Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 01:54:40

“Bảo tàng ông Bình” – Phù Ninh, Phú Thọ: Địa chỉ đỏ tri ân đồng đội

Ngày đăng: 21/07/2019

QK2 – Dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ này, được Bí thư Huyện ủy Phù Ninh (Phú Thọ) Nguyễn Thị Tố Uyên giới thiệu, chúng tôi đến thăm bảo tàng gia đình cựu chiến binh (CCB) Bùi Văn Bình, thương binh 4/4, Chi hội trưởng Chi hội CCB Khu 3, thị trấn Phong Châu. Với trên dưới 1.500 kỷ vật của CCB, căn phòng nhỏ rộng khoảng 20m2 của gia đình trở nên chật chội bởi nơi đây đã trở thành địa chỉ gặp gỡ, giao lưu giáo dục truyền thống của các CCB, các tầng lớp nhân dân địa phương. 

Tiếng lòng của một cựu binh

Suốt thời trai trẻ chiến đấu và công tác, CCB Bùi Văn Bình tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, xuất ngũ, học đại học và trở thành giáo viên, cán bộ quản lý, chưa bao giờ ông Bình lắng xuống những kỷ niệm trong chiến đấu. Nhớ nhất là những lần vuốt mắt, chôn cất đồng đội hy sinh. Ông thường nói, mình còn sống được là nhờ đồng đội đã chiến đấu và hy sinh. Văng vẳng trong trái tim ông là những lời tâm tình cùng đồng đội ở chiến trường: Khi  hết giặc, thằng nào còn sống là phải có trách nhiệm trở lại thắp hương cho người đã khuất.

CCB Bùi Văn Bình giới thiệu, kể chuyện về các hiện vật được ông sưu tầm, lưu trữ.

Có lẽ vì thế, thời còn công tác, trong ông đã nung nấu ý định sưu tầm và lưu giữ kỷ vật chiến tranh. Ý định ấy phải đến năm 2016, khi nghỉ hưu có thời gian rỗi rãi, ông Bình mới bắt tay thực hiện và coi đó như việc làm tri ân với đồng đội đã ngã xuống… Hằng ngày đạp xe rong ruổi làng trên xóm dưới đi sưu tầm, ghi ghi chép chép các hiện vật, ông bảo, ban đầu còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Trở ngại lớn nhất là dư luận; một số ít người ủng hộ, nhưng đa phần có vẻ dè bỉu, cho rằng ông lợi dụng đã đi qua chiến tranh để sưu tầm, buôn bán đồ cổ trục lợi; cũng có người “phũ mồm” bảo ông ấy già rồi lẩm cẩm, hâm hâm đánh bóng tên tuổi. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Lai ban đầu cũng nghĩ rằng ông gàn dở, về nghỉ hưu thì phải dành thời gian để nghỉ ngơi, trông cháu, chơi thể thao, lại là thương binh, đi lại mưa gió ảnh hưởng đến sức khỏe… Nhưng rồi thấy ông đam mê, lại có khá nhiều đồng đội hỗ trợ, vậy là bà cùng các con ủng hộ và giúp đỡ ông.

 Mỗi kỷ vật một câu chuyện xúc động

1.500 kỷ vật, từ chiếc bát sắt đến ăng-go, trang phục, đôi dép, vỏ các loại đạn pháo; những lá thư từ chiến trường gửi về hậu phương… Tất cả đều được ông sưu tầm, bổ sung vào bộ sưu tập kỷ vật chiến đấu của CCB qua các thời kỳ. Có những hiện vật do CCB tự nguyện mang đến đóng góp; có những hiện vật do ông cất công sưu tầm. Có những kỷ vật ông Bình đích thân nhiều lần đến tận nơi, thuyết phục để CCB hoặc thân nhân hiến tặng. Từng hình ảnh, hiện vật đều được ông trân trọng đón nhận, ghi chép vào sổ hồ sơ, được đính ký hiệu thứ tự từ 1 đến 1.500. Hồ sơ viết tay cẩn thận, phiếu viết tay rõ ràng, dán băng dính trắng vào hiện vật. Mỗi hiện vật là một câu chuyện mà ông Bình nhớ như in từ quá trình thu thập, tiếp nhận hoặc gắn bó trực tiếp với thời gian chiến đấu của ông Bình.

Một trong những hiện vật có ý nghĩa thẳm sâu nhất của bộ sưu tập ấy là hiện vật số 27, một chiếc ca men của Anh hùng LLVTND Bùi Đình Cư, quê ở Tứ Xã, Lâm Thao do mẹ đẻ của anh hùng tặng lại. Ông Bình kể, cùng lứa với Anh hùng Cư có lẽ chỉ còn Anh hùng Phùng Văn Khầu. Đây là chiếc ca của người cán bộ chỉ huy, được viện trợ trong kháng chiến chống Pháp. Trên thành ca có in hình ba lá cờ Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam, lồng vào nhau thể hiện sức mạnh đoàn kết của các nước xã hội chủ nghĩa chống chủ nghĩa đế quốc. Trên chiếc ca còn có hai câu khẩu hiệu: “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ” và “Kháng chiến nhất định thắng lợi” cùng biểu tượng đôi chim bồ câu hòa bình. Ông còn kể lại hai chi tiết mà Anh hùng LLVT Bùi Đình Cư “mang cả bờ tre, gốc rạ ra mặt trận”. Đó là, Anh hùng Cư vận dụng nguyên lý chiếc gậy nạng có chạc chống lũ sông Hồng cho chiến sĩ pháo binh vác pháo trên đường hành quân đổi vai mà không cần đặt pháo cùng chi tiết dùng bùi nhùi rơm để đặt pháo tạo trận địa trên đầm lầy…

Các cháu học sinh thăm quan hiện vật tại "Bảo tàng ông Bình".

Cho đến hôm nay, bộ sưu tập của CCB Bùi Văn Bình đã trở nên phong phú hấp dẫn; nơi trưng bày chật chội bởi hằng ngày, CCB cũng như các tầng lớp nhân dân đến hội tụ, tham quan, học tập. Ông bảo, đó là niềm sung sướng không chỉ của riêng ông mà của tất cả gia đình, của các cựu chiến binh. Ông vẫn tâm nguyện, mình có tâm tri ân đồng đội thì chắc chắn những đồng đội đã nằm xuống sẽ ủng hộ, giúp đỡ ông phát triển tâm nguyện. Nếu sưu tầm được thêm hiện vật, gia đình còn đất sẽ mở rộng, cơi nới nơi trưng bày. Những CCB, cũng là hàng xóm ở khu 3, thị trấn Phong Châu coi bộ sưu tập của ông cũng như việc chăm sóc, đón tiếp, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân đến tham quan, học tập là nhiệm vụ của mình.

Bí thư Huyện ủy Phù Ninh Nguyễn Thị Tố Uyên xúc động chia sẻ, tinh thần, tâm nguyện của CCB Bùi Văn Bình rất đáng trân trọng và mong muốn ông Bình cùng CCB huyện phát huy những kết quả đã đạt được, giữ gìn và tiếp tục sưu tầm, bảo quản tốt các kỷ vật để nhà trưng bày các kỷ vật chiến tranh thực sự là một địa chỉ để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thanh, thiếu niên và học sinh địa phương.

Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.