Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:24:10

Vững niềm tin trên con đường dân tộc

Ngày đăng: 23/06/2021

Bài 3: Vững tin theo con đường của Bác

QK2 – Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.

Vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Lịch sử còn ghi, ngày 5/6/1911, Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Gần một thế kỷ chìm trong bùn đen nô lệ, tinh thần độc lập dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục, nhiều cuộc khởi nghĩa theo các xu hướng, tư tưởng khác nhau liên tiếp diễn ra nhưng đều thất bại mà một trong những nguyên nhân là sự khủng hoảng về đường lối.

Hướng đi của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khác hẳn với phương pháp của những nhà yêu nước tiền bối và cùng thời đó. Hoàng Hoa Thám mang nặng tư tưởng phong kiến đã lỗi thời. Phan Bội Châu cầu viện ở Nhật thì chẳng khác gì “đuổi hổ cửa trước – rước beo cửa sau”. Phương pháp cải lương của Phan Châu Trinh được coi là “xin giặc rủ lòng thương”. Còn người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chủ trương sang phương Tây, đến Pháp, Mỹ, Anh để xem họ thế nào rồi mới trở về giúp đồng bào.

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga bùng nổ. Người vẫn kiên trì tìm hiểu về cuộc cách mạng mà người dân lao động được làm chủ ấy. Năm 1918, chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận họp tại Versailles (Pháp), Người với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã gửi bản yêu sách gồm 8 điểm đòi lại quyền lợi cho dân tộc. Năm 1919, Người đã gia nhập Đảng xã hội Pháp, một tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực quyền lợi của Việt Nam và theo đuổi lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của cách mạng Pháp.

Đến năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia nhiều hoạt động thể hiện bước phát triển mạnh mẽ trong nhận thức chính trị. Đặc biệt vào mùa thu năm ấy, Bác Hồ được tiếp cận với bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin. Ánh sáng về con đường cách mạng hé mở ra với Bác. Trong bài “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Bác viết: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”

“Con đường giải phóng chúng ta” ấy là con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. “Con đường giải phóng chúng ta” mà Bác Hồ tiếp cận hơn một thế kỷ trước dần cụ thể hóa và ngày càng sáng tỏ vào con đường cách mạng Việt Nam mà Đảng đã hoạch định, từ Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt năm 1930, khi thành lập Đảng cho đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011).

 Suốt gần một thế kỷ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng CNXH, Đảng ta đã và đang kiên trì lãnh đạo dân tộc đi theo con đường ấy. Mặc dù có trải qua nhiều gian khổ hy sinh, khó khăn thách thức song đã giành những thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước từ thuộc địa nửa phong kiến sang quốc gia độc lập và CNXH. Nhân dân từ thân phận nô lệ sang địa vị làm chủ với cuộc sống ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc.

 Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) được Đảng ta hoạch định tại Đại hội XI cách đây 10 năm tiếp tục khẳng định: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".

Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định: "Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới".

Thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta gần một thế kỷ qua chứng minh con đường cách mạng mà Bác Hồ lựa chọn là niềm tự hào của dân tộc, là thành quả mà đại đa số người dân Việt Nam cùng chung tay xây dựng và thụ hưởng. Giữa đại dịch Covid-19 hoành hành cả thế giới hiện nay, tính ưu việt của chế độ xã hội ngày càng được thể hiện rõ rệt. Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen từng chia sẻ đầu năm 2021 với Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Đại dịch đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người cũng như các chương trình nghị sự trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh khó lường này, Việt Nam đã trở thành tiêu điểm của báo chí quốc tế với câu chuyện thành công của mình trong cuộc chiến với Covid-19 và việc hoàn thành xuất sắc vai trò kép Chủ tịch ASEAN cũng như vị trí ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Cuộc sống thực tiễn của đồng bào cả nước hiện nay là cơ sở củng cố lòng tự hào, vững niềm tin về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, con đường mà Bác Hồ và toàn thể dân tộc ta đã lựa chọn. Mỗi người dân yêu nước Việt Nam có trách nhiệm đấu tranh loại bỏ những tư tưởng hoài nghi, những luận điệu xuyên tạc bản chất chế độ chính trị, xuyên tạc về con đường, phương pháp, cách thức xây dựng đất nước của Đảng ta hoạch định và toàn dân ta đoàn kết tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

SONG VIỆT

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.