Chủ nhật Ngày 08 Tháng 09 Năm 2024, 06:46:26

Vị thế và sự tin cậy của “Quốc gia danh dự”

Ngày đăng: 13/09/2016

Chiếc chuyên cơ đưa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Wuxu Nam Ninh (Trung Quốc) trong tiết trời lất phất mưa. Thế nhưng, các lãnh đạo và đông đảo thiếu nhi các dân tộc ở Quảng Tây đã ra tận cầu thang máy bay để đón Thủ tướng Việt Nam-lãnh đạo “Quốc gia danh dự” của Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS) lần thứ 13.

Việt Nam trên chiếc cầu nối kinh tế ASEAN và Trung Quốc

Nói về quan hệ kinh tế Trung Quốc – ASEAN trong những năm qua không thể không nhắc đến vai trò và hiệu quả của CAEXPO và CABIS. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2004 đến nay, sự kiện này đã trở thành diễn đàn trao đổi quan trọng giữa lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân, trở thành điểm đến của đông đảo doanh nghiệp Trung Quốc, ASEAN và cả khu vực. Hiện nay, về kinh tế, Trung Quốc đã trở thành một trong những đối tác hàng đầu của ASEAN và ngược lại ASEAN là đối tác lớn thứ ba của Trung Quốc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị bàn tròn đối thoại với các Giám đốc điều hành (CEOs) hàng đầu của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị bàn tròn đối thoại với các Giám đốc điều hành (CEOs) hàng đầu của Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đến với CAEXPO và CABIS năm nay với một vị thế đặc biệt. Luân phiên mỗi năm, một nước tham gia hội chợ được chọn là Quốc gia danh dự. Năm nay, Việt Nam giữ vai trò mang tính biểu tượng ấy. Và thực tế, hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, cùng với các doanh nghiệp Việt Nam rất nổi bật, thu hút được sự quan tâm lớn của truyền thông Trung Quốc và các nước ASEAN tham gia sự kiện trong hai ngày qua.

Trả lời phỏng vấn của báo chí Trung Quốc nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, là nước láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống với Trung Quốc, Việt Nam luôn coi trọng và tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ CAEXPO ở cấp lãnh đạo Chính phủ. Việt Nam mong muốn và sẵn sàng thông qua sự kiện này để cùng với Trung Quốc và các nước ASEAN mở rộng giao lưu hữu nghị, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển phồn vinh khu vực.

Năm 2016 này, Việt Nam có tới 137 doanh nghiệp tham gia hội chợ với hơn 250 gian hàng, trên diện tích hơn 5.000m2, tăng 35% so với năm 2015, là nước có nhiều gian hàng nhất trong số các nước ASEAN tham gia hội chợ. Các doanh nghiệp Việt Nam đem tới những mặt hàng có sức cạnh tranh và có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc và ASEAN, bao gồm: Nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến; điện-điện tử và điện gia dụng; đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng; dược phẩm và thiết bị y tế; vật liệu xây dựng; dịch vụ du lịch…

Cơ hội lớn dành cho các nhà đầu tư có trách nhiệm

Chiều 11-9, tại Nam Ninh đã diễn ra hội nghị bàn tròn đối thoại giữa Thủ tướng Việt Nam với các giám đốc điều hành một số doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc.

Đây là sự kiện rất được các doanh nghiệp của Trung Quốc trông đợi. Ngay từ đầu giờ chiều, các giám đốc điều hành nổi tiếng của Trung Quốc đã có mặt tại Đại lễ đường Nhân dân Quảng Tây để chờ đón Thủ tướng Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bước vào hội nghị với tiếng vỗ tay vang dội của cả hội trường.

Trong thời gian qua, Việt Nam ngày càng trở thành một thị trường quan trọng đối với doanh nghiệp Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương Việt  Nam – Trung Quốc liên tục tăng. 7 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại song phương đạt 38,18 tỷ USD, tăng 1,18% so với cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam đã tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu, tỷ lệ nhập siêu giảm. Cụ thể, xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc là 10,85 tỷ USD (tăng 14,93%); nhập khẩu là 16,47 tỷ USD (giảm 3,42%);  nhập siêu giảm 12,61% so với cùng kỳ.

Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2016, có gần 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, chiếm hơn ¼ lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cùng kỳ. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng. Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc có 127 dự án đầu tư mới tại Việt Nam với số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 537,6 triệu USD. Lũy kế đến hết tháng 7-2016, Trung Quốc (không kể Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao) có 1.500 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 10,86 tỷ USD, đứng thứ 9/116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng các bộ liên quan đến lĩnh vực kinh tế-thương mại của Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc Zhao Huan, Chủ tịch phụ trách quốc tế Tập đoàn Công nghệ Huawei, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty điện lưới Nam Trung Quốc, Chủ tịch Công ty phát triển hạ tầng Thịnh Vượng… về cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, điều đầu tiên quan trọng trong đầu tư là ổn định chính trị, xã hội thì Việt Nam đã ổn định chính trị, xã hội bền vững, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh thuận lợi về mặt địa lý là hai nước láng giềng, Việt Nam có dân số vàng, lao động trẻ, giá nhân công hợp lý, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực. Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do khác, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của các thành viên ASEAN và Trung Quốc. Việt Nam có quan hệ kinh tế-thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong tương lai không xa, quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam với 55 đối tác sẽ được xác lập, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20. “Cơ hội, không gian, tiềm năng hợp tác tại Việt Nam rất lớn, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam chào đón và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc đến làm ăn chân chính, có trách nhiệm tại Việt Nam. Việt Nam coi thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của chính bản thân mình và ngược lại thất bại của nhà đầu tư cũng là thất bại của Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam không mở cửa, không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá. Trong đó, Việt Nam nhất quyết không đánh đổi môi trường sống của người dân lấy sự phát triển. Vì vậy, các nhà đầu tư vào Việt Nam cần phải hết sức lưu ý bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đồng thời phải giữ đúng cam kết, bảo đảm uy tín về chất lượng và tiến độ thực hiện các dự án, công trình.

Thủ tướng khẳng định, môi trường đầu tư vào Việt Nam ngày càng tốt hơn với việc Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng một chính phủ kiến tạo, mang tinh thần phục vụ và thượng tôn pháp luật. Xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã tăng 3 bậc trong thời gian qua. Hiện Việt Nam đang đứng trong tốp 5 ASEAN về môi trường đầu tư và đang phấn đấu vào tốp 4. Thủ tướng cũng nhìn nhận, Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng về chính trị, văn hóa, sự thuận lợi về vị trí địa lý nên có thể đẩy mạnh thông thương. Thủ tướng kỳ vọng ngay trong năm 2016 này, kim ngạch thương mại giữa hai nước có thể đạt 100 tỷ USD.

Có nhiều cách để thể hiện tính cách của một quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mang tới CAEXPO và CABIS hình ảnh một Việt Nam đầy sự chân thành, cởi mở và trách nhiệm. Đó là một cách bền vững nhất tác động đến trái tim của bạn bè trong khu vực. Đó chính là cách để mở rộng cơ hội phát triển cho đất nước chúng ta.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top