Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 10:40:47

Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân

Ngày đăng: 25/12/2018

QK2 – Sự ra đời Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là một tất yếu lịch sử, vừa là kết quả sự vận động của thời đại mới vừa là kết quả sự vận động, phát triển của lịch sử Việt Nam. Ngay từ khi mới ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã thể hiện bản chất tốt đẹp của một nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, phục vụ lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa đất nước ta tiếp tục tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được xây dựng và phát triển theo hướng trở thành Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, công cụ đắc lực của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam trong quản lý, điều hành đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Như Bách, Phó CNCT Quân khu trao đổi với cộng tác viên về phương pháp viết bài tuyên truyền chống “DBHB” trên báo chí.

Hiện nay có quan điểm cho rằng, bản chất Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thiếu dân chủ, là Nhà nước của một số cán bộ có chức có quyền. Đây là quan điểm hoàn toàn sai trái và phản động. Thực chất của quan điểm này nhằm bôi nhọ và xuyên tạc bản chất của Nhà nước ta, nhằm mục đích làm giảm, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước, cũng như chế độ XHCN ở nước ta. Xa hơn và cao hơn thì đây chính là âm mưu thủ đoạn của chiến lược “Diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Chính vì vậy mà chúng ta phải hết sức cảnh giác trước những âm mưu thủ đoạn thâm độc và sảo quyệt như quan điểm trên để bảo vệ sự trong sạch của Nhà nước ta, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như chế độ XHCN, một chế độ ưu việt nhất mà toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực xây dựng.

Để làm sáng tỏ vấn đề này, trước hết chúng ta tìm hiểu bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là gì? Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam thể hiện trước hết ở chỗ Nhà nước được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiến pháp và pháp luật do Nhà nước xây dựng, sử dụng để quản lý, điều hành mọi mặt hoạt động của đất nước đều là sự thể chế hoá đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi chủ trương, chính sách, phương thức tổ chức và hoạt động của Nhà nước đều thể hiện quan điểm, lập trường của GCCN, phục vụ lợi ích của nhân dân và dân tộc, thực hiện dân chủ hoá trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội.

Trên lĩnh vực kinh tế, Nhà nước phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế.

Trên lĩnh vực chính trị – xã hội, Nhà nước cộng hòa XHCN Việt Nam được tổ chức và hoạt động trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng trong các mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân, quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển văn hoá, giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi.

 Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam sử dụng sức mạnh toàn dân để tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sử dụng các phương tiện bạo lực khi cần thiết nhằm ngăn chặn, đập tan những âm mưu và hoạt động xâm hại đến an ninh quốc gia, bảo vệ sự ổn định và phát triển của xã hội.

Bản chất của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã được thể hiện trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930 đến nay, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tới cách mạng XHCN. Việc giữ vững bản chất đó là một quá trình lịch sử lâu dài bao gồm cả hai mặt “xây” và “chống”; không ngừng xây dựng và tăng cường bản chất GCCN, tính nhân dân và tính dân tộc, đồng thời kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh chống những hiện tượng quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ, lãng phí… trong đội ngũ cán bộ, công chức và tổ chức bộ máy Nhà nước, những hiện tượng trong thực tế có thể làm suy giảm bản chất GCCN, tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Hiện nay, khi các thế lực thù địch đang tìm mọi thủ đoạn thủ tiêu CNXH, việc giữ vững bản chất của Nhà nước XHCN Việt Nam bao hàm cả nội dung đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng – lý luận để bảo vệ bản chất của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về bản chất của Nhà nước XHCN Việt Nam, phê phán những luận điệu xuyên tạc, những quan điểm sai trái, đập tan những âm mưu và thủ đoạn chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng – Nhà nước – Nhân dân.

Đối với người cán bộ, đảng viên khi nghiên cứu vấn đề này cho thấy, đây là cơ sở khoa học nhằm củng cố niềm tin vững chắc vào chủ trương đường lối của Đảng, tin vào bản chất cách mạng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng, đó thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.