Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:39:14

“Vua tương” đất Tổ

Ngày đăng: 22/06/2016

QK2 – Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, dù đã xoay sở đủ mọi nghề khác nhau nhưng cuộc sống của vợ chồng cựu chiến binh Cao Trung Thông, trú tại khu An Thái, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vẫn hết sức thiếu thốn. Không cam chịu cảnh nghèo, anh bàn với vợ chuyển hướng sang nghề làm tương. Do chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, cộng với những bí quyết riêng tích lũy được trong quá trình làm việc, sản phẩm nước tương “Hoa lúa” của cựu chiến binh Cao Trung Thông ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng…

Kiên trì học nghề
Đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, người dân xã Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) không ai còn xa lạ với hình ảnh anh bộ đội xuất ngũ Cao Trung Thông ngày ngày cặm cụi với nghề sửa chữa xe máy-xe đạp trong cái quán nhỏ đầu làng, mặt mũi lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ, bụi bặm. Không lâu sau đó, người ta lại thấy anh chuyển sang nghề thú y. Hễ nhà ai có trâu, bò, lợn, gà bị dịch bệnh là anh có mặt kịp thời giúp người dân chữa trị. Nhưng công việc thú y của anh cũng không ổn định, thu nhập lại bấp bênh, vì vậy sau một thời gian ngắn, anh lại bỏ nghề để chuyển sang buôn bán hàng tạp hóa. Tuy nhiên, do thiếu vốn, cửa hàng của vợ chồng anh chỉ có lèo tèo vài ba mặt hàng đơn điệu, không đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng khiến kinh tế gia đình càng thêm khó khăn.
Nhiều đêm trằn trọc không sao ngủ được, trong đầu cựu chiến binh Cao Trung Thông đặt ra hoàng loạt câu hỏi: “Làm thế nào để thoát nghèo? Làm gì để cuộc sống của vợ con đỡ vất vả? Và làm sao để trở thành người có ích cho xã hội, đóng góp công sức xây dựng quê hương… trong khi mình từng là một người lính, nghị lực có thừa, khó khăn không ngại?”. Thế rồi anh nhận ra một điều, bao nhiêu năm nay, đậu tương luôn là một trong những giống cây trồng truyền thống của bà con nông dân xã Cao Xá, huyện Lâm Thao quê mình. Do được trồng ở vùng đất ven sông Hồng phù sa màu mỡ nên giống đậu tương ở đây thường cho sản lượng rất cao. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm thu được, người dân chỉ dùng để chăn nuôi, hoặc bán cho tư thương ở dạng sản phẩm thô với giá rẻ. Trong đầu anh chợt lóe lên một suy nghĩ, nếu số đậu tương này đem chế biến thành sản phẩm tinh thì giá thành sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Và anh quyết định tìm tòi, nghiên cứu cách chế biến nước tương từ nguồn lương thực dồi dào này để bán ra thị trường.
Từ suy nghĩ đó, đầu những năm 2000, cựu chiến binh Cao Trung Thông bắt đầu lặn lội khắp các vùng quê khu vực phía Bắc vốn từ lâu nổi tiếng với nghề sản xuất nước tương gia truyền như thị trấn Bần (Hưng Yên); Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội); Nam Đàn (Nghệ An)… để học hỏi kinh nghiệm và bí quyết làm tương. Theo chia sẻ của anh, khi tiếp cận các cơ sở này, anh tích cực tìm hiểu, ghi chép tỉ mỉ các quy trình làm tương của họ, thậm chí còn xin làm công cho các gia đình có nghề gia truyền lâu năm để tranh thủ học hỏi kinh nghiệm. Quá trình đó, anh nghiên cứu kỹ những ưu điểm, hạn chế trong quy trình sản xuất nước tương, rút ra bài học kinh nghiệm cho mình, đồng thời chủ động tìm hiểu về thị trường, thị hiếu của khách hàng để sẵn sàng cho các hoạt động giao dịch sau này.

Vợ chồng cựu chiến binh Cao Trung Thông đang thực hiện khâu đóng gói tương thành phẩm.

Vợ chồng cựu chiến binh Cao Trung Thông đang thực hiện khâu đóng gói tương thành phẩm.

“Vua tương” giàu lòng nhân ái
Trong căn nhà gỗ khang trang đồng thời cũng là trụ sở Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Hoa Lúa ở khu An Thái, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao (Phú Thọ), chị Cao Thị Kim Hoa, vợ cựu chiến binh Cao Trung Thông vồn vã mời chúng tôi cốc sữa đậu nành còn nóng hôi hổi và không quên nói về loại đồ uống bổ dưỡng được chế biến từ hạt đậu tương này. Chị còn bảo, loại đậu tương quê được trồng ngoài bãi thường cho hạt chắc, tròn mẩy, có vị thanh ngọt, rất phù hợp để chế biến nước tương.
Qua câu chuyện với vợ chồng người cựu chiến binh giàu nghị lực, chúng tôi được biết, sau khi học được nghề làm tương, cựu chiến binh Cao Trung Thông tiến hành mở xưởng sản xuất nước tương ngay tại nhà. Ban đầu, do điều kiện còn khó khăn, vợ chồng anh tiến hành sản xuất ở quy mô nhỏ, sản phẩm chỉ đủ cung cấp cho người dân quanh vùng. Dần dần, khi đã có vốn tích lũy, anh chị mạnh dạn xin cấp giấy phép thành lập Công ty Hoa Lúa chuyên sản xuất nước tương cung cấp ra thị trường. Khoảng ba năm trở lại đây, sản phẩm nước tương của công ty không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng trên quê hương đất Tổ mà còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các thành phố lớn. Anh Nguyễn Ngọc Cường, chủ nhà hàng Thúy Anh thuộc phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên sử dụng sản phẩm nước tương của công ty Hoa Lúa, khách hàng của chúng tôi cũng rất ưa dùng. Tương Hoa Lúa có màu vàng tươi, có mùi thơm đặc trưng của cốm, vừng và vị ngọt, béo, bùi, đậm của đậu tương quê… mang lại cảm giác ngon miệng cho bữa ăn của mỗi gia đình”.
Khi được hỏi về bí quyết chế biến nước tương làm sao bảo đảm chất lượng, tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm và luôn giữ được thương hiệu, uy tín trên thị trường, cựu chiến binh Cao Trung Thông không ngần ngại chia sẻ: “Khâu chuẩn bị nguyên liệu và làm mốc tương là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, suốt quá trình chế biến sản phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo anh Thông, để làm tương ngon phải chọn loại gạo nếp thơm hoa vàng, hạt gạo tròn, đều, không nát, lúa chín khoảng 70-75% để giữ được hương vị cốm. Đậu tương và vừng hạt phải chắc, đều, không sâu, mọt, ẩm mốc; nước dùng chế biến phải là nước mưa được đun sôi để nguội, tinh lọc kỹ càng; dụng cụ để ngả tương bằng tre, nứa, tuyệt đối không dùng đồ nhựa hay kim loại. Đặc biệt, đồ chứa tương thành phẩm phải là loại chum sành cũ, cổ, được nung kỹ, giúp bảo quản tương lâu dài mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng.
Ngoài ra, việc làm mốc tương, lên men đậu tương, ngả tương đều được tiến hành theo một quy trình hết sức tỉ mỉ, nhiều công đoạn khác nhau trong một thời gian dài. Từ lúc bắt đầu triển khai các quy trình đến khi tương sử dụng được, tùy theo điều kiện thời tiết trung bình kéo dài khoảng 10-12 tháng. Do đó, các công đoạn này gia đình anh phải làm gối nhau liên tục, bảo đảm lúc nào cũng có sẵn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, việc lựa chọn thời điểm để làm tương cũng rất quan trọng, thường vào khoảng đầu tháng tư âm lịch hằng năm, vì lúc này không khí nắng ráo, có gió đông thổi, phù hợp với việc ngả tương…
Cùng cựu chiến binh Cao Trung Thông tham quan cơ sở sản xuất nước tương của gia đình vào một ngày đầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh hằng trăm chiếc chum sành chứa tương thành phẩm, dung tích trung bình 200 lít được bọc nắp kỹ càng, xếp thành từng hàng thẳng tắp, đang phơi mình trong nắng vàng óng ả. Theo chị Cao Thị Kim Hoa, nơi chế biến và phơi tương phải được đặt ở vị trí tách biệt, có không gian thoáng đãng, trong lành, nhiều nắng, thuận hướng gió, cách xa nơi sinh hoạt của gia đình để vừa giúp tương chóng ngấu lại vừa bảo đảm an toàn vệ sinh. “Sau khi theo nghề làm tương, gia đình chúng tôi cũng dừng hẳn việc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm để bảo đảm có không gian sạch sẽ cho toàn bộ khu vực chế biến. Các loại chất thải, chúng tôi tiến hành thu gom, xử lý triệt để, không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nơi sản xuất. Sức khỏe con người là vốn quý, mình lúc nào cũng tâm niệm phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng lại vừa giữ được uy tín trên thị trường”. Chị Hoa chia sẻ.
Được biết, do sản phẩm nước tương của Công ty TNHH MTV Hoa Lúa luôn bảo đảm chất lượng, được khách hàng ưa chuộng nên những năm vừa qua, sản phẩm của Công ty sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Đối tượng khách hàng cũng như nguồn thị trường của Công ty cũng vì thế mà ngày càng được mở rộng. Hiện mỗi năm, gia đình cựu chiến binh Cao Trung Thông sản xuất và tiêu thụ trung bình khoảng trên 20 tấn nước tương thành phẩm, trừ chi phí cho thu lãi hằng trăm triệu đồng/năm. Sản phẩm nước tương Hoa Lúa của anh cũng đã được Chi cục Quản lý Nông lâm-Thủy sản tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận bảo đảm vệ sịnh an toàn thực phẩm và được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp đăng ký bảo hộ thương hiệu độc quyền năm 2015.
Không những làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Cao Trung Thông còn giúp đỡ không ít các hội viên trong chi hội cựu chiến binh và những người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Trong số đó phải kể đến trường hợp của cựu chiến binh Cao Ngọc Đào, khu 9, xã Cao Xá, huyện Lâm Thao. Hơn ba năm trước đây, hoàn cảnh gia đình anh Đào hết sức khó khăn, thường xuyên phải chạy ăn từng bữa, thiếu thốn đủ bề. Sau khi được anh Cao Trung Thông cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật làm tương, thậm chí, không ngần ngại giới thiệu, chia sẻ thị trường, đến nay, kinh tế gia đình cựu chiến binh Cao Ngọc Đào đã ổn định, trở thành một trong những đại lý nước tương có tiếng trên địa bàn huyện Lâm Thao, anh cũng xây được ngôi nhà khang trang, kiên cố, mua sắm được một số đồ dùng sinh hoạt đắt tiền và bắt đầu có tài sản tích lũy. Ngoài ra, các hội viên cựu chiến binh khác có nhu cầu cho con cháu học nghề làm tương, anh đều bỏ công bỏ sức tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, truyền thụ kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ vốn không lấy lãi, giúp nhiều người chuyển hướng sang nghề làm tương cho thu nhập ổn định, kinh tế khá giả. Tính đến đầu năm 2016, đã có hàng chục hộ gia đình trên địa bàn xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ được vợ chồng cựu chiến binh Cao Trung Thông giúp đỡ phát triển kinh tế thoát nghèo, cuộc sống ổn định, đang từng bước vươn lên làm giàu…
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.