Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 10:19:29

 “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống

Ngày đăng: 03/10/2022

QK2 – Chính thức đi vào hoạt động năm 1979 với diện tích 35.000m2, Bảo tàng Quân khu  là địa chỉ đỏ gắn liền với việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, chiến công của quân, dân Tây Bắc trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu, trực tiếp là Cục Chính trị và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, hoạt động Bảo tàng Quân khu đã từng bước trưởng thành và phát triển, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, học tập, nghiên cứu, trải nghiệm…

Bảo tàng Quân khu luôn là “Địa chỉ đỏ” giáo dục, truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ.

Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ tham quan Bảo tàng.

Trải qua một thời gian dài lịch sử, Quân khu 2 không có hoạt động Bảo tàng; không có công tác Sưu tầm hiện vật đúng ý nghĩa của Bảo tàng. Suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ các hoạt động Bảo tàng giao về Bảo tàng các tỉnh, mỗi khi có nhiệm vụ cần trưng bày triển lãm thì Quân khu huy động các địa phương gửi hiện vật về triển lãm xong lại trả về đơn vị (thường tổ chức vào dịp diễn ra các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước, quân đội, LLVT Quân khu…). Đến năm 1979 trước yêu cầu, nhiệm vụ của LLVT Quân khu trong giai đoạn mới, ngày 04/10/1979 Bộ Tư lệnh Quân khu 2 ban hành Quyết định số 1129/QL thành lập bảo tàng với tên gọi Bảo tàng Lực lượng vũ trang Tây Bắc.

Bảo tàng Quân khu được Bộ Quốc phòng ra Quyết định xếp hạng II trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam. Năm 2016, Bảo tàng Quân khu 2 được đầu tư nâng cấp sửa chữa với quy mô tương đối lớn; trưng bày khoa học, hiện đại theo từng chủ đề, nêu bật những chiến công, thành tích qua từng thời kỳ, gắn với những biểu tượng lịch sử đặc sắc nhất của đồng bào, Lực lượng vũ trang Tây Bắc.

Trường mầm non Đất Việt, phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) tham quan Bảo tàng.

Trước sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ; trình độ dân trí ngày càng cao; nhu cầu cảm thụ văn hoá, nhu cầu hiểu biết khám phá sáng tạo của con người ngày càng tăng và xu hướng toàn cầu hoá mở rộng…, Bảo tàng Quân khu nhận thức rõ cần phải tự hoàn thiện và đổi mới hoạt động, thể hiện rõ ở các khâu công tác nghiệp vụ mà trước tiên là công tác sưu tầm hiện vật. Đây là khâu hoạt động mở đầu quan trọng tạo, “tiền đề vật chất” cho toàn bộ hoạt động Bảo tàng. Bảo tàng Quân khu rất coi trọng công tác sưu tầm. Cán bộ, nhân viên chuyên môn của Bảo tàng đã không quản ngại khó khăn, vất vả, lăn lộn khắp các địa bàn để sưu tầm hiện vật tại nhiều đơn vị, địa phương thuộc 9 tỉnh phía bắc trên địa bàn. Khó khăn nhất của người làm công tác sưu tầm hiện vật là chiến tranh đã lùi xa, nhân chứng lịch sử không còn nhiều, Bảo tàng lại không có con dấu riêng nên gây không ít khó khăn cho công tác sưu tầm. Nhưng với niềm đam mê và trách nhiệm cao cả của người lính trên mặt trận văn hóa, cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quân khu đã sưu tầm lưu giữ trên 12 nghìn tư liệu, hiện vật tiêu biểu, ghi đậm dấu ấn của quân dân Tây Bắc qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có nhiều hiện vật quý.

Thực tế cho thấy, Bảo tàng tổ chức và tham gia hàng trăm cuộc trưng bày triển lãm toàn quân, toàn ngành và trong LLVT Quân khu nhân các sự kiện chính trị, ngày lễ, kỷ niệm trọng đại của đất nước, Quân đội; phục vụ hàng triệu lượt bộ đội, nhân dân và khách quốc tế đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Qua đó công chúng tiếp nhận được những thông tin gốc, tri thức gốc về những sự kiện của lịch sử Lực lượng vũ trang Quân khu thông qua hiện vật Bảo tàng. Lượng khách đến tham quan Bảo tàng trung bình hàng năm trên 10.000 lượt người, trong đó có trên 2.000 khách quốc tế.

Không chỉ làm tốt công tác sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, tuyên truyền, triển lãm, Bảo tàng Quân khu còn giúp các đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đóng quân trang trí, trưng bày nhà, phòng truyền thống đạt kết quả tốt và Bảo quản di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quân khu bộ. Bảo tàng đã tiếp nhận hàng trăm lượt sinh viên các trường đại học đến thực tập, nghiên cứu, làm luận văn tốt nghiệp; đồng thời phối hợp với các Nhà trường trong và ngoài Quân đội, các Công ty du lịch lữ hành trên các địa bàn duy trì có hiệu quả chương trình phối hợp “Hành trình đến với Bảo tàng”. Những năm gần đây, Bảo tàng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hoạt động của trên các phương tiện thông tin đại chúng; đã viết, đăng hàng trăm tin, bài có chất lượng trên trang điện tử của Bảo tàng LSQS Việt Nam, Báo Quân khu, báo địa phương, trang Fanpage Facebook “Bảo tàng Quân khu 2”… nhằm tuyên truyền, đăng tải phản ánh hoạt động của Bảo tàng, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quân đội, Quân khu, đơn vị và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống “DBHB” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. 

Bảo tàng Quân khu thường xuyên chú trọng xây dựng củng cố tổ chức bộ máy, quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên, xây dựng đội ngũ nhân viên có nhận thức chính trị tốt, tay nghề khá. 100% cán bộ, nhân viên có trình độ cao đẳng, đại học, phát huy được tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhiều năm liền tập thể và cán bộ, nhân viên Bảo tàng Quân khu 2 được cấp trên tặng thưởng với nhiều phần thưởng cao quý.

Trải qua 43 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Quân khu từng bước phát triển về cơ cấu và tổ chức, cũng như chức năng, nhiệm vụ, làm tốt vai trò thiết chế văn hóa, bộ phận quan trọng trong hoạt động CTĐ, CTCT của LLVT Quân khu, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước cho đồng bào, chiến sĩ đặc biệt là các thế hệ trẻ trong LLVT Quân khu, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục trải nghiệm và thưởng thức các giá trị văn hóa, đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc, đồng thời là “Địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng trên địa bàn Tây Bắc.

Bài, ảnh: NGUYỄN QUANG TRUNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.