Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 10:54:54

Bộ GD-ĐT đề nghị “cùng suy nghĩ lại” việc tích hợp môn Lịch sử

Ngày đăng: 16/11/2015

Môn Lịch sử được tích hợp trong môn Khoa học xã hội và Công dân với Tổ quốc ở cấp trung học phổ thông (THPT) là không thỏa đáng và thiếu cơ sở khoa học; sẽ có nhiều hệ lụy đáng tiếc nếu môn Lịch sử mất đi. Đó là những kiến nghị của nhiều đại biểu về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT, tại Hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông”, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15-11, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội).

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì buổi hội thảo.

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ trì buổi hội thảo.

Lịch sử phải là môn bắt buộc

Trước sự có mặt của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển và những người chịu trách nhiệm về Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trong chương trình giáo dục phổ thông mới, các đại biểu đã bày tỏ những ý kiến khá gay gắt, với lo lắng môn Lịch sử có nguy cơ bị “xóa bỏ”.

GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam bày tỏ: Hầu hết các nước văn minh đều coi lịch sử là một trong những môn học cơ bản và bắt buộc trong nền giáo dục phổ thông. Lịch sử Việt Nam là lịch sử xây dựng và bảo vệ của một quốc gia – dân tộc phải tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh chống ngoại xâm triền miên, nhiều hy sinh mất mát và vô cùng oanh liệt. Với vị trí địa – chiến lược của nước ta, Việt Nam luôn phải dựng nước đi đôi với giữ nước. Do đó, lịch sử là cội nguồn sức sống của dân tộc.

“Không kế thừa những truyền thống của dân tộc thì làm sao có thể viết tiếp những trang sử, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau”, GS. NGND Phan Huy Lê nhấn mạnh và cho rằng: Dù Bộ GD-ĐT có giải thích thế nào thì với chương trình mới, trên thực tế đã “khai tử” môn Lịch sử, khi một ít kiến thức lịch sử bị cắt nhỏ rồi tích hợp vào một số môn khác (môn Lịch sử với Địa lý thành môn Khoa học xã hội và Lịch sử với Giáo dục công dân, An ninh – Quốc phòng thành môn Công dân với Tổ quốc), thì Lịch sử đã không còn vị thế của một môn học trong tính toàn bộ và hệ thống của nó. Trong chương trình THPT còn có môn Lịch sử tự chọn, nhưng với sách giáo khoa và cách dạy, cách học như hiện nay thì chắc chắn chẳng mấy học sinh chọn môn Lịch sử. Kết quả thi tốt nghiệp THPT đã chứng minh thực trạng này.

Hội thảo trở nên “nóng” hơn, khi GS. NGND Vũ Dương Ninh (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) dẫn chứng về sự mất đi dần dần của môn Lịch sử: Từ “luân phiên”, “thay thế”, “tự chọn” trong các kỳ thi và đến nay là “tích hợp”, môn Lịch sử đã dần biến mất khỏi chương trình với tư cách là một khoa học có chức năng riêng biệt và vô cùng quan trọng. Trong khi đó, nhìn sang các nước láng giềng, môn Lịch sử được giảng dạy từ bậc tiểu học đến trung học, nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ một cách cẩn thận, có hệ thống. Do đó, lịch sử đã thức tỉnh tinh thần dân tộc khi bước vào thời đại mới, đưa đất nước lên vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Rõ ràng, lịch sử đã được họ sử dụng như một vũ khí tinh thần.

Hội nghị thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, giảng viên môn Lịch sử.

Hội nghị thu hút rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, giảng viên môn Lịch sử.

“Lịch sử phải là một môn học độc lập, có vị trí ngang bằng với các môn học khác trong chương trình GDPT và dứt khoát là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí tiến tới coi Lịch sử Việt Nam là một môn thi trong tuyển chọn nhân viên vào các cơ quan, với người muốn nhập quốc tịch Việt Nam”, GS. NGND Vũ Dương Ninh khẳng định.

Trong tham luận của mình, Thượng tướng, PGS, TS Võ Tiến Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng khẳng định: Tích hợp môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh với các môn học khác trong cấp THPT là trái với quy định pháp luật của nước ta. Giáo dục Quốc phòng – An ninh là môn học đặc thù cả về nội dung, phương pháp và hình thức, hơn 80% bài giảng mang tính trang bị kiến thức, kỹ năng thiết yếu để bảo vệ Tổ quốc. Các nội dung thực hành có sử dụng thuốc nổ, đạn hơi hay đạn thật… nên có chương trình và sách giáo khoa riêng, không thể tích hợp với môn học khác.

PGS. TS Hà Thị Thu Thủy (Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên) chia sẻ: Hiện nay đang xuất hiện hai luồng học sinh. Một là, rất yêu thích môn Lịch sử và học một cách nghiêm túc, nhưng vì cơ hội việc làm không lớn nên gác đam mê để theo những ngành khác và kiến thức sử dần bị quên lãng. Hai là, ghét học sử vì khó học, vì người lớn cho rằng nó là môn phụ, để rồi không biết gì về lịch sử, thờ ơ với lịch sử, dẫn đến những chia sẻ, bình luận thiếu hiểu biết trên internet. Đó sẽ là chỗ để các thế lực phản động lợi dụng, làm càn. Đã có nhiều bài học thực tế chứng minh điều đó. Vậy nên môn Lịch sử phải là môn độc lập, bắt buộc.

Để bảo vệ sự tồn tại của môn học, GS. TS Đỗ Thanh Bình (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Nếu các môn khác được xem là môn công cụ thì môn Lịch sử, trước hết là lịch sử dân tộc để tạo nên con người đó là người Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình chủ quyền biển, đảo, biên giới diễn biến phức tạp, Việt Nam đang dựa vào các chứng cứ lịch sử, khoa học lịch sử để đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, giữ vững chủ quyền quốc gia. Do đó, “dân ta phải biết sử ta”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ GD-ĐT rất tôn trọng và chú ý lắng nghe các ý kiến đóng góp.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ GD-ĐT rất tôn trọng và chú ý lắng nghe các ý kiến đóng góp.

Giảm nhẹ không có nghĩa là cắt bỏ

Cũng như nhiều nhà khoa học khác, trăn trở về việc làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử, GS. NGND Phan Huy Lê cho rằng: Trong đổi mới giáo dục hiện nay, nhấn mạnh chuyển từ truyền thụ kiến thức sang giáo dục năng lực và phẩm chất người học là hoàn toàn đúng. Muốn giáo dục lịch sử hay phát huy tác dụng giáo dục của môn Lịch sử, trước hết phải coi trọng và am hiểu nền tảng khoa học của môn Lịch sử, phải nhận thức và đối xử như một khoa học.

Môn Lịch sử gần đây dù có mặt hạn chế nhưng đã góp phần quan trọng đào tạo các thế hệ trẻ, tạo nên các phẩm chất để hoàn thành trách nhiệm chiến đấu giành lại độc lập, thống nhất Tổ quốc và gánh vác nghĩa vụ xây dựng đất nước, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của quốc gia. Do đó, để môn Lịch sử trở nên hấp dẫn, trước hết cần trang bị cho học sinh một hệ thống kiến thức chọn lọc hết sức chặt chẽ theo hướng cơ bản và tinh giản, xuất phát từ yêu cầu giáo dục của môn Lịch sử đối với từng cấp, từng lớp.

“Vấn đề căn bản là làm thế nào để học sinh tiếp cận và tiếp thu vốn kiến thức đó một cách hứng thú, chủ động trong tinh thần yêu thích môn học”, GS. NGND Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Cùng chung ý kiến, GS. NGND Vũ Dương Ninh cũng cho rằng, giới sử học cần mạnh dạn cải cách, xây dựng hệ thống chương trình, sách giáo khoa mới, bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm và có sức hấp dẫn, phù hợp với tâm sinh lý và lứa tuổi học sinh.

“Chỉ có nhận thức đúng đắn về vị trí môn Lịch sử và chuyển đổi mạnh mẽ trong dạy và học từ cả hai phía – người lãnh đạo, quản lý và người trực tiếp giảng dạy- thì môn Lịch sử mới làm trọn nhiệm vụ trong nền giáo dục nước nhà”, GS. NGND Vũ Dương Ninh khẳng định.

Góp ý GDPT tổng thể, PGS. TS Hà Thị Thu Thủy cho rằng: Có thể xây dựng môn Lịch sử thành hai chương trình (gọi là Lịch sử 1 và Lịch sử 2). Lịch sử 1 gồm những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và nhân loại; Lịch sử 2 là các kiến thức chuyên sâu mang tính định hướng nghề nghiệp.

Theo kiến nghị của GS. TS Đỗ Thanh Bình, môn học nào, khi làm chương trình đều muốn giảm nhẹ, điều đó tốt cho học sinh nhưng không phải bằng mọi giá và không phải tất cả. Giảm nhẹ không có nghĩa là cắt bỏ hay làm biến mất những môn liên quan đến hình thành nhân cách con người, liên quan đến vận mệnh dân tộc. Có những môn học có những nội dung tích hợp được, nhưng có những môn không thể “ép duyên”.

Bên cạnh hàng chục ý kiến phân tích, bảo vệ và yêu cầu trả lại vị thế của môn Lịch sử như một môn học cơ bản trong hệ thống GDPT, còn có ý kiến kiến nghị một số nội dung cần bổ sung vào môn Lịch sử. Các nhà khoa học đề nghị Bộ GD-ĐT cần lắng nghe và tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc môn học tích hợp Công dân với Tổ quốc.

Trước những ý kiến chỉ trích khá nặng nề của các nhà khoa học và các nhà giáo về việc tích hợp môn Lịch sử, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng vì nhiều đại biểu chưa nghiên cứu kỹ tài liệu nên nói oan cho Bộ và không có chuyện khai tử môn Lịch sử. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng môn Lịch sử độc lập thì phải bắt buộc, hay bắt buộc học Lịch sử thì phải là môn độc lập.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Nếu đổi mới phải có tiền lệ thì có gọi là đổi mới nữa không? Không nên cho rằng chưa có tiền lệ thì không làm, mà hãy suy nghĩ xem làm như thế liệu có đúng hay không. Nếu không có bước bắt đầu chập chững sẽ không có sự thành thạo. Phải chuẩn bị từng bước một cho hài hòa và tiến bộ dần lên. Tuy nhiên, Bộ rất chú ý lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc chứ không phải tiếp thu tất cả và đề nghị “cùng suy nghĩ lại”.

(Theo THU HÀ-QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.