Thứ tư Ngày 17 Tháng 04 Năm 2024, 04:37:17

Việt Xuân phát huy ưu thế “Nhị cận giang” để phát triển

Ngày đăng: 26/05/2022

QK2 – Xã Việt Xuân nằm ở phía Bắc huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), có  2 dòng sông chảy qua là sông Phó đáy và sông Lô, là cầu nối tiếp giáp với sông Hồng. Trong những năm qua, nhân dân xã Việt Xuân đã phát huy ưu thế trên bến dưới thuyền để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Xã Việt Xuân đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến xã Việt Xuân vào những ngày cuối tháng năm lịch sử, chúng tôi không chỉ ấn tượng với những ngôi nhà khang trang, mái ngói đỏ tươi, sơn vẫn còn rất mới của một số hộ dân ở các thôn Việt An, Việt Hưng, Diệm Xuân, mà hệ thống giao thông của địa phương cũng được đầu tư xây dựng rất cơ bản. Nhiều đoạn đường đã thảm nhựa phẳng phiu và có cả hệ thống đèn điện chiếu sáng về ban đêm. Tiếp chúng tôi tại Nhà văn hóa thôn Việt An, bên cốc trà xanh vàng óng, ông Trần Hoa Vinh, Trưởng thôn hồ hởi giới thiệu: Thôn Việt An có 176 hộ với 710 nhân khẩu thì có đến hơn một nửa làm nghề vận tải thủy. Nghề này được bà con trong thôn làm từ mấy chục năm nay, trở thành nghề truyền thống của làng. Nhiều gia đình đã có 2, 3 đời nối tiếp nhau làm nghề này. Từ chiếc thuyền đóng bằng gỗ và sắt nhỏ trước đây, những năm qua bà con chuyển sang đóng tàu, thuyền có tải trọng hàng trăm tấn, vận chuyển nhiều mặt hàng như cát, sỏi, than, xi măng… đi các tỉnh thành như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… Trong năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận chuyển của bà con trong thôn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, công việc đã dần trở lại bình thường. Nhờ vào lợi thế trên bến dưới thuyền mà còn có thêm nhiều dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Một số người sống bằng nghề đánh bắt tôm, cá từ 2 dòng sông chảy qua địa bàn. Từ những năm 1990, một số hộ dân trong thôn đã lập bến bãi kinh doanh, ban đầu chỉ là những hộ kinh doanh, sau phát triển thành những công ty, doanh nghiệp vận tải, bến bãi. Đến nay đời sống người dân trong thôn đều có cuộc sống khá giả, cả thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, phấn đấu đến hết năm 2022 thực hiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Trần Hoa Vinh giới thiệu về tàu thuyền của bà con trong thôn.

Căn cứ vào tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Vĩnh Tường đã quy hoạch địa bàn Việt Xuân thành cụm công nghiệp làng nghề vận tải, cơ khí. Đến nay toàn xã có khoảng hơn 100 tàu thuyền các loại, có tải trọng bình quân 550 tấn/ 1 phương tiện, thu hút khoảng 500 lao động, cho thu nhập bình quân từ 12 đến 15 triệu đồng/ người/ tháng. Toàn xã có 6 doanh nghiệp vận tải thủy và hoạt động bến bãi, trạm trộn bê tông, trong khu vực được quy hoạch. Làng nghề cơ khí vận tải thuỷ Việt An được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận từ năm 2009. Những năm trước lúc bị đại dịch Covid-19, làng nghề vận tải thủy và cơ khí của 2 thôn Việt An và Việt Hưng phát triển rất mạnh. Các bến bãi hoạt động tấp nập, nhộn nhịp từ sáng đến chiều. Sau một thời gian dài trầm lắng, nay các hoạt động đã trở lại bình thường, số tàu thuyền của bà con đã đi chở hàng hết nên neo đậu tại bãi rất vắng vẻ. Ngoài làng nghề vận tải ở thôn Việt An, nghề cơ khí thôn Việt Hưng còn có làng nghề gói bánh chưng ở thôn Diệm Xuân. Với lợi thế về giao thông đường thủy và đường bộ, nhiều người dân địa phương đã phát triển kinh tế rất mạnh, đến nay toàn xã không còn nhà tranh vách đất. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo của huyện Vĩnh Tường là 1,53% so với số hộ dân thì xã Việt Xuân chỉ còn 1,11%. Năm 2015, toàn xã Việt Xuân có 30 hộ nghèo thì nay chỉ còn 16 hộ; thu hập bình quân đầu người 29 triệu đồng, năm 2021 đạt 55 triệu đồng/ người/ năm. Gần 100% hộ dân có nhà kiên cố, phương tiện xe máy, 20% có ô tô, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hữu Mậu, Chủ tịch UBND xã Việt Xuân cho biết: Từ nhiều năm qua, với tiềm năng, lợi thế “Nhị cận giang” nhân dân địa phương của 2 thôn Việt An và Việt Hưng đã tận dụng ưu thế của các dòng sông chảy qua để phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều người từ khó khăn, thiếu thốn nay đã có cuộc sống no đủ, khá giả; một số người từ chỗ không có công ăn việc làm nay đã biết khai thác lợi ích từ vận tải thủy để làm giàu, tạo công ăn việc làm cho nhiều người trong và ngoài xã. Dân giàu thì nước mạnh. Khi địa phương cần ủng hộ, quyên góp phục vụ công tác xã hội, từ thiện hay phòng chống dịch Covid-19, người dân và các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn rất nhiệt tình. Để phát triển bền vững nghề vận tải thủy rất mong các cấp quan tâm, sớm đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Việt Xuân để tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

 

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.