Trước đây, nhân dân vẫn còn giữ tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay dưới sàn nhà vừa mất vệ sinh lại dễ lây bệnh. Khi đến vận động, nhiều gia đình không đồng tình, với lý do như sợ mất, không có tiền để làm chuồng trại… nhưng cái chính là nhân dân không muốn thay đổi tập quán cố hữu từ bao đời nay. Thế nhưng, cán bộ Đoàn KT-QP 313 đã vận động những gia đình gương mẫu làm trước, rồi cả đội cùng góp sức, người chặt cây, người lấy lá, chẻ lạt… cùng xây dựng chuồng trại mới cho trâu, bò. Ngày đầu bà con còn tò mò đến xem, một thời gian thấy có hiệu quả, ruồi, muỗi giảm hẳn, ít ốm đau, bệnh tật, vậy là bà con tự giác bảo nhau làm theo. Đến nay, 100% số hộ dân trong vùng dự án đều đã hoàn thành việc di chuyển chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà ở, đó cũng là một trong những thành công lớn có ý nghĩa của Đoàn KT-QP 313”.

Với những việc làm thiết thực cùng trách nhiệm, nghĩa tình của mình, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 313 đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo của một vùng đất biên giới nghèo nàn, lạc hậu, tạo dựng niềm tin vững chắc trong lòng nhân dân.

Theo HÀ KHÁNH – QUỐC HOÀN (QĐND)

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.