Thứ ba Ngày 30 Tháng 04 Năm 2024, 07:04:04

Điện Biên gắn phát triển kinh tế – xã hội với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Ngày đăng: 31/01/2019

QK2 – Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh đối với thế trận phòng thủ của cả nước nói chung và Quân khu 2 nói riêng; là một trong những trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch và bọn phản động. Nhận thức rõ vị trí chiến lược của tỉnh và tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã phát huy nội lực, đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng vươn lên và đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trên các lĩnh vực. GDP tăng trưởng bình quân  7,15%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,31 triệu đồng/người/năm; chính trị, xã hội ổn định, văn hóa phát triển, quốc phòng – an ninh được củng cố, tăng cường; quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo, tốc độ tăng trưởng kinh tế và các mặt khác chưa tương xứng với tiềm năng hiện có; nhiều thế mạnh chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả. Kết cấu hạ tầng cơ sở tuy có nhiều cải thiện nhưng còn thấp kém, chưa đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Hệ thống chính trị ở cơ sở có nơi còn yếu, trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa còn hạn chế. Công tác QP-AN có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; các hoạt động vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp…
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên (khóa XIII) với chủ đề  "Tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tập trung phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, phấn đấu xây dựng Điện Biên thành tỉnh phát triển trung bình trong vùng trung du và miền núi phía Bắc". Đại hội đã đề ra mục tiêu “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy truyền thống và sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tập trung xoá đói giảm nghèo, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển toàn diện văn hoá – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia; tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, sớm đưa tỉnh Điện Biên ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh trong giai đoạn tới là tập trung phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tăng cường QP-AN, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình công tác trọng tâm với các đề án, kế hoạch trên cơ sở điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp và triển khai các đề án cụ thể đối với từng ngành, từng địa phương. Trong phát triển kinh tế – xã hội: Tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch; huy động nguồn lực, khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững các ngành kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, đề án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực một cách vững chắc, phát triển mạnh kinh tế vùng và các thành phần kinh tế. Về văn hóa – xã hội: Tập trung giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội; tăng cường phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa – hiện đại hóa – xã hội hóa; quan tâm chăm lo, chăm sóc sức khỏe cho mọi tầng lớp nhân dân; tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị y tế và chất lượng đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là ở vùng xâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào TĐQT LLVT tỉnh, giai đoạn 2013-2018.

Trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường QP-AN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, tỉnh Điện Biên đã tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, nhất là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, GDQP cho học sinh, sinh viên. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân trong quán triệt và triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về nhiệm vụ QS-QP, về kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường QP-AN, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ; Chỉ thị 58/TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xây dựng cơ sở xã, phường vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới.
 Tập trung hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý công tác QS-QP địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng việc kiện toàn tổ chức đảng ở cơ sở; đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quân sự, các LLVT, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, nhất là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội CCB đối nhiệm vụ QS-QP địa phương.
 Chăm lo xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện gắn với xây dựng tiềm lực kinh tế trong khu vực phòng phủ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên quyết làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ và các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới của các thế lực thù địch.
Tăng cường công tác xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện SSCĐ, luyện, diễn tập theo kế hoạch, phương án phòng thủ khu vực đã được phê duyệt, bảo đảm "thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm"; nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng theo Nghị định 77 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ, động viên quốc phòng, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN và đối ngoại. 
Chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ việc phối hợp các cơ quan, ban, ngành với lực lượng vũ trang, trong đó quân sự, công an, biên phòng làm nòng cốt trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch hiệp đồng, phối hợp xử lý hiệu quả các tình huống về QP-AN, đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Chăm lo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, rộng khắp, bộ đội chủ lực cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân. 
Tăng cường công tác đối ngoại theo đúng chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phát triển quan hệ hữu nghị, truyền thống đặc biệt với các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các vùng phù hợp với điều kiện và khả năng của tỉnh, góp phần tạo dựng, xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển và các điều kiện quốc tế thuận lợi cho tỉnh phát triển KT-XH, củng cố QP-AN.
Phát huy vai trò của LLVT trong tham gia xây dựng củng cố tổ chức đảng, chính quyền cơ sở; xây dựng các chương trình dự án, đề án trong khu kinh tế quốc phòng, tham gia các hoạt động xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc y tế, giúp dân phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, cứu hộ cứu nạn ở địa phương. Phấn đấu xây dựng tỉnh Điện Biên phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

MÙA A SƠN

Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.