Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 05:23:04

Vững niềm tin vào tiến trình hội nhập và phát triển

Ngày đăng: 01/07/2019

QK2 – Ngày 25-6 vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) đã thông qua và chấp thuận ký kết với Việt Nam Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).

EVFTA là một trong những hiệp định thương mại song phương thế hệ mới, bao gồm những điều khoản quan trọng về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững. EVFTA bao gồm các cam kết thực hiện những tiêu chuẩn cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế, như quyền tự do gia nhập công đoàn độc lập và cấm sử dụng lao động trẻ em, cũng như các công ước Liên Hợp Quốc liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hoặc bảo vệ đa dạng sinh học.

Công nhân Xí nghiệp 27/7, Cục Hậu cần Quân khu gia công hàng may mặc xuất khẩu. (Ảnh VL)

Chương trình đàm phán giữa hai bên Việt Nam và EU để đi đến thỏa thuận, ký kết các hiệp định này diễn ra từ nhiều năm trước. Việc đàm phán tiến hành từ giữa năm 2012 đến hết 2015. Song tiến trình đàm phán để đi đến thỏa thận ký kết chính thức bị trì hoãn bởi một số lý do; trong đó Tòa Công lý Châu Âu đang xử lý việc phân chia năng lực giữa EU và các quốc gia thành viên liên quan đến việc ký kết FTA giữa EU và Singapore. Đến tháng 5-2017, EU quyết định đề xuất hai hiệp định riêng biệt. Một hiệp định thương mại tự do, trong đó có các lĩnh vực thuộc thẩm quyền riêng của EU và chỉ cần có sự chấp thuận của EC và sự đồng ý của Nghị viện Châu Âu trước khi có hiệu lực. Một hiệp định về bảo hộ đầu tư sẽ phải trải qua thủ tục phê chuẩn của quốc gia liên quan ở tất cả các quốc gia thành viên trước khi có hiệu lực.

Quá trình đàm phán diễn ra dài, tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân tự mang danh những nhà đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đã đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, mượn cớ những hạn chế, tiêu cực trong xã hội để thổi phồng, xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền Việt Nam, nhằm mục đích chống phá, đòi EU hoãn hoặc hủy việc ký kết hiệp định. Họ cũng có những đòi hỏi vô lý về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam để yêu sách với Chính phủ các quốc gia EC yêu cầu Việt Nam phải xử lý các vấn đề dân chủ, nhân quyền. Sau khi EC trình lên Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu các Dự thảo của Hiệp định thì họ tìm cách chống phá, ra tuyên bố, Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đó là lý do mà Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu cần hoãn thông qua Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam. Tháng 4 năm nay, khi Việt Nam và EC tổ chức đối thoại nhân quyền tại Bỉ, họ lại tiếp tục đưa ra những thông tin xuyên tạc, bảo vệ những người mà họ gọi là “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” hay “những tù nhân lương tâm”. Thực tế những người này đều vi phạm pháp luật Việt Nam, chống đối Đảng, chính quyền, tạo dư luận xấu và diễn biến bất ổn trong xã hội. Những người này đã bị cơ quan chức năng Việt Nam xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo các chuyên gia đánh giá, EVFTA là Hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất từng được Hội đồng Châu ÂU (EU) ký kết với một quốc gia đang phát triển, giúp loại bỏ 99% thuế hải quan giữa hai bên. 65% thuế đối với hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam sẽ biến mất ngay khi EVFTA có hiệu lực, trong khi phần còn lại sẽ được giảm dần trong 10 năm. 71% thuế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng sẽ bị loại bỏ khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại mất dần trong 7 năm. EVFTA cũng sẽ giảm nhiều hàng rào phi thuế quan hiện có để giao dịch với Việt Nam, mở ra các dịch vụ ở Việt Nam và thị trường mua sắm công khai cho các công ty EU, trong khi IPA sẽ tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.

Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và với Việt Nam xuất phát từ lợi ích của mỗi bên. Việt Nam và EU đàm phán thành công và ký kết Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA là kết quả của quá trình hợp tác, đàm phán và đấu tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và phấn đấu đạt được sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Kết quả ký kết là minh chứng bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các tổ chức, cá nhân mượn vỏ bọc đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền để đòi hỏi hoãn, hủy tiến trình ký kết hiệp định.

Đáng tiếc thay, một số người mượn danh tổ chức quốc tế, rêu rao cho cái gọi là hoạt động cho nền dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, vốn là người mang dòng máu Việt Nam, thậm chí có người còn được dân nuôi, lớn lên học hành nhờ cách mạng Việt Nam lại đi núp bóng những tổ chức, cá nhân phản động, phá hoại dân chủ, chà đạp nhân quyền của người Việt Nam chân chính, đi ngược lại lịch sử, lợi ích quốc gia dân tộc. Luận điệu những kẻ ấy không được ai tin, ai nghe. Và thực tế, Ủy ban Châu Âu cũng như các tổ chức quốc tế chân chính khác không hề đếm xỉa, không bị chi phối, đổi hướng bởi luận điệu những kẻ xuyên tạc.

Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam gần đi đến hồi kết khẳng định thành công kỳ diệu của tiến trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế. Mỗi chúng ta có quyền tự hào và đặt niềm tin vào tiến trình hội nhập đầy chủ động, tích cực cũng như tiềm năng phát triển của đất nước.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.