Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:44:56

Cuộc sống mới trên địa bàn “Khu ủy Tây Bắc”

Ngày đăng: 09/10/2017

Thôn Bản Chanh, xã Phù Nham (Văn Chấn, Yên Bái) ngày nay chính là trụ sở làm việc của Khu ủy Tây Bắc những năm 1953 – 1954 để lãnh đạo phong trào cách mạng của bốn tỉnh Tây Bắc chống thực dân Pháp xâm lược. Trước đó, suốt trong thời gian dài, người dân nơi đây đã phải sống trong cảnh nô lệ lầm than, làm tôi tớ cho bọn Phìa Tạo, bị giặc Pháp bắt phu, bắt lính, đói khát, bệnh tật triền miên…

Người dân Bản Chanh đã có thu nhập cao từ cây bưởi Diễn.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, được cán bộ tuyên truyền giác ngộ, nhân dân các dân tộc xã Phù Nham đã nô nức một lòng cùng quân và dân cả nước chung sức tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại bọn xâm lược, giải phóng quê hương. Khi ấy, căn cứ Nong Bon chính là sợi dây kết nối nhân dân Phù Nham với Đảng, với Tổ quốc. Tấm lòng của nhân dân Năm Hăn, Bản Chanh… sắt son theo Đảng được thể hiện qua từng nắm cơm, hạt muối chắt chiu nuôi giấu cán bộ, cùng đồng cam cộng khổ với cán bộ qua những lần bị địch đe dọa, đàn áp nhưng vẫn không chịu khuất phục.

Để chuẩn bị giải phóng khu Tây Bắc khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp, tháng 5-1952 Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định bốn tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La tách khỏi Liên khu Việt Bắc và chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Tây Bắc. Ngày 14-10-1952, Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu mở màn. Chỉ trong vòng mười ngày, quân ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn gồm các huyện: Văn Chấn, Than Uyên (Yên Bái), Phù Yên và một phần huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Tiếp đó, bộ đội ta chủ động mở đợt hai của Chiến dịch Tây Bắc và đến cuối tháng 12-1952 đã giải phóng phần lớn  vùng Tây Bắc. Để thuận lợi trong công tác lãnh đạo và sâu sát hơn với nhân dân các dân tộc trong vùng, tháng 11-1952 Khu ủy Tây Bắc đã chuyển trụ sở về đóng tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên (Yên Bái).

Để đảm bảo an toàn cho cơ quan Khu ủy Tây Bắc và nhất là chuẩn bị phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 11-1953 Trung ương đã cho di dời toàn bộ Khu ủy Tây Bắc từ xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên vào đóng tại Bản Chanh, xã Phù Nham (Văn Chấn). Đồng thời, cũng chuyển toàn bộ các cơ quan của Khu ủy vào đóng rải rác tại các bản làng của xã Phù Nham. Ở đó, được đồng bào các dân tộc trong xã che chở, giúp đỡ, góp công, góp sức dựng nhà cửa, lán trại và cung cấp lương thực thực phẩm, các cơ quan của Khủ ủy Tây Bắc đã dựng nhà ở giống như nhà dân dọc bờ ngòi Nhì để đảm bảo bí mật hoạt động.

Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Quân khu, bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương các tỉnh đã ngăn chặn, tiêu diệt được bọn phỉ Cầm Đức, Giàng Páo Của được Pháp tiếp tế vũ khí lương thực nổi dậy gây rối ở một số nơi như Sơn La, Lào Cai và các xã Xà Hồ, Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái).

Địa danh Bản Chanh, xã Phù Nham hôm nay đã trở thành một địa danh khắc sâu vào tâm trí, tình cảm của những thế hệ cán bộ, nhân dân đã trực tiếp tham gia hoạt động, phục vụ kháng chiến. Đặc biệt, ngày 27-8-2012, địa danh Bản Chanh đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Phát huy truyền thống anh dũng, vượt khó trên quê hương cách mạng năm xưa, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nhân dân, sát dân để nghe dân, học dân, nói với dân và chăm lo đời sống của dân, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền xã Phù Nham, cuộc sống của gần 1.800 hộ dân ở 18 thôn, bản trong xã đã có những đổi thay rõ rệt. Ngoài 300 ha lúa hai vụ, trên 200 ha ngô, hơn 20 ha đất nuôi trồng thủy sản, người dân trong xã còn tập trung trồng rau màu, cà chua chuyên canh ở các bản: Noong Ỏ, Bản Chanh, Bản Đao, Phù Ninh… với rất nhiều mô hình kinh tế có thu nhập khá đã giúp Phù Nham giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất. Đó thực sự là kết quả từ các phong trào thi đua, những mô hình phát triển kinh tế cụ thể và truyền thống cần cù yêu lao động, yêu quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc trên địa bàn Khu ủy Tây Bắc năm xưa.

Về bản Chanh hôm nay mới thấy các đảng viên ở quê hương Khu ủy năm xưa thực sự là những cán bộ “nói được, làm được” và cũng “dám” thẳng thắn phê bình những việc làm chưa đúng, chưa được của cán bộ xã khiến dân tin, dân nghe và làm theo rất đông. Hiện nay, ngoài cây lúa, cây màu, người dân trong thôn, trong xã đang từng bước chuyển đổi cây trồng và giàu lên từ cây bưởi Diễn – giống bưởi ngon, quả to, vàng và đẹp mã, bán vào dịp tết rất được giá. Hộ ít cũng có một vài chục gốc, hộ nhiều có tới trăm gốc đã góp phần làm cho đời sống kinh tế và bộ mặt văn hóa – xã hội của xã Phù Nham nói chung, thôn Bản Chanh nói riêng khởi sắc từng ngày.

Đó chính là kết quả của sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác vận động quần chúng của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ xã mà tiêu biểu là đội ngũ các bí thư chi bộ thôn, bản ở Phù Nham. Mô hình ủy viên ban chấp hành Đảng ủy phụ trách thôn, bản, bí thư chi bộ phụ trách cụm dân cư, tổ dân phố, đảng viên phụ trách hộ gia đình đã và đang được triển khai thực hiện hết sức hiệu quả ở Phù Nham. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo nền móng vững chắc cho sự gắn bó sâu sắc giữa Đảng với dân ở 18/18 thôn, bản của Phù Nham. Bằng những việc làm gương mẫu của mình họ đã giúp dân tin vào Đảng, gắn bó với Đảng, cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với Đảng, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới trên quê hương Khu ủy Tây Bắc năm xưa.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.