Thứ tư Ngày 26 Tháng 06 Năm 2024, 04:59:17

Sửa đổi Luật Sĩ quan nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn, sẽ tác động tích cực đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của sĩ quan

Ngày đăng: 10/06/2024

Sáng 10-6, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương; Thượng tướng Vũ Hải Sản; Thượng tướng Phạm Hoài Nam. Cùng các đồng chí thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam và gần 400 đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội.

Trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan xuất hiện những vướng mắc, bất cập

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.

 

Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam năm 1999 được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ sáu ngày 21-12-1999, có hiệu lực từ ngày 1-4-2000 và sửa đổi, bổ sung vào các năm 2008, 2014.

10 năm qua, thực hiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam (sửa đổi), Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ Luật Sĩ quan và các văn bản dưới luật; có nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân và chủ động phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến các cấp, các ngành và nhân dân để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành luật. 

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã nghiên cứu áp dụng, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các quy phạm pháp luật về sĩ quan với các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác cán bộ và cán bộ. 

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam dự hội nghị.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương trong phạm vi trách nhiệm đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về sĩ quan; làm tốt công tác tuyên truyền hướng nghiệp, tạo nguồn đào tạo sĩ quan, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tiếp nhận chuyển ngành và bảo đảm chế độ, chính sách đối với sĩ quan tại ngũ, sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ và hậu phương quân đội, xây dựng đội ngũ sĩ quan có số lượng theo nhu cầu biên chế, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Các đại biểu dự hội nghị tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

So với năm 2014, số lượng, chất lượng đội ngũ sĩ quan hiện nay được nâng lên, cơ cấu được điều chỉnh phù hợp. Cụ thể: Số lượng sĩ quan đạt 100% nhu cầu biên chế; sĩ quan có trình độ sau đại học tăng 5,39%; tỷ lệ cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc đều tăng cao. Nhiều đồng chí được cấp có thẩm quyền phân công, điều động giữ các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và trực tiếp công tác, hoạt động liên tục trong môi trường quốc tế (tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, làm công tác đối ngoại, tùy viên quốc phòng…).

Qua gần 10 năm thực hiện cho thấy, Luật Sĩ quan đã tạo động lực để đội ngũ sĩ quan phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thực sự là nòng cốt trong xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan xuất hiện những vướng mắc, bất cập, như: Chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; trần quân hàm cấp tướng; rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy; chế độ, chính sách đối với sĩ quan; về sĩ quan dự bị…

Trên cơ sở tổng kết ở các cấp, Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho sửa, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV trên cơ sở kế thừa những quy định của Luật Sĩ quan hiện còn phù hợp, điều chỉnh các quy định mới để khắc phục cơ bản những vướng mắc, bất cập và các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn.

Tại Hội nghị tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, các đại biểu khẳng định những ưu điểm, kết quả tiêu biểu của toàn quân trong thực hiện Luật Sĩ quan; đề xuất, kiến nghị một số giải pháp và thống nhất khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung của luật hiện hành và một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay.

Nâng tuổi tại ngũ đối với sĩ quan

Theo các đại biểu, trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan xuất hiện những vướng mắc, bất cập, như: Chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; trần quân hàm cấp tướng; rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy; chế độ, chính sách đối với sĩ quan; về sĩ quan dự bị…

Quang cảnh Hội nghị

Trung tướng Trần Ngọc Quyến, Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân kiến nghị: Với đặc thù của đơn vị kỹ thuật, đội ngũ sĩ quan của Quân chủng rất đa dạng về chuyên ngành, có nhiều chuyên ngành đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm công tác như kỹ sư, bác sĩ, phi công hoặc một số chuyên ngành các trường Quân đội chưa đào tạo được như khí tượng, hóa dầu… nếu nghỉ hưu như luật hiện hành sẽ rất thiệt thòi cho cán bộ và lãng phí nguồn nhân lực.

Để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội và giữ gìn đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, Trung tướng Trần Ngọc Quyến đề nghị nên tăng tuổi phục vụ tại ngũ của đội ngũ sĩ quan, cụ thể: Cấp tướng: 60; Đại tá: 58; Thượng tá: 56; Trung tá 54; Thiếu tá: 52; cấp úy: 50. Đồng thời có chính sách về nhà ở, tiền lương, phụ cấp; chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài để giữ gìn, thu hút nhân lực chất lượng cao vào Quân đội.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Đức Hưng, Chính ủy Quân đoàn 12 đề nghị sửa đổi Luật Sĩ quan để bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho sĩ quan khi nghỉ hưu. Thực tế ở Quân đoàn 12, số sĩ quan có quân hàm thiếu tá, trung tá chiếm tỉ lệ hơn 40%, hằng năm, số sĩ quan này nghỉ chiếm tỷ lệ hơn 60% số cán bộ nghỉ hưu trong toàn Quân đoàn. Do đó, điều chỉnh chính sách này sẽ tác động tích cực đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của sĩ quan hiện nay.

Chưa có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài

Phát biểu kết luận, chỉ đạo hội nghị, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ rõ: Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện nghiêm Luật Sĩ quan và các văn bản quy định, hướng dẫn thi hành.

Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam phát biểu.

Nhiều đại biểu thống nhất đề nghị sửa Luật Sĩ quan.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng nêu lên một số hạn chế trong quá trình thực hiện Luật như: Việc quán triệt, nhận thức một số nội dung quy định của Luật Sĩ quan và các văn bản dưới luật của một số cấp ủy, chỉ huy chưa đầy đủ và sâu sắc; tổ chức triển khai thực hiện thiếu đồng bộ, có nội dung chưa sát với tình hình thực tiễn đơn vị. Công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá tác động của chính sách trong tham mưu, đề xuất xây dựng các văn bản dưới luật và văn bản có liên quan có nội dung chưa sát thực tiễn, đồng bộ và chưa gắn với tính chất, nhiệm vụ đặc thù của Quân đội. 

Mặt trái cơ chế thị trường, môi trường công tác đặc thù của Quân đội, điều kiện hoàn cảnh gia đình, thu nhập của sĩ quan hiện nay so với mặt bằng người lao động trong xã hội có cùng trình độ đào tạo đã tác động đến tư tưởng cán bộ; một số ít sĩ quan chưa có ý thức phấn đấu, rèn luyện rèn luyện thường xuyên; chưa có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài phục vụ trong Quân đội. Nhấn mạnh vấn đề này, dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng, hiện nay, có hơn 85% cán bộ làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; vì vậy phải có chính sách đặc thù để thu hút người tài vào Quân đội. 

Bên cạnh đó, Đại tướng Phan Văn Giang cũng nêu lên việc phối hợp với một số bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện Luật Sĩ quan và các văn bản dưới luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan có thời điểm, có nội dung còn ở mức độ nhất định.

Đẩy nhanh tiến độ quy trình sửa Luật Sĩ quan

Thời gian tới, Bộ trưởng Phan Văn Giang yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ; chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy chế, quy trình, quy định về công tác cán bộ; nhận xét, đánh giá cán bộ gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, chuyển ra, kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ, phong, thăng quân hàm sĩ quan, nâng lương cán bộ bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.  

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật Sĩ quan.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; thực hiện có hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan theo phạm vi, quyền hạn; chủ động trong quan hệ hợp tác quốc tế, phát huy mọi nguồn lực để xây dựng đội ngũ sĩ quan. Đặt ra yêu cầu cao đối với sĩ quan, đồng thời tạo môi trường, điều kiện làm việc để sĩ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đặc biệt, Bộ trưởng Phan Văn Giang yêu cầu các cơ quan liên quan đẩy nhanh quá trình lập đề nghị và trình Quốc hội thông qua Luật Sĩ quan sửa đổi bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả; nhất là khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện; sau khi luật được Quốc hội thông qua phải có hiệu lực được ngay, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.