Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 07:50:50

Ấm áp dưới mái nhà chung

Ngày đăng: 21/02/2017

Tới thăm những chiến sĩ mới Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 vào một ngày cuối tháng 2, khác với sự rụt rè, bỡ ngỡ như tưởng tượng trước đó, chúng tôi bắt gặp những nụ cười rạng rỡ cùng ánh mắt như biết nói của các chiến sỹ trẻ đến từ các tỉnh vùng cao Tây Bắc. Trong mỗi ánh mắt, nụ cười tràn đầy niềm lạc quan ấy, chúng tôi bắt gặp sự quyết tâm của họ trong mùa huấn luyện đang đến gần.

Chúng tôi có mặt tại Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 vừa lúc mặt trời ngả bóng. Cái nắng đổ nghiêng qua tán cây xà cừ, những chú chim cất tiếng líu lo hòa cùng tiếng gió chiều tạo thành khúc nhạc du dương nghe say đắm lòng người, đoạn đường vào đơn vị trở nên lãng mạng hơn bao giờ hết…

Hòa nhập nhanh với môi trường mới

Trò chuyện với chúng tôi về những ngày đầu nhập ngũ, chiến sỹ mới Nguyễn Xuân Thao, quê ở xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) hào hứng: “Ngày đầu ở đơn vị, chúng tôi cũng không khỏi lo lắng, hồi hộp. Tuy nhiên trước sự ân cần, gần gũi của cán bộ các cấp, cũng như sự giúp đỡ của đồng đội, tôi đã quen dần với nếp sinh hoạt trong môi trường quân đội. Hiện tại, tôi đã biết gấp chăn màn, sắp đặt đồ dùng cá nhân gọn gàng, ngăn nắp, đúng quy định của đơn vị”.

Các chiến sĩ trẻ Lục Đức Huy, quê xã Yên Khánh, huyện Văn Bàn (Lào Cai); Kim Đức Minh, xã Bình Định, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đều có chung tâm sự: “Những ngày đầu mới vào đơn vị, nhiều đồng đội cũng như chúng tôi, cả đêm không ai ngủ ngon giấc, phần vì nhớ nhà, phần vì thay đổi thói quen sinh hoạt, nhưng nay chúng tôi đã quen dần với các chế độ sinh hoạt trong quân đội. Chúng tôi xác định sẽ phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Thượng úy Hà Đức Hiển, Chính trị viên Tiểu đoàn 9 hướng dẫn chiến sỹ mới gấp chăn, màn, sắp xếp quân tư trang.

Thượng úy Hà Đức Hiển, Chính trị viên Tiểu đoàn 9 hướng dẫn chiến sỹ mới gấp chăn, màn, sắp xếp quân tư trang.

Lần đầu xa gia đình, bước vào môi trường quân đội với những quy định hết sức ngặt nghèo quả là một thử thách không nhỏ đối với mỗi chiến sỹ. Hiểu được tâm lý đó, cán bộ các cấp trong Trung đoàn 98 luôn quan tâm gần gũi, động viên, sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn của chiến sỹ; chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, giúp các bạn trẻ yên tâm tư tưởng, gắn bó với đơn vị. “Trước khi đón nhận tân binh khoảng 2 tháng, chúng tôi đã phải hoàn thành các công tác tập huấn cán bộ các cấp; chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất. Đặc biệt, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm, phục vụ nhu cầu của cán bộ, chiến sỹ trong suốt thời gian huấn luyện”. – Trung tá Nguyễn Điệp Anh, Phó Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 98 cho biết.

Thấu hiểu chia sẻ cùng chiến sĩ

Quản lý chiến sỹ mới luôn là một thử thách đối với đội ngũ cán bộ ở các đơn vị cơ sở, bởi phần lớn thanh niên vừa tốt nghiệp THPT vào quân đội, tâm sinh lý, hoàn cảnh gia đình, đặc điểm vùng miền hết sức phức tạp… Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, Sư đoàn 316 đã duy trì có hiệu quả mô hình “Hồ sơ thông tin chiến sỹ”, trong đó có đầy đủ các thông tin về quê quán, sở trường, số điện thoại liên lạc của gia đình… Từ hồ sơ thông tin chiến sỹ, chỉ huy đơn vị dễ dàng liên lạc trực tiếp với người thân của bộ đội, phối hợp cùng với gia đình động viên con em mình yên tâm công tác, đồng thời cũng giúp cho chiến sỹ mới ổn định tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại úy Trần Văn Hiến, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98 chia sẻ: “Trong chuỗi các hoạt động nhằm giúp chiến sỹ mới nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân đội, ngay tuần đầu đón nhận tân binh, chúng tôi tổ chức cho chiến sỹ tham quan nhà truyền thống, nghe phát thanh nội bộ; nghe các bài ca cách mạng; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, qua đó giúp các bạn trẻ nắm được truyền thống đơn vị cũng như những nội quy, quy định, nền nếp sinh hoạt của quân đội.

Đại úy Trần Văn Hiến và các chiến sỹ mới đọc báo trong giờ giải lao.

Đại úy Trần Văn Hiến và các chiến sỹ mới đọc báo trong giờ giải lao.

Binh nhì Trần Văn Dũng, chiến sỹ Trung đội 11, Đại đội 12, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98 tâm sự: “Thú vị nhất là ngay trong ngày đầu tiên đặt chân về đơn vị, chúng tôi được tham gia buổi sinh hoạt với nội dung: “Tự nói về mình”, cụ thể là, tự giới thiệu về bản thân, gia đình, sở thích, năng khiếu, nguyện vọng. Đó thực sự là buổi sinh hoạt chính trị tinh thần bổ ích, giúp cho tình cảm của những chiến sỹ mới chúng tôi với các anh đi trước thêm gần gũi, thân tình, cởi mở, qua đó chúng tôi càng thấu hiểu thế nào là tình đồng chí đồng đội, là sự đoàn kết gắn bó máu thịt giữa những người lính với nhau”.

Niềm tin từ hậu phương vững chắc

Cầm trên tay cuốn nhật ký còn thơm mùi giấy mới, chiến sỹ mới Nguyễn Trọng Tình, nguyên là giáo viên trường THPT Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) chia sẻ: “Dù đã là giáo viên chính thức của nhà trường, nhưng tôi vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tôi nghĩ rằng, môi trường quân đội sẽ giúp tuổi trẻ chúng tôi chín chắn, vững vàng và trưởng thành hơn. Đặc biệt, được phục vụ trong quân đội, khoác lên mình màu xanh người lính “Bộ đội cụ Hồ” cũng là ước nguyện tha thiết đến cháy bỏng của tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, con gái đầu lòng của vợ chồng Tình vừa tròn 2 tháng tuổi. Từ hôm chồng đi bộ đội, vợ Tình là chị Nguyễn Thị Đào Liên, nhân viên Trung tâm Viettel thị trấn Hạ Hòa thỉnh thoảng lại gọi điện xuống đơn vị động viên chồng, rồi không quên thông báo cho anh biết tình hình ở nhà mẹ con đều khỏe. Được biết, trước đó, khi chồng quyết tâm viết đơn nhập ngũ, chị Liên rất tôn trọng nguyện vọng chính đáng của chồng, thậm chí, chị không ngần ngại gợi ý cho chồng đăng kí khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2017. Cho chúng tôi xem bức ảnh cô con gái bụ bẫm, đáng yêu, chàng lính trẻ không khỏi xúc động: “Hậu phương vững chắc của em đó các anh chị ạ. Vẫn biết là người đàn ông, trụ cột trong gia đình mà vắng nhà, hai mẹ con sẽ gặp nhiều khó khăn vất vả, nhưng vợ em luôn động viên em yên tâm rèn luyện, cô ấy bảo ở nhà em sẽ chăm lo chu đáo mọi công việc gia đình, chăm sóc ông bà hai bên nội, ngoại. Sự động viên, khích lệ của vợ chính là động lực giúp em thực sự yên tâm để lên đường thực hiện nhiệm vụ”.

Cách đó không xa, chúng tôi được nghe câu chuyện xúc động của chàng trai dân tộc Mông, Chau A Lù, thôn Chu Lì 2, xã Chung Trải, Thị trấn Sa Pa (Lào Cai): “Trên bản em, mọi người còn thiếu cái chữ lắm, lại được sự động viên của bố mẹ và vợ, em đã viết đơn vào bộ đội đợt này. Về đơn vị, được sự quan tâm của chỉ huy, sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng đội, em càng thêm niềm tin hoàn thành tốt khóa huấn luyện, sau này thêm nhiều cái chữ mang về cho bản.”

Chia tay các chiến sĩ trẻ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng giai điệu của các bài ca cách mạng phát ra từ chiếc loa lớn đặt trước sân khấu đơn vị, trong lòng bỗng xốn xang niềm vui. Hy vọng với sức trẻ và bầu nhiệt huyết của lứa tuổi đôi mươi, những chàng trai của đơn vị anh hùng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện chiến sỹ mới, đóng góp vào bảng vàng thành tích của đơn vị trong suốt hơn 6 thập kỷ qua.

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.