Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 06:25:56

Bảo đảm tiền lương, nâng cao đời sống người lao động

Ngày đăng: 21/01/2017

Năm 2016, tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp có tăng so với năm 2015, nhưng đã bảo đảm được đời sống của người lao động chưa? Làm gì để bảo đảm tiền lương cho người lao động? Đây là vấn đề được dư luận quan tâm. Để có câu trả lời, phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2016 đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản đời sống hay chưa?

Ông Lê Đình Quảng: Năm 2016, mặc dù gặp không ít khó khăn, song nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục ổn định, bảo đảm tăng trưởng và thu nhập cho người lao động. Tiền lương bình quân của người lao động ước đạt khoảng 5,7 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 7% so với năm 2015. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước khoảng 7 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp dân doanh khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp FDI khoảng 5,6 triệu đồng/người/tháng. Về thu nhập bình quân, ước đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng, tăng trên 5% so với năm 2015. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước khoảng 7,5 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp dân doanh 6 triệu đồng/người/tháng; doanh nghiệp FDI 5,7 triệu đồng/người/tháng.

Tuy tiền lương, thu nhập của người lao động có tăng nhưng do mức lương tối thiểu năm 2016 thực tế chỉ đáp ứng được 80 đến 85% mức sống tối thiểu, trong khi đó CPI đã tăng 4,74%, nên tiền lương thực tế thực sự không tăng vì giá cả các mặt hàng thiết yếu đã tăng. Nếu không có các khoản làm thêm, thì thu nhập của người lao động rất thấp, đời sống của họ và gia đình gặp nhiều khó khăn và không thể tích lũy. Đặc biệt, vẫn còn khoảng gần 20% người hưởng lương có mức thu nhập dưới 3 triệu đồng/người/tháng, cuộc sống của họ vô cùng khó khăn, nhất là vùng đô thị tập trung. Có thể thấy rằng, tiền lương có tăng nhưng chưa thật sự tác động lớn đến việc cải thiện đời sống của người lao động.

Công nhân Tổng công ty Cổ phần May 10 thực hiện cắt vải. Ảnh: TRỌNG HẢI. 

Công nhân Tổng công ty Cổ phần May 10 thực hiện cắt vải. Ảnh: TRỌNG HẢI.

PV: Ông có thể nói rõ hơn, mức lương tối thiểu, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động? Có tình trạng doanh nghiệp “lách luật” trong vấn đề thực hiện tiền lương không, thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: Xin nói rõ, mức lương tối thiểu vùng năm 2016 (theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP) mới chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ chứ không phải thu nhập của người lao động năm 2016 chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Theo Điều 91 Bộ luật Lao động, thì mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về tiền lương, đa phần các doanh nghiệp đã thực hiện tương đối tốt, người lao động được chi trả lương trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng tương ứng với vùng lương mà mình được hưởng. Tuy nhiên, còn một bộ phận doanh nghiệp chưa nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về tiền lương đối với người lao động; vẫn còn tình trạng người lao động nhận lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp thực hiện việc tăng mức lương tối thiểu vùng nhưng lại cắt giảm các chế độ phúc lợi làm ảnh hưởng quyền lợi của người lao động; doanh nghiệp nợ lương, chậm lương người lao động còn nhiều, tỷ lệ người lao động được tham gia BHXH, BHYT trên tiền lương theo quy định còn thấp…

PV: Theo ông, năm 2017 cần phải có những giải pháp gì để bảo đảm tiền lương, nâng cao đời sống người lao động trong các doanh nghiệp?

Ông Lê Đình Quảng: Nghị định 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2017 tăng bình quân 7,3%  so với năm 2016, cụ thể: Vùng 1 tăng thêm 250.000 đồng; vùng 2 tăng thêm 220.000 đồng; vùng 3 tăng thêm 200.000 đồng; vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng.

Để nâng cao đời sống người lao động trong các doanh nghiệp, cần đảm bảo thực hiện tốt một số giải pháp sau: Thứ nhất, về tổng thể, phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đổi mới thiết bị, công nghệ, quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, quan tâm đến người lao động, coi người lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp. Thứ hai, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiền lương nhất là quy định về mức lương tối thiểu vùng năm 2017 theo Nghị định 153/2016/NĐ-CP. Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật về tiền lương khu vực doanh nghiệp, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm. Thứ tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong thương lượng, tham vấn, giám sát và tham gia kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật về tiền lương.

PV: Với góc độ là cán bộ công đoàn, ông có thể cho biết, tổ chức Công đoàn cần phải làm gì để nâng cao đời sống của người lao động?

Ông Lê Đình Quảng: Năm 2017, tổ chức Công đoàn đã xác định chủ đề hoạt động là “Năm vì lợi ích đoàn viên”. Vì vậy, việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là vấn đề tiền lương, thu nhập của người lao động cần phải được quan tâm, cụ thể: Công đoàn cơ sở phải chủ động phối hợp với người sử dụng lao động đồng cấp trong xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật; trong đó phải lưu ý không để doanh nghiệp tự ý xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại…. Giám sát việc xây dựng và thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật về tiền lương. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp, nhất là việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động. Bên cạnh đó, công đoàn cấp trên cơ sở phải hướng dẫn, hỗ trợ các công đoàn cơ sở trong việc thương lượng về tiền lương, xây dựng mức lương tối thiểu tại doanh nghiệp. Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để tham gia có hiệu quả hơn vào các hoạt động như thương lượng, xây dựng thỏa ước lao động tập thể; xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động trong doanh nghiệp…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

KIM DUNG (thực hiện) 

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top