Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 10:41:24

Ai trót “nhúng chàm” rồi thì rửa tay đi!

Ngày đăng: 13/02/2023

QK2 – "Ai trót “nhúng chàm” rồi thì rửa tay đi!" – Đó là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XIV tại thành phố Hà Nội ngày 19 tháng 11 năm 2022. Tổng Bí thư nói: “Đây là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính chúng ta, trong mỗi con người. Do vậy phải làm kiên trì, làm bền bỉ, phương pháp đúng, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải cốt xử nặng. Chúng ta khuyến khích ai đã trót “nhúng chàm” rồi thì rửa tay đi”.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những năm qua đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá rất cao. Người đứng đầu Đảng ta luôn suy tư, trăn trở và nhiều lần nhắc nhớ: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu”; “danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý”, “Ai trót ‘nhúng chàm’ thì rửa tay đi”…

 Theo từ điển tiếng Việt thì từ “nhúng chàm” hàm ý chỉ trích những việc làm sai trái, dại dột, nhưng đã nhận ra có ăn năn hối cải, dù có gột rửa cũng không hết được vết nhơ đó. Trong suốt quãng thời gian công tác, bất kể người cán bộ, đảng viên đó là ai, cho dù có cẩn trọng đến mấy cũng khó tránh khỏi những lúc, những việc mắc sai lầm, khuyết điểm. Song điều quan trọng là có nhận ra, có biết dừng lại  hay không lại là chuyện khác. Hay chỉ đến khi bị cơ quan chức năng như: Thanh tra, Kiểm toán, Kiểm tra, Điều tra… phanh phui thì mới phải dừng lại. Nếu để các cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra thì cũng đã muộn, có chăng chỉ chờ ngày “xộ khám”, như vậy thì không hay chút nào, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thanh danh của tổ chức Đảng và đảng viên.

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chủ trương của Đảng ta  xuyên suốt là kiên trì, kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; lấy giáo dục, răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh là chính; đồng thời khuyến khích cán bộ “6 dám”, trong đó có dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung; dám nhận khuyết điểm, dám xin nghỉ chức vụ khi thấy không còn xứng đáng hoặc không đảm đương được nhiệm vụ. Tổng Bí thư mong muốn và khuyến khích ai đó đã trót “Nhúng chàm” thì hãy dừng ngay. Để không tiếp tục gây thiệt hại tài sản Nhà nước và có thể giữ được cán bộ, đảng viên. Việc kỷ luật, khai trừ hay bắt giam, truy tố, xét xử cán bộ, đảng viên là điều mỗi tổ chức Đảng không mong muốn, đó là việc “cực chẳng đã”. Nếu có chót sai phạm hãy dừng lại và báo cáo tổ chức, đừng tiếp tục lún sâu vào vũng bùn tội lỗi, để lại những hậu quả nặng nề, ê chề, làm mất uy tín của đảng viên, suy giảm uy tín của tổ chức Đảng.

Sinh thời Bác Hồ cũng đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên thường xuyên tự soi lại mình, coi tự phê bình và phê bình như là đánh răng, rửa mặt hàng ngày. Bác luôn làm gương tự phê bình và phê bình. Nhiều người còn nhớ từ năm 1956, việc cải cách ruộng đất đã phạm sai lầm nghiêm trọng. Báo cáo trước Quốc hội, Bác đã nhận trách nhiệm và tự phê bình trước toàn dân. Nước mắt Người đã rơi trước những tổn thất và khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Kết thúc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 28 nhấn mạnh về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Trong đó nêu rõ việc khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Kiên trì thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Thực tiễn trong xã hội có một số người đã từng là “dân anh chị”, có “số má” trong giới giang hồ hoặc là “lâm tặc” khét tiếng. Nhưng nhiều người đã sớm thức tỉnh, trở thành những người tốt, thậm chí đi làm từ thiện, từ lâm tặc trở thành người bảo vệ rừng hiệu quả; từ người dân phấn đấu trở thành cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Con người là “nhân vô thập toàn”, dù ít hay nhiều cũng có những lúc, những việc không trọn vẹn. Tuy nhiên, có biết nhận ra, dám nhận ra những sai lầm, khuyết điểm của mình không mới là điều quan trọng. Nếu người cán bộ, đảng viên biết nhận ra sai trái và tránh được là việc tốt nhất. Còn vì yếu tố này khác mà có chót lầm lỡ và biết dừng lại, thành khẩn báo cáo thì chắc chắn tổ chức cũng sẽ ghi nhận, xem xét, giải quyết hài hòa nhất có thể và nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Còn đã vi phạm mà cố tình che đậy, bưng bít thì sớm muộn ắt cũng phải trả giá. Thật thà là cha quỷ quái. Sự thật vẫn mãi là sự thật. Chân lý, lẽ phải luôn công bằng và sòng phẳng.

Mong sao mỗi cán bộ, đảng viên trên cương vị, chức trách của mình hãy đem hết tinh thần và trách nhiệm, làm việc tận tâm, tận lực, đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, trước hết. Nếu vì một lý do khách quan hay chủ quan nào đó mà có trót dại, bàn tay trót “nhúng chàm” thì hãy tự gột rửa, làm sạch nó đi, đừng để tổ chức phải sờ đến. Đó là cách tốt nhất để hoàn thiện mình, giữ thể diện và thanh danh của bản thân và gia đình.

ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.