Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 09:40:45

Văn hóa dân tộc Dao hội tụ và tỏa sáng

Ngày đăng: 02/10/2017

Trong cái nắng hanh hao của mùa thu Tây Bắc, chúng tôi tìm về Tuyên Quang, mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi được lựa chọn đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hoá dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất. Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Dao trong thời kỳ đổi mới – hội nhập và phát triển bền vững đất nước”, đây là lần đầu tiên giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao được tôn vinh trong nền văn hoá thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (Khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. 12 tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống đã hội tụ về đây, cùng nhau dệt nên một bức tranh văn hóa dân tộc Dao đầy màu sắc và cảm xúc.

Đồng bào dân tộc Dao 12 tỉnh hòa nhịp trong chương trình nghệ thuật khai mạc.

Chúng tôi được hòa mình vào bầu không khí sôi động và những sắc màu văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao với những hoạt động phong phú như Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục nữ truyền thống dân tộc Dao; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc Dao; Trưng bày, triển lãm “Sắc màu văn hóa dân tộc Dao”; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc Dao; Thi đấu một số môn thể thao và trò chơi dân gian của dân tộc Dao; Hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao”…

Trong chương trình nghệ thuật đêm khai mạc, gần 1000 nghệ nhân, diễn viên nghệ thuật quần chúng, vận động viên là người dân tộc Dao của 12 tỉnh đã mang đến Ngày hội những tiết mục ca múa, đồng diễn ấn tượng, tái hiện lại nguồn gốc lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Dao. Những giai điệu dân ca, dân vũ say đắm lòng người, những âm thanh đặc sắc của tiếng trống, tiếng kèn Pí lè, tiếng chuông nhạc và tiếng sáo gọi bạn của các đôi trai gái hòa với ánh đèn lung linh sắc màu. Tất cả đã tạo nên một không gian âm nhạc vui tươi, thắm tình đoàn kết. Những cô gái, chàng trai dù ở các địa phương khác nhau dù ở các nhánh Dao khác nhau nhưng bằng lời ca tiếng hát, bằng sợi dây văn hóa và tinh thần giao lưu, học hỏi đã xóa nhòa khoảng cách vùng miền giữa những người lần đầu gặp gỡ. Ngày hội chính là chiếc cầu nối làm gần hơn khoảng cách, không gian địa lý, thấu hiểu hơn tình cảm, gắn chặt hơn tình đoàn kết của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và đồng bào trong cộng đồng 54 dân tộc anh em nói chung. Chị Hoàng Thị Thơm, dân tộc Dao Coóc Mùn đến từ xã Trung Yên huyện Sơn Dương, Tuyên Quang hào hứng chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được gặp và biết đến rất nhiều nhánh khác của dân tộc Dao đến thế. Chúng tôi đã cùng nhau nói chuyện, múa hát và hiểu thêm về văn hóa của nhau. Tôi thực sự rất vui khi được về tham gia Ngày hội này.

Hình ảnh các thiếu nữ người Dao duyên dáng trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ không khỏi làm chúng tôi không thể rời mắt. Trang phục truyền thống của người Dao rất đa dạng, được thuê thùa, trang trí hoa văn, họa tiết cầu kỳ, tinh sảo mang sắc thái của vẻ đẹp thiên nhiên. Đặc biệt trang phục của người phụ nữ Dao chính là dấu hiệu để phân biệt giữa các nhóm Dao khác nhau. Tộc người Dao đỏ đội khăn đỏ, đeo những bông hoa đỏ trước ngực; Dao quần chẹt mặc quần ống hẹp bó sát vào chân; Dao quần trắng nổi bật là yếm rất to che kín cả ngực và bụng, ngày cưới cô dâu mặc quần trắng… Các loại trang sức như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai… đều được làm từ nguyên liệu bạc, trạm khắc rất cầu kỳ, tinh xảo làm nên vẻ đẹp duyên dáng và sức hấp dẫn của người phụ nữ Dao.

 Trong khuôn khổ Ngày hội, chúng tôi còn được đắm mình vào không gian lễ hội đặc sắc gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong Nghi lễ Cấp Sắc, Lễ cưới, Lễ cúng Bàn Vương, lễ Tết nhảy… Các nghi lễ trên được sân khấu hóa qua các điệu múa, lời răn. Tất cả đã trở thành giá trị văn hóa chuẩn mực trong đời sống tinh thần và giá trị thẩm mỹ của mọi đồng bào dân tộc Dao. Các nghi lễ chứa đựng trong đó sự đa dạng, các giá trị văn hóa lâu đời đã được chắt lọc, kết tinh qua nhiều thế hệ người Dao, là những di sản vô giá trong nền văn hóa Việt Nam đa hương sắc.

Trích đoạn nghi lễ cấp sắc của người Dao tỉnh Vĩnh Phúc.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, ngày hội được tổ chức đúng vào dịp Lễ hội thành Tuyên của tỉnh Tuyên Quang càng nhân lên giá trị sức sống nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Dao trong sự đa dạng của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là dịp giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, quảng bá giới thiệu về dân tộc Dao mà còn là dịp có thêm những nghiên cứu, hoạt động thiết thực góp phần định hướng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thông qua việc tổ chức Hội Thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Dao”.

Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất đã kết thúc tốt đẹp. Đây là ngày hội chung của một miền di sản có sức sống mãnh liệt bền vững với những giá trị độc đáo được chắt lọc từ bao đời. Ngày hội khiến chúng ta cảm nhận được sự đa dạng của sắc màu văn hóa. Đồng thời ý thức rõ hơn những giá trị văn hóa phi vật thể, giá trị truyền thống chỉ có ở đồng bào dân tộc Dao.

Bài, ảnh: KIỀU THANH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.