Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 12:01:24

WHO họp khẩn vì bệnh đậu mùa khỉ

Ngày đăng: 22/05/2022

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 20-5 đã tiến hành một cuộc họp khẩn để thảo luận về đợt bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ ở người-vốn là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một loại virus đậu mùa. Trước đây, loại bệnh này chỉ phổ biến ở Tây và Trung Phi, song hiện đã lan ra nhiều nước ở châu Âu.

Truyền thông Đức mô tả đây là đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ lớn nhất ở châu Âu từ trước đến nay với hơn 100 ca bệnh được phát hiện chỉ trong thời gian ngắn và lan ra nhiều quốc gia: Bỉ, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Canada, Australia…

Tại Tây Ban Nha, chỉ trong ngày 20-5 ghi nhận 24 trường hợp mắc mới, chủ yếu ở khu vực thủ đô Madrid khiến chính quyền địa phương phải ra lệnh đóng cửa một phòng tắm hơi có liên quan đến phần lớn các ca nhiễm bệnh. 

Tại Anh, sau khi liên tiếp phát hiện các ca mắc mới, cơ quan y tế nước này tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa cho một số nhân viên y tế và những người nghi đã tiếp xúc với virus bệnh đậu mùa khỉ. Bởi theo WHO, tuy chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ nhưng các dữ liệu y tế cho thấy vaccine phòng bệnh đậu mùa thông thường cũng có hiệu quả phòng bệnh đậu mùa khỉ lên tới 85%.

Nhiều nước châu Âu đang báo động trước dịch bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Twitter @LachehebFiras

Còn tại Mỹ, Cơ quan phát triển và nghiên cứu y sinh (BARDA) của nước này vừa ký với công ty dược phẩm Đan Mạch Bavarian Nordic một hợp đồng trị giá 119 triệu USD để mua 13 triệu liều vaccine ngừa virus bệnh đậu mùa khỉ, sau khi một người đàn ông ở bang Massachusetts được chẩn đoán nhiễm loại virus hiếm gặp này hồi đầu tuần qua.

Bệnh đậu mùa khỉ do một loại virus đậu mùa gây ra, ban đầu phát hiện ở loài khỉ, động vật gặm nhấm và linh trưởng ở khu vực châu Phi. Virus có thể lây sang người từ các loài động vật hoang dã này, cũng có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc với các tổn thương, dịch cơ thể, các giọt bắn qua đường hô hấp và các vật bị nhiễm virus như chăn, ga, gối, đệm… Ăn thịt nấu chưa chín kỹ và các sản phẩm khác từ động vật nhiễm bệnh cũng là một yếu tố dẫn đến nguy cơ nhiễm virus đậu mùa khỉ ở người.

Người mắc bệnh thường bị sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, kiệt sức, sưng hạch bạch huyết, mọc những nốt sần sùi khắp cơ thể… Virus đậu mùa khỉ có hai chủng chính: Chủng Congo nặng hơn với tỷ lệ tử vong lên tới 10%; chủng Tây Phi có tỷ lệ tử vong 1%. Các ca nhiễm bệnh được báo cáo ở Anh mới đây thuộc chủng Tây Phi.

Nhiều nhà khoa học hy vọng đợt bùng phát này sẽ không tiến triển thành đại dịch như Covid-19, do loại virus gây bệnh đậu mùa khỉ không lây lan với tốc độ nhanh như virus SARS-CoV-2. Căn cứ vào một số dữ liệu, sau cuộc họp ngày 20-5, WHO chưa quyết định tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng-là hình thức cảnh báo cao nhất của WHO hiện đang được áp dụng đối với đại dịch Covid-19.

Kể từ năm 1970, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở 11 quốc gia châu Phi. Sau nhiều nỗ lực y tế, WHO tuyên bố bệnh này bị xóa sổ trên toàn cầu vào năm 1979. Tuy nhiên, gần đây tại Nigeria có một đợt bùng phát liên tục kể từ năm 2017 với khoảng 3.000 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ mỗi năm. Song rất hiếm trường hợp mắc virus đậu mùa khỉ được phát hiện ngoài châu Phi.

Trường hợp đầu tiên của đợt dịch lần này tại châu Âu được phát hiện vào ngày 7-5 ở một du khách từ Nigeria nhập cảnh vào Anh. Đến nay, qua điều tra xác định nhiều trường hợp nhiễm virus bệnh đậu mùa khỉ ở các nước châu Âu lại không có yếu tố nào liên quan đến châu Phi. 

Do đó, nguyên nhân của đợt bùng phát này vẫn chưa được xác định. Người đứng đầu WHO về ứng phó khẩn cấp, Tiến sĩ Ibrahima Soce Fall, thừa nhận vẫn còn “quá nhiều điều chưa biết về động lực lây truyền, các đặc điểm lâm sàng và dịch tễ học của đợt bùng phát virus lần này”. 

Việc WHO tuyên bố bệnh đậu mùa bị xóa xổ trên toàn cầu từ năm 1979 cũng đồng nghĩa với việc một khi dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát quy mô lớn, những người dưới 40 tuổi sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm loại virus này, vì mũi tiêm phòng virus đậu mùa không còn được đưa vào chương trình chủng ngừa thời thơ ấu của họ. Bởi thế, giới chức y tế các nước châu Âu đang đặt trong trạng thái báo động để có thể sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

(Theo qdnd.vn)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.