Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 05:22:39

Vững niềm tin trên con đường dân tộc

Ngày đăng: 21/06/2021

Bài 2: Vững vàng trước sóng gió

QK2 – Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX được coi là thời gian tổn thất chưa từng có trong lịch sử phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và của CNXH trên thế giới. Các nước XHCN từng bước lâm vào khủng hoảng nặng nề, chế độ XHCN với các mô hình hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. 

Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn

Sự kiện Liên Xô và Đông Âu khủng hoảng, tan rã đã từng được mổ xẻ, phân tích dưới nhiều góc độ ngày càng đầy đủ hơn. Nguyên nhân chủ yếu từ sự sụp đổ của CNXH hiện thực ấy bắt nguồn từ sự sai lầm trong cải tổ, cải cách, đổi mới, lại bị các thế lực thù địch thực hiện sách lược “mưa dầm thấm lâu”, với chiêu bài “ngoại giao thân thiện”, đẩy mạnh truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền, thực hiện luồn sâu, leo cao, từng bước can thiệp ngày càng sâu vào đời sống xã hội, thông qua đó thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước, gây mất niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào lý tưởng chủ nghĩa cộng sản. Chính sai lầm về đường lối chính trị trong thực hiện dân chủ hóa vô nguyên tắc, thực hiện đa nguyên hóa, buông lỏng xây dựng LLVT, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản… Nhiều cán bộ cấp cao dao động về tư tưởng, quay lưng với Đảng Cộng sản, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và công an…

Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu không đơn thuần là tổn thất, mà còn là thực tiễn sinh động để rút ra những bài học quý báu cho các nước XHCN còn lại, trong đó có Việt Nam. Từ sự sụp đổ và tan rã ấy, chúng ta có thể rút ra được một số bài học xương máu là: Phải thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng để giữ vững vai trò cầm quyền của Đảng, bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh và gắn bó với nhân dân. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm chắc quần chúng và động viên được sức mạnh của nhân dân. Vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng và thực hiện tốt chiến lược công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì và xây dựng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận, kế tiếp ở các cấp từ trung ương đến địa phương, lựa chọn đúng những người thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn, gần gũi nhân dân. Xây dựng nền kinh tế ổn định và phát triển vững chắc, giữ được độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, nhân dân; phòng, chống có hiệu quả chiến lược “Diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đảng cầm quyền phải nắm chắc LLVT, đặc biệt chăm lo xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân thực sự trung thành, tin cậy về chính trị, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 

Ngay sau cuộc chính biến ở Liên Xô, sự kiện 19/8/1991, những người cộng sản thế giới sững sờ, nhiều người băn khoăn, dao động. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH được xác định và thông qua tại Đại hội VII -1991 đã và đang được triển khai. Sau đó hơn hai năm, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng đã xác định 4 nguy cơ trước mắt là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Những nguy cơ ấy sau này và đến gần đây, Đảng ta xác định vẫn còn nguyên giá trị.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của Chủ nghĩa Mác – Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo Chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa!…”.

Thực tế sau hơn 30 năm thành trì XHCN và mô hình xây dựng CNXH hiện thực sụp đổ đến nay, trước sóng gió chính trị và sự công kích của các thế lực thù địch, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng kiên định, kiên trì con đường xây dựng CNXH, đất nước vẫn vững vàng phát triển, đổi mới; đời sống chính trị, kinh tế của đất nước ngày càng đi lên, điều đó khẳng định tính đúng đắn của Đảng ta, của con đường “độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn. Thực tế cuộc sống của nhân dân ta những năm gần đây, nhất là cuộc chiến chống thiên tai, dịch bệnh là minh chứng để đập tan âm mưu của những “kẻ trở cờ”, lợi dụng làm sai lệch bài viết về xây dựng CNXH ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà công kích, chống phá Đảng, xuyên tạc, bóp méo gây mất niềm tin về con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam. Giữ vững lập trường, kiên định mục tiêu, lý tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề sống còn của Đảng, để Đảng vững lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vững vàng vượt qua sóng gió, đưa đất nước phát triển.

SONG VIỆT

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.