Thứ bảy Ngày 27 Tháng 07 Năm 2024, 07:45:47

Bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam

Ngày đăng: 26/06/2023

QK2 – Hiện nay trên một số trang mạng xuất hiện một số bài viết lợi dụng để “đấu tranh đòi lại quyền tự do báo chí”, với âm mưu gây hoang mang dư luận, chia rẽ nội bộ, giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, gây bất ổn về chính trị. Chúng triệt để lợi dụng một số yếu kém, sơ hở, sai lầm còn tồn tại trong công tác quản lý báo chí. Mặt khác chúng lợi dụng trường hợp những nhà báo, những người bị xử lý do vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để cho rằng báo chí ở Việt Nam “đang bị kìm kẹp”, “nhà nước bóp nghẹt tự do ngôn luận, triệt tiêu quyền tự do báo chí”… Chúng tìm mọi cách “bẻ lái” người tiếp nhận thông tin theo hướng ủng hộ và cổ xúy cho những người mà chúng gọi là “bất đồng chính kiến”. Thực chất, đây là một thủ đoạn trong cuộc chiến trên mặt trận tư tưởng mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, nhất là trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay.

Cán bộ Sư đoàn 316 trao đổi về tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân. Đảng, Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để quyền tự do báo chí được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Luật Báo chí của Việt Nam (2016) quy định: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; có nhiệm vụ, quyền hạn: Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân. Không chỉ thể chế hóa trên “giấy tờ” mà quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam còn được tổ chức thực hiện tốt trên thực tế. Nhờ vậy, thời gian qua, đa số các cơ quan báo chí ở Việt Nam đã phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, cung cấp thông tin đến nhân dân chính xác, khách quan, kịp thời, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Luật Báo chí cũng quy định rõ: Cấm báo chí không được đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền, lực lượng vũ trang; gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế; đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Theo quy định của pháp luật nước ta, công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác…

Mọi người dân có quyền tự do ngôn luận, quyền được sử dụng các phương tiện báo chí, thông tin, mạng Internet, các trang mạng xã hội. Nhưng việc sử dụng quyền này luôn phải tuân thủ quy định của pháp luật nhằm tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức của xã hội. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí không phải là quyền được xuyên tạc sự thật hay nói xấu, bôi nhọ người khác. Những đối tượng phát tán bài viết, tài liệu, tranh ảnh, clip sai sự thật, nói xấu, bôi nhọ người khác cần được các cơ quan chức năng thu thập chứng cứ, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Như vậy mọi người dân đều dễ dàng tham gia vào hoạt động báo chí, đều có thể trở thành một nhà báo tự do tìm kiếm, phát hiện đề tài và đưa ra sản phẩm báo chí, đảm bảo quyền tự do hoạt động theo quy định của Luật Báo chí và các luật liên quan. Mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân đều bị nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc.

Các hoạt động xuyên tạc của các thế lực thù địch trên mạng xã hội về báo chí và tự do báo chí rất cần được nhìn nhận bởi tư duy đúng đắn, đúng sự thật của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhằm góp phần xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.