Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:46:09

Đem no ấm về bản làng

Ngày đăng: 03/06/2016

Những ngày tháng 5, trời nắng như đổ lửa, vượt qua chặng đường quanh co, hiểm trở của núi rừng Tây Bắc, có mặt tại các Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 (Đoàn KT-QP 326) và 379 đứng chân trên địa bàn huyện Sốp Cộp (Sơn La) và huyện Mường Nhé (Điện Biên), chứng kiến tình cảm mà người dân nơi đây dành cho cán bộ, chiến sĩ của đoàn, chúng tôi càng hiểu hơn những việc làm của Bộ đội Cụ Hồ nơi vùng biên cương Tổ quốc. Những cây cầu, những con đường mới, mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả… đã góp phần không nhỏ trong việc đổi thay cuộc sống của đồng bào nơi đây.

Đổi thay từ những con đường

Nhìn con đường vào bản Cang Kéo, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La được trải bê tông phẳng lì, nhiều người chắc không thể hình dung chỉ vài năm trước, đây là con đường đất, đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa. Cách di chuyển duy nhất để vào bản là đi bộ. Vui mừng trước sự đổi thay của địa phương từ khi có đường mới, ông Lý Vự Sênh (68 tuổi), ở cụm Nậm Căn, bản Cang Kéo cho biết: “Ngày trước việc đi lại ở bản khó khăn lắm, mùa mưa thì không đi nổi, thóc làm ra chỉ tích trữ trong nhà. Được Đảng, Nhà nước giúp đỡ tạo điều kiện làm đường cho bà con đi lại, buôn bán, nên tôi và nhiều bà con đã nhất trí hiến đất làm đường. Từ khi có đường bê tông, bà con đi lại thuận tiện, thóc làm ra có thể mang ra huyện bán dễ dàng, đời sống cũng khá hơn trước”.

Đây chỉ là một trong những con đường mà Đoàn KT-QP 326 (Bộ CHQS tỉnh Sơn La-Quân khu 2) đã thực hiện. Đại tá Nguyễn Hồng Phương, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 326 chia sẻ với chúng tôi: “Thực hiện cuộc vận động “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, đoàn chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương tiến hành khảo sát, thiết kế, xây dựng kế hoạch, tổ chức thi công tuyến đường giao thông nông thôn Nậm Lạnh-Cang Kéo với chiều dài 7,9km. Ngoài ra, Đoàn KT-QP 326 còn tổ chức thi công tuyến đường Co Pồng-Sổm Pói, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, dài 1,7km; đường liên bản Pá Hốc, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp dài 5,4km. Đoàn cũng giúp bà con tu sửa 16km đường giao thông liên bản; 8,5km mương, máng thủy lợi; 2 công trình nước sạch; sửa chữa 4 nhà văn hóa bản, 12 cầu treo, cầu tạm; triển khai 2 mô hình trồng trọt, chăn nuôi để phổ biến kỹ thuật cho nhân dân tham quan, học tập và làm theo, giúp 231 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, neo đơn thu hoạch mùa, tu sửa nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, chăm sóc cây trồng… Chính từ các mô hình trình diễn và chuyển giao kỹ thuật đã giúp 7 hộ gia đình nơi đây thoát nghèo. Nhiều hộ đã có sự chuyển đổi về tư duy, cách thức sản xuất để phát triển kinh tế.

 Đoàn KT-QP 326 làm đường giao thông nông thôn tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Đoàn KT-QP 326 làm đường giao thông nông thôn tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.

Giữ ổn định vùng biên giới

Chia tay với Đoàn KT-QP 326, chúng tôi hướng tới tỉnh Điện Biên, nơi đóng quân của Đoàn KT-QP 379 (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên). Dẫn chúng tôi vào bản Mường Toong 8 (xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), Đại tá Dương Mạnh Hùng, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 379 cho biết, đây là một trong ba điểm bản được Đoàn KT-QP 379 thực hiện di dời dân cư sống rải rác từ các vùng lân cận về sống tập trung. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà mái tôn đỏ được quy hoạch trên một khu vực rộng rãi. Là một trong những hộ đầu tiên nhất trí với chủ trương di chuyển về bản Mường Toong 8, ông Phà A Só (51 tuổi) nhìn lên căn nhà khang trang, vững chãi, phấn khởi tâm sự với chúng tôi: “Trước đây tôi sống ở bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, cuộc sống rất vất vả do không có đất sản xuất, phải đi làm thuê, đường sá đi lại vất vả. Gia đình tôi chuyển về đây từ đầu năm 2015. Bộ đội không chỉ giúp làm nhà mà còn làm cầu vào bản nên đi lại rất tiện lợi, cuộc sống của mọi người trong bản đã ổn định hơn trước”.

Đại tá Dương Mạnh Hùng cho chúng tôi biết: “Trong nhiều năm qua, tình trạng di cư tự do của đồng bào dân tộc, nhất là dân tộc Mông, khiến cho việc thực hiện các chính sách, chương trình để nâng cao chất lượng đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn; đồng thời gây xáo trộn lớn về dân số, ảnh hưởng tới an toàn xã hội và an ninh địa phương. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã giao cho Đoàn KT-QP 379 làm chủ đầu tư, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư để thành lập 3 bản mới là Mường Toong 6, 7, 8 thuộc xã Mường Toong. Nhận nhiệm vụ này, đoàn đã tiến hành di chuyển người dân từ bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn và bản Húi To, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé về với các bản mới thành lập. Đến nay, đã có 82/82 hộ dân với 393 nhân khẩu đăng ký di chuyển đến điểm bản mới; trong đó, đã tiến hành di chuyển và làm nhà cho 50 hộ với 228 nhân khẩu”.

Đến với bản Mường Toong 8, nhìn những cháu bé đang chơi đùa quanh khoảng sân chung của bản; những người đàn ông đang hối hả trở về sau một ngày làm việc; các mẹ, các chị đang tất bật chuẩn bị bữa cơm tối, chúng tôi cảm nhận thấy sự no ấm đã về với bản làng. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, giúp sức của cán bộ, chiến sĩ các đoàn KT-QP, cuộc sống của người dân ở những nơi xa xôi này sẽ ngày càng ổn định, phát triển.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top