Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 02:53:29

Báo động: Phân bón “rởm”

Ngày đăng: 25/11/2015

Chuyện phân bón “rởm” tưởng đơn giản, ít nguy cơ, chỉ gắn với thiệt hại của nhà nông, nhưng thực tế những loại phân bón kém chất lượng, lạm dụng các chất hóa học vượt liều lượng cho phép… đã và đang gây tác hại khôn lường đối với cây trồng, nông sản và sức khỏe, tính mạng của hàng triệu con người.

Trong cuộc họp báo giữa tháng 11 vừa qua, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã bày tỏ lo ngại: Một quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan cũng chỉ có 50 doanh nghiệp sản xuất phân bón. Trong khi đó nước ta có tới 1.000 cơ sở sản xuất và 16.000 cơ sở kinh doanh phân bón. Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở nước ta vẫn còn rất hạn chế và đáng báo động. Sự bất cập trong công tác quản lý đối với mặt hàng phân bón đang khiến cho người tiêu dùng thực sự hoang mang. Hơn 10 năm qua, thị trường phân bón vẫn chưa được cải thiện, phân bón giả vẫn tràn lan, thương nhân sản xuất trá hình tinh vi hơn, gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân và cho các nhà sản xuất phân bón chân chính. Mỗi năm, lực lượng quản lý thị trường xử lý khoảng 3.000 vụ vi phạm, trong đó chỉ có 11 trường hợp bị kiến nghị xử lý hình sự. Nhiều địa phương đã phát hiện có phân bón giả, kém chất lượng, nhưng sau rất nhiều bước thanh tra, kiểm nghiệm, tranh cãi, vụ việc thường được chốt lại bằng hình thức… xử phạt vi phạm hành chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: baophapluat.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: baophapluat.vn

Để ngăn chặn nạn phân bón giả, kém chất lượng, trước tiên cần sự quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng. Nhà nước phải có quy định cụ thể, chặt chẽ ngay từ khi cấp giấy phép cho thành lập các cơ sở sản xuất phân bón. Cần có các tiêu chí rõ ràng kiểm soát từ nguồn nguyên liệu, quá trình nhập khẩu, quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm; nội dung bao bì, tem mác, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thành phần, cách sử dụng… phải được in ấn, thông tin đầy đủ; có báo cáo, kiểm tra thường xuyên. Theo ý kiến một số chuyên gia, đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ có sản xuất một phần nhỏ phân vô cơ từ 18-20% giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Doanh nghiệp sản xuất phân vô cơ, có tham gia sản xuất một phần từ 18-20% phân hữu cơ giao cho Bộ Công Thương quản lý. Bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp chịu sự quản lý của hai bộ, mỗi bộ lại có những quy định riêng, rất khó cho doanh nghiệp đăng ký các hồ sơ pháp lý sản phẩm, báo cáo sản xuất, kinh doanh định kỳ…

Thứ hai là phải tăng chế tài xử phạt đối với các cơ sở bị phát hiện nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, buôn bán các loại phân bón giả, kém chất lượng. Lực lượng chức năng cần phát huy hiệu quả “Đường dây nóng” nhằm kịp thời nắm bắt thông tin tố giác vi phạm. Việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng xử lý thật nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng cần được khẩn trương tiến hành để bảo đảm đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Và điều thứ ba không kém phần quan trọng là phải tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho những người sử dụng phân bón, từ các chủ nông trường, trang trại đến từng hộ nông dân. Khi mọi người dân nhận thức rõ hậu quả của việc sử dụng phân bón giả và biết cách phân biệt đâu là hàng “xịn-rởm” thì chắc chắn phân bón “rởm”, kém chất lượng sẽ được loại bỏ.

Theo HOÀNG TRƯỜNG GIANG (QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.