Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 11:38:37

Bảo vệ địa bàn Tây Bắc, góp phần vào thắng lợi của Toàn quốc kháng chiến

Ngày đăng: 04/12/2016

Địa bàn Tây Bắc thuộc Quân khu 2 ngày nay có diện tích hơn 65.000km2 (bằng 1/5 diện tích cả nước), án ngữ phía bắc và tây bắc Bắc Bộ, là địa bàn chiến lược quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do địa hình núi non trùng điệp, dân cư thưa thớt, đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn nên luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta.

Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, hầu hết các địa phương trên cả nước đã giành được chính quyền, nhưng ở Tây Bắc, các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và thị xã Vĩnh Yên chính quyền vẫn chưa thuộc về nhân dân. Trong khi đó, ngay từ cuối tháng 8 đầu tháng 9-1945, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn qua các tỉnh biên giới phía Bắc để vào nước ta. Theo gót chúng là lực lượng phản động Việt quốc, Việt cách với âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền nhân dân, lập chính quyền phản động. Cùng với lực lượng trên, một số quân Pháp trước đây chạy trốn quân Nhật từ Vân Nam – Trung Quốc tiến vào Bắc Lào và tràn sang đánh chiếm tỉnh Lai Châu với ý đồ từng bước chiếm lại toàn bộ vùng Tây Bắc. Tại Lai Châu, chúng đưa tên phản động Đèo Văn Long lên cầm đầu bộ máy ngụy quyền, trực tiếp chỉ huy quân ngụy địa phương.

Từ tháng 12-1945 đến tháng 2-1946, giặc Pháp và quân ngụy đánh chiếm Lai Châu, sau đó mở rộng đánh chiếm tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Lào Cai, kiểm soát toàn bộ Đường số 6, âm mưu lập các xứ Thái, xứ Mường, xứ Mèo tự trị. Như vậy, quân-dân Tây Bắc đã sớm phải chống chọi lại sự xâm lược của giặc Pháp. Từ tháng 11-1945 đến tháng 4-1946, Bộ Tổng tham mưu điều 7 đại đội Vệ quốc đoàn lên Tây Bắc để tăng cường lực lượng đánh địch ở Sơn La và khu vực biên giới Việt – Lào nhằm giữ vững hướng chiến lược này. Đồng thời, từ cuối năm 1945 đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến, các đơn vị Vệ quốc đoàn chủ lực đầu tiên của Chiến khu 1 và Chiến khu 2(1) lần lượt ra đời như: Trung đoàn 87 (Vĩnh Yên), Trung đoàn 92 Phú Yên (Phú Thọ – Yên Bái), Trung đoàn 171 (Trung đoàn Lao – Hà) ở Lào Cai và Hà Giang, Trung đoàn 112 (Tuyên Quang), Tiểu đoàn độc lập 221 ở Phú Thọ; Chi đội giải phóng quân 3 Sơn La (sau này trở thành Trung đoàn 148). Ngoài những đơn vị cấp trung đoàn do chiến khu chỉ huy, ở các tỉnh, các địa phương còn thành lập các đơn vị dân quân tự vệ, ít nhất mỗi tỉnh có một đại đội, mỗi huyện có một trung đội.

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, từ ngày 24-6 đến ngày 12-11-1946, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí Bùi Quang Tạo, Xứ ủy viên Bắc Kỳ và đồng chí Bằng Giang – Tư lệnh Chiến khu 1, bằng sức mạnh tổng hợp, quân và dân trên địa bàn đã tiến hành chiến dịch truy quét dẹp trừ Quốc dân Đảng phản động trên dọc tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, lần lượt giải phóng thị xã Vĩnh Yên, Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái, Phố Lu, Lào Cai; đồng thời, xóa sổ các nhóm phản động tay sai Quốc dân Đảng ở Hà Giang.

Tiếp đó, tháng 7-1946, Pháp cho 5.000 quân từ biên giới Trung Quốc tràn về Lai Châu và Thượng Lào, rồi đẩy mạnh đánh chiếm Sơn La với âm mưu nhanh chóng chiếm toàn bộ vùng Tây Bắc. Ở Lào Cai, sau khi chiếm được Phong Thổ và Bình Lư, tháng 12-1946, quân Pháp chiếm Than Uyên, Yên Bái, uy hiếp Phú Thọ và căn cứ địa Việt Bắc.

Trước diễn biến phức tạp và khẩn trương của tình hình, được sự lãnh đạo của Trung ương và Khu ủy, Bộ chỉ huy quân và dân Chiến khu 10 và Chiến khu 2(2), quân-dân Tây Bắc đã kịp thời chuyển hướng đối phó với âm mưu của thực dân Pháp. Các địa phương đã chủ động tổ chức, bố trí lại lực lượng chiến đấu (cả bộ đội và dân quân du kích), nhằm giữ dân, giữ đất và chống địch lấn chiếm. Tuy vậy, nhiều nơi ở Tây Bắc, đặc biệt là Lai Châu, Sơn La vẫn tạm thời bị quân Pháp chiếm đóng. Ở Yên Bái, Lào Cai, chiến sự giữa ta và địch ở thế giằng co nhưng không kém phần quyết liệt…

Ở thời điểm này, chiến trường Tây Bắc hình thành 3 mặt trận chính: Sơn La, Yên Bái và Lào Cai, bộ đội và nhân dân đã chiến đấu ngoan cường, khắc phục muôn vàn gian khổ, thiếu thốn. Nhưng vì liên tục chiến đấu trong điều kiện trang bị, tiếp tế, sinh hoạt khó khăn nên sức chiến đấu giảm sút, trong khi nguồn bổ sung tại chỗ hết sức hạn chế. Trước tình hình đó, tiếp sức cho Mặt trận Tây Bắc, Bộ Quốc phòng điều tiếp một số đơn vị bộ đội lên Tây Bắc.

Về phía Pháp, do cũng xác định Tây Bắc là mặt trận vô cùng quan trọng nên từ đầu tháng 1-1947, chúng ra sức tiến hành các hoạt động mở rộng phạm vi chiếm đóng, sử dụng bọn tay sai lôi kéo đồng bào các dân tộc bằng nhiều biện pháp để chống phá cách mạng, phá hoại sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta. Trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, các địa phương trên địa bàn Tây Bắc tiếp tục củng cố, phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân và tổ chức phát động chiến tranh nhân dân bảo vệ địa bàn Tây Bắc.

Ảnh minh họa / TTXVN. 

Ảnh minh họa / TTXVN.

Tại Sơn La, với sức mạnh áp đảo về binh lực, hỏa lực, thực dân Pháp tập trung lực lượng đánh theo lối vu hồi, mở rộng đánh chiếm, củng cố vị trí, tổ chức ngụy quyền tay sai, bắt lính, bắt phu. Tuy lực lượng còn quá mỏng, vũ khí trang bị thô sơ, nhưng quân ta đã kiên cường chiến đấu kìm hãm tốc độ lấn chiếm của địch, vừa chiến đấu vừa chú trọng bảo toàn lực lượng chuẩn bị chiến đấu lâu dài, giữ vững mặt trận, giữ đất, giữ dân và chờ quân tăng viện; đồng thời chủ động đánh vào sau lưng địch, không để cho địch nhanh chóng mở rộng vùng chiếm đóng. Rút kinh nghiệm những ngày đầu, ta thay đổi chiến thuật, bỏ lối rải mành mành, tập trung quân giữ các nơi xung yếu. Nhờ sự chuyển hướng này, trong tháng 2 và 3-1947, ta vẫn giữ vững được Yên Châu, Phiêng Ban.

Đầu tháng 4-1947, Pháp tiến chiếm Mộc Châu, Phù Yên là hai châu cuối cùng của mặt trận Sơn La. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn và thử thách của địa phương. Kẻ thù dùng lực lượng quân sự mạnh gấp bội, áp đảo lấn từng tấc đất, bản, mường, sau đó chiếm toàn tỉnh Sơn La. Ở những nơi bị địch kiểm soát, phong trào cứu quốc bị tan rã, buộc ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Cuối tháng 5-1947, Pháp mở cuộc hành quân lên Phú Thọ, Việt Trì, nhưng đã bị quân và dân chiến khu chặn đánh làm thiệt hại lớn, buộc phải rút lui.

 Tại mặt trận Yên Bái, quân Pháp từ Than Uyên và Khau Cọ (Văn Bàn) nống ra khu vực Kim Nội, Ngọc Chiến. Bộ chỉ huy Khu 10 tổ chức lực lượng tấn công, địch hốt hoảng bỏ Than Uyên, rút ra đóng ở các ngả đường đi Sơn La, Phong Thổ, Lai Châu.

Cùng với chiến đấu ngăn chặn địch, quân dân Tây Bắc tranh thủ huấn luyện bộ đội và dân quân du kích, tổ chức cho đồng bào tản cư, tiến hành phá hoại, tiêu thổ kháng chiến, bố trí lại lực lượng, sẵn sàng đánh trả cuộc tiến công mới của địch. Do có nhiều biện pháp tích cực, sau gần 6 tháng từ ngày Toàn quốc kháng chiến, lực lượng vũ trang địa phương Chiến khu 10, Chiến khu 2 có sự chuyển biến mới, từng bước trưởng thành về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến.

Bộ Chỉ huy Chiến khu chỉ đạo xây dựng an toàn khu ở đồng bằng Khánh Môn, Vần, Việt Hồng; tổ chức hai xưởng công binh khẩn trương sửa chữa súng đạn và sản xuất vũ khí thô sơ… Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các tỉnh vận động nhân dân triệt để “tiêu thổ để kháng chiến”, thực hiện phương sách “vườn không, nhà trống”, cất giấu, phân tán tài sản, lập các kho dự trữ lương thực, thực phẩm. Các huyện, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phòng gian, bảo mật; chỉ đạo lực lượng dân quân du kích các địa phương khẩn trương đắp các ụ đất, dựng chướng ngại vật trên các tuyến giao thông chính, nhất là các đường quốc lộ, nhằm ngăn chặn, cản trở bước tiến quân giặc. Đồng thời cử cán bộ quân đội xuống cơ sở vận động nhân dân tham gia bố phòng, đặt các bãi chông, chôn cọc nhọn vào các vị trí quân Pháp có thể nhảy dù; chăng dây, làm kè ngang sông, ngăn cản hoạt động của tàu, ca nô địch; giúp bộ đội chuẩn bị chiến trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi “tiêu thổ kháng chiến”, “phá hoại để kháng chiến”, nhân dân trên địa bàn đã tự phá hoại nhà cửa, các kiến trúc kiên cố, đường bộ, đường sắt, cầu cống… Hàng chục triệu ngày công của nhân dân và 726.550 ngày công của dân quân tự vệ, các đội công binh đã được huy động vào việc phá hoại. Những trọng điểm như các thị xã, thị trấn, Nhà máy Đạm Phú Thọ, Nhà máy Giấy Việt Trì, cầu Đoan Hùng, cầu Yên Biên… được phá hoại triệt để nhằm ngăn chặn sự cơ động của quân Pháp. Chỉ tính riêng quân và dân Phú Thọ đã đào được 36.000m giao thông hào, 188 hầm bí mật, dựng 5.000m rào lũy. Vĩnh Yên xây dựng 18 làng chiến đấu, xẻ đào 36km đường lớn. Tuyên Quang phá 83km đường, 41.019m2 nhà ở. Các địa phương khác cũng phá hủy nhiều đường sá, cầu cống để cản trở và ngăn chặn bước tiến của địch.

Kết hợp chặt chẽ với hoạt động tác chiến, thực hiện phá hoại và tiêu thổ kháng chiến là biểu hiện của quyết tâm sắt đá “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của quân và dân Chiến khu 10 và Chiến khu 2 trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Những kết quả đó đã gây rất nhiều khó khăn đối với giặc Pháp, đồng thời nhân hiệu quả đánh địch của quân và dân ta lên nhiều lần và sẵn sàng đối phó với âm mưu mới của địch. Cùng với đó, để góp phần xây dựng lực lượng chiến đấu, nhân dân trên địa bàn hăng hái mua công trái, góp quỹ nuôi quân, tổ chức “Hũ gạo kháng chiến”, hưởng ứng “Mùa đông binh sĩ” theo lời kêu gọi của Trung ương Đảng.

Thực hiện nhiệm vụ được Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ giao, trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, công tác tổ chức, ổn định đời sống cho đồng bào tản cư được Khu ủy, Bộ tư lệnh Chiến khu cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đặc biệt chú trọng. Các cấp bộ đảng, chính quyền tích cực chuẩn bị thành lập các ban tản cư, đón tiếp, sắp xếp công việc; nhân dân các dân tộc với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chu đáo, tận tình giúp đỡ đồng bào tản cư. Đến cuối năm 1947, Khu 10, Khu 14(3) đã xây dựng được nhiều kho tàng, trường học, đón tiếp hàng vạn đồng bào thủ đô Hà Nội và các tỉnh bị địch tạm chiếm đến tản cư, lập hơn 20 trại sản xuất nông nghiệp, 5 trại sản xuất thủ công nghiệp, 1 trại thiếu nhi, ủng hộ hàng chục tấn lương thực…, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào tản cư ổn định đời sống, hăng hái tham gia kháng chiến. Từ ngày 4-3 đến ngày 1-4-1947, lực lượng vũ trang và nhân dân Phú Thọ vinh dự được đón và bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ Trung ương Đảng và Chính phủ di chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc an toàn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đáp lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Tây Bắc đã kiên cường bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và lập nên nhiều thắng lợi có ý nghĩa quan trọng. Những kết quả bảo vệ địa bàn trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Bài học về bảo vệ địa bàn Tây Bắc trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến được lực lượng vũ trang Quân khu 2 và nhân dân trên địa bàn tiếp tục phát huy, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong giai đoạn cách mạng mới, quân, dân Tây Bắc không ngừng quán triệt sâu sắc tư tưởng, ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng công tác; xây dựng lực lượng vũ trang quân khu vững mạnh, thực sự là chỗ dựa vững chắc, niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương; luôn đồng sức, chung lòng cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn quân khu chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo động lực to lớn của nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng PHẠM ĐỨC DUYÊN(*) 

(*) Phó chính ủy Quân khu 2

 (1) Tháng 10-1945, Chính phủ thành lập các chiến khu trên cả nước. Các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc của Tây Bắc thuộc Chiến khu 1; các tỉnh: Lai Châu, Sơn La thuộc Chiến khu 2.

(2) Tháng 10-1946, các tỉnh thuộc Chiến khu 1 thành Chiến khu 10; hai tỉnh: Sơn La, Lai Châu vẫn thuộc Chiến khu 2.

(3) Từ tháng 9-1947, các tỉnh thuộc Chiến khu 10 và Chiến khu 2 được đổi thành Khu 10 và Khu 14.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top