Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 04:14:18

Yên Bái: Điểm sáng trong giải quyết chế độ theo Quyết định 49

Ngày đăng: 20/07/2018

Thực hiện hiệu quả chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến (DCHT) sẽ khẳng định được tính ưu việt trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh và thực hiện công bằng xã hội. Đây là điều mà đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở Bộ CHQS tỉnh Yên Bái luôn tâm niệm. Nhận thức đúng và triển khai thực hiện quyết liệt, nên Yên Bái trở thành một trong những điểm sáng trong thực hiện Quyết định 49…

Triển khai nhiều biện pháp hiệu quả

Theo kết quả khảo sát bước đầu, tỉnh Yên Bái có gần 32.000 đối tượng là dân công hỏa tuyến, làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trong các cuộc kháng chiến theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg, ngày 14-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về các chế độ, chính sách đối với DCHT (gọi tắt là Quyết định 49). Quyết định này quy định rất rõ về đối tượng chi trả. Tuy nhiên, tiến độ triển khai và chất lượng, hiệu quả  thực hiện như thế nào để các đối tượng sớm nhận được chế độ trợ cấp của Nhà nước phụ thuộc vào sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ; đặc biệt là cán bộ địa phương cơ sở.

Là tỉnh miền núi có 9 huyện, thị xã, Yên Bái có số lượng đối tượng chính sách tương đối đông, Thiếu tá Đỗ Xuân Nguyện, Trợ lý Chính sách Bộ CHQS tỉnh Yên Bái cho biết: Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu, mời lãnh đạo 9 huyện, thị xã về triển khai tập huấn kỹ càng, chi tiết về quyết định này. Đến nay, 180 xã, phường (đảm bảo tỉ lệ 100%) của tỉnh Yên Bái đều thành lập Hội đồng chính sách cấp xã, trực tiếp tiếp nhận, hướng dẫn kê khai hồ sơ của các đối tượng. Trong quá trình triển khai hướng dẫn ở cơ sở, các xã đều phát tờ rơi đến từng thôn, bản để tuyên truyền rộng rãi việc triển khai thực hiện Quyết định 49.

Bàn giao Giấy chứng nhận và trợ cấp cho các đối tượng theo Quyết định 49.

Trời đã quá trưa, tranh thủ xếp lại những chồng hồ sơ, Thiếu tá Đỗ Xuân Nguyện cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai, tỉnh Yên Bái cơ bản đã giải quyết hơn 70% chế độ cho các đối tượng được hưởng, sắp tới sẽ có khoảng 87% đối tượng được xem xét giải quyết, còn lại một lượng nhỏ đối tượng còn vướng mắc về thủ tục hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện thủ tục sẽ được hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, giải quyết triệt để, nhanh gọn. Chúng tôi phấn đấu đến Quý 3 năm 2018, Yên Bái sẽ giải quyết hết cho các đối tượng thuộc Quyết định 49”…

Tích cực tháo gỡ khó khăn

Qua tìm hiểu cho thấy, việc triển khai thực hiện Quyết định 49 ở một số địa phương cơ sở và cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 24 còn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản được xác định là phần lớn đối tượng không có giấy tờ; nhiều người tuổi cao, trí nhớ giảm sút, nên không còn nhớ chính xác đơn vị, thời gian, địa điểm, nhiệm vụ được giao lúc tham gia dân công hỏa tuyến; tài liệu lưu trữ của các địa phương hầu hết đã thất lạc. Chưa kể, một số đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến do tuổi cao đã qua đời, con cháu kê khai qua loa, thiếu chính xác. Bên cạnh đó, một số Hội đồng chính sách cấp xã chưa tích cực vào cuộc và hướng dẫn cụ thể việc kê khai nên chất lượng hồ sơ thấp, phải làm đi làm lại nhiều lần.

Cán bộ chính sách, Bộ CHQS thành phố Yên Bái khẩn trương xử lý một số lượng lớn hồ sơ.

Thượng úy Đặng Văn Tiến, nhân viên chính sách, Ban CHQS thành phố Yên Bái cho biết: Thành phố không chỉ triển khai tập huấn 17 xã, phường và Hội đồng chính sách các xã, phường, mà còn cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở, cùng Tổ giúp việc Hội đồng chính sách xã kê khai cho từng đối tượng. Theo rà soát ban đầu, có 1.637 hồ sơ, tuy nhiên trong quá trình tuyên truyền đã phát sinh lên thành 1.806 hồ sơ, hiện tại Ban chỉ đạo 24 đã giải quyết được 1.426 hồ sơ, trong đó đối tượng được hưởng BHYT là 890 hồ sơ, đối tượng còn lại đã được hưởng các quyết định của Chính phủ.

Chia sẻ về kinh nghiệm khắc phục khó khăn, Thượng tá Nguyễn Ngọc Tính, Trưởng Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái cho rằng, kết quả này là do sự tiếp thu kinh nghiệm từ việc giải quyết chế độ chính sách theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ trước đây. Để giải quyết chế độ cho 31.610 đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến theo phương châm đảm bảo chế độ, quyền lợi cho đối tượng, Bộ CHQS tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân chủ động đến kê khai lập hồ sơ; hướng dẫn địa phương ngoài việc chấp hành nghiêm quy trình theo quy định của Ban chỉ đạo 24 Bộ Quốc phòng và Ban chỉ đạo 24 Quân khu 2, tổ chức tiến hành khảo sát lập danh sách các đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến ở địa phương theo địa bàn từng xã phường.

Việc này được thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, tránh sai sót hoặc bỏ sót đối tượng. Với đối tượng không thể tự mình kê khai hồ sơ, Tổ giúp việc sẽ cử cán bộ đến từng nhà hỗ trợ. Với phương pháp đó, qua 2 năm thực hiện đã giải quyết cho 21.170 đối tượng (đạt hơn 67%). Kế thừa kinh nghiệm 2 năm qua, trong thời gian tới địa phương sẽ phấn đấu giải quyết xong cho hơn 10.000 đối tượng còn lại. Ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, đơn vị tiếp tục nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn của đội ngũ làm chính sách cấp cơ sở, Thượng tá Nguyễn Ngọc Tính cho biết thêm.

Niềm vui của những cựu dân công hỏa tuyến

Ngoài 70 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Trí, thôn Phú Nhuận, xã Âu Lâu, tỉnh Yên Bái, vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Phấn khởi cầm tấm giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến mới được huyện trao, ông hồi ức về một thời tuổi trẻ sôi nổi, hào hùng cùng đồng đội làm nhiệm vụ mở đường trong Chiến dịch Mường Khương.

Bà Lê Thị Mẫn (quê Y Can, Trấn Yên, Yên Bái) vui mừng cầm tờ Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến.

Ông Trí chia sẻ: “Tôi cảm động lắm! Hồi đó đi làm nhiệm vụ mở đường chỉ nghĩ là góp sức chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, không ai nghĩ là sẽ nhận chế độ gì. Vậy mà sau bao nhiêu năm, tôi vẫn được Đảng và Nhà nước quan tâm”.Còn trên khuôn mặt bà Sa Thị Hằng, dân tộc Tày (vợ ông Trí) niềm phấn khởi được thể hiện rõ trước sự chăm lo của các cấp chính quyền. Tham gia dân công hỏa tuyến, làm đường từ Sa Pa về Lào Cai, nay không chỉ được nhận 2 triệu tiền mặt và giấy chứng nhận của Nhà nước, mà bà còn được hưởng Bảo hiểm y tế 100%.Gặp ông Đỗ Hồng Vân, thôn Phú Nhuận, một trong những người đầu tiên của thành phố nhận chế độ từ Quyết định 49, cho biết năm 1979 sau khi hoàn thành nhiệm vụ dân công hỏa tuyến, ông trở về địa phương sinh sống. Nay tuổi già sức yếu nhận được sự chăm lo của Đảng, Nhà nước ông phấn khởi lắm.Với những gì được chứng kiến từ quá trình triển khai thực hiện Quyết định 49 ở Yên Bái, nhiều người thêm ấm lòng hơn, bởi những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công đang đi vào cuộc sống. Điều đó không chỉ có tác dụng động viên cả về vật chất lẫn tinh thần đối với những dân công hỏa tuyến năm nào, mà còn có tác dụng khích lệ các tầng lớp nhân dân tin tưởng và nỗ lực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top