Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 11:20:39

Vu lan: Sống thiện để báo hiếu cha mẹ

Ngày đăng: 16/08/2016

Rằm tháng Bảy Âm lịch hằng năm, các chùa trong cả nước đều tổ chức lễ Vu Lan để Phật tử có dịp về lễ Phật, cầu nguyện cho cửu huyền thất tổ được siêu sinh tịnh độ và cha mẹ đời nay được đời sống an lành, phước lộc.

Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện sự hiếu nghĩa của con cái đối với các bậc sinh thành, dưỡng dục, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó Ban Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội thì Vu Lan còn gọi là Vu Lan Bồn, dịch âm từ tiếng Phạn (Ullambana) là cứu đảo huyền, có nghĩa là cứu độ cái khổ của tù nhân bị đọa trong địa ngục.

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ điển tích Phật giáo. Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi đắc đạo, chứng quả A La Hán, đã vận dụng thiên nhãn để tìm xem mẹ tái sinh ở đâu. Ngài thấy mẹ mình vì gây nhiều tội lỗi nên bị đọa vào ngã quỷ, gầy ốm, đói khát rất khốn khổ. Ngài thương xót mẹ, lấy cơm đem dâng, nhưng khi cơm đến miệng mẹ, thì biến thành lửa, không ăn được. Ngài Mục Kiền Liên thấy mẹ như vậy vô cùng đau xót, trở về bạch Phật và xin Phật chỉ dạy cách cứu mẹ. Phật dạy, ngày rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ của các Chư Tăng, sau ba tháng an cư kết hạ, thân tâm rất thanh tịnh, vì vậy lời chú nguyện của các Chư Tăng có nhiều năng lực giải trừ tội ác. Vì vậy muốn cứu mẹ phải làm lễ dâng cúng Chư Tăng. Vâng lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy Ngài Mục Kiền Liên mua sắm lễ vật dâng cúng các Chư Phật, các Hiền thánh tăng và xin các Ngài chú nguyện cho mẹ. Ngay trong ngày đó mẹ Ngài được giải thoát. Để tỏ  lòng biết ơn với Chư Phật, Chư Hiền thánh tăng, Ngài Mục Kiền Liên đã phát tâm cứu độ tất cả chúng sinh đau khổ trong địa ngục. Từ đó Phật tử theo gương Ngài Mục Kiền Liên, hằng năm tổ chức ngày Đại Lể Vu Lan vào rằm tháng bảy để báo hiếu, công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ, cha.

Hình ảnh lễ Vu Lan tại Thiền viện Sùng Phúc, Gia Lâm, Hà Nội.

Hình ảnh lễ Vu Lan tại Thiền viện Sùng Phúc, Gia Lâm, Hà Nội.

Thượng tọa Thích Minh Hiền cho rằng, chữ Hiếu trong đạo Phật đã được nâng lên thành Hiếu Đạo. Câu chuyện báo hiếu của đức Mục Kiền Liên trong Phật giáo đã chỉ ra rằng, con người muốn linh hồn cha mẹ, ông bà, tổ tiên được siêu thoát thì phải phát tâm từ thiện, thay cha mẹ giải đi những nghiệp xấu mà lúc còn sống vì vô tình hay cố ý họ đã gây nên. Đồng thời cũng giúp chúng ta tiếp cận với ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của triết lý Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “Vô ngã, vị tha”. Hiếu nghĩa với cha mẹ  không chỉ là lo cho cha mẹ an vui đời này, thể hiện ở sự quan tâm, chăm sóc, hỏi han, phụng dưỡng khi cha mẹ khỏe mạnh cũng như khi ốm đau mà còn phải lo cho cha mẹ có hạnh phúc đời sau bằng việc tạo dựng phúc đức cho gia đình, hướng cha mẹ làm việc thiện, kính lễ Phật Pháp. Bản thân mỗi người nên làm nhiều việc tốt, chăm làm điều thiện, tránh xa điều ác.

 Xã hội phát triển, của cải vật chất đủ đầy, nhiều người có thể kính biếu cha mẹ của ngon vật lạ. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì mới chỉ là hành động “hiếu thảo” mà chưa đạt được chữ “hiếu đạo”. Đặc biệt những thứ đó nếu được mua bằng tiền của những  việc làm bất thiện thì đó không phải là cách để báo hiếu, mà là làm tổn thêm phước đức của cha mẹ. Hoặc để thể hiện lòng thành kính với cha mẹ, ông bà, một số người mua rất nhiều vàng mã, nhà lầu, xe hơi đốt cho linh hồn người đã khuất. Điều này không đúng với giáo lý nhà Phật. Đốt vàng mã về cơ bản chỉ là một hành động trấn an tinh thần những người còn sống, thực tế đây là việc làm lãng phí, thể hiện suy nghĩ hạn hẹp của cá nhân. Nếu tâm hạn hẹp, chưa bứt phá thì linh hồn cha mẹ vẫn chưa thoát khỏi luân hồi sinh tử được.

Vượt lên trên bổn phận của người con hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ thì Vu Lan theo tinh thần Phật giáo chân chính là biết hướng về Tam Bảo, cầu cho đất nước thanh bình, từ bỏ tham, sân si, có lòng vị tha, biết chăm lo cho mọi người. Lòng nhân ái bao trùm cả gia đình và nhân loại. Nếu không làm việc thiện, sống không có tâm thiện thì những việc làm khác cũng vô ích. Để thể hiện tấm lòng chí hiếu của mình, người có tín ngưỡng trong dịp lễ Vu Lan có thể tới chùa cúng lễ chư Phật, chư Tăng, hoặc thể hiện bằng các hành động cụ thể như làm từ thiện, giúp đỡ mọi người, đoàn kết, vui vẻ, trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top