Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 11:25:23

Vạch trần mưu đồ vu cáo quyền tự do báo chí ở Việt Nam

Ngày đăng: 07/06/2022

QK2 – Những năm gần đây, cứ vào dịp Ngày Tự do báo chí thế giới (3/5) hoặc vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), trên nhiều trang mạng phản động lại xuất hiện những đánh giá sai lệch, xuyên tạc thực tế tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam. Đặc biệt sau khi cái gọi là Tổ chức Phóng viên không biên giới công bố Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2022 nhân Ngày Tự do Báo chí thế giới (3/5), thì các đối tượng phản động và bè lũ chống phá lại tung hứng những giọng điệu loạn ngôn, quy chụp, thiếu khách quan với ý đồ đen tối nhằm vu cáo quyền tự do báo chí ở Việt Nam, chúng cho rằng: “Việt Nam không có tự do báo chí và tự do tư tưởng”, “Việt Nam trở thành nhà tù lớn thứ ba thế giới về tự do báo chí”… Vậy đâu là sự thật xung quanh vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam?

Đội ngũ những người làm báo Việt Nam ngày nay luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong đấu tranh, tuyên truyền trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM LUÔN ĐƯỢC TÔN TRỌNG

Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng quyền “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” và trên thực tế, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người dân. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Bên cạnh những quyền được luật hóa trong Hiến pháp và luật pháp, số lượng các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong cả nước ngày càng tăng cao. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo; 612 tạp chí; 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Hầu hết các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội đều có báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử. Hiện nay, cả nước có hơn 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, với hơn 21.000 người được cấp thẻ nhà báo. Công nghệ thông tin và mạng xã hội đã và đang được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sinh hoạt của người dân với khoảng 70% dân số sử dụng Internet và điện thoại di động có kết nối 3G và 4G… Đó là minh chứng cụ thể khẳng định những thành thành tựu to lớn, đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.

Trong thời gian qua, việc bắt giữ, xét xử những đối tượng có hoạt động lợi dụng vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật như Phạm Thị Đoan Trang, Lê Trọng Hùng, Phạm Chí Dũng… mà họ gọi là “nhà báo độc lập”, “nhà báo công dân”, “nhà báo tự do” là đúng người, đúng tội. Những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các đối tượng mượn danh nhà báo trên là hành vi vi phạm pháp luật, gây bất ổn định xã hội, đi ngược lại với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, của dân tộc. Như vậy, tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được pháp luật đảm bảo theo đúng thông lệ quốc tế. Đội ngũ những người làm báo Việt Nam rất hùng hậu và luôn hàng ngày, hàng giờ bám sát, phản ánh chân thực tình hình thực tiễn đất nước và quốc tế để cung cấp thông tin chính thống, khách quan, thời sự cho đông đảo nhân dân. Những thông tin trên hẳn đã là câu trả lời rõ ràng cho một tổ chức bù nhìn như Tổ chức Phóng viên không biên giới!

ĐẢNG LÃNH ĐẠO BÁO CHÍ CÁCH MẠNG LÀ TẤT YẾU

Thực tế cho thấy, từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan. Kế thừa, phát triển quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin về báo chí vô sản, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Theo Người, muốn đóng góp tích cực vào công cuộc phấn đấu cho mục tiêu cao cả của dân tộc, thì báo chí phải tự giác phục tùng và tranh thủ tối đa sự lãnh đạo của Đảng; điều đó đảm bảo cho báo chí hoàn thành sứ mệnh của mình và bản thân Đảng càng trưởng thành hơn trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Người cũng yêu cầu: Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Bởi vậy, sự thật về quyền tự do báo chí tại Việt Nam là không thể phủ nhận, xuyên tạc. Đặc biệt, hiện nay trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích báo giới tham gia và hơn nữa còn xem đây là một lực lượng chống tham nhũng có hiệu quả. Vì vậy mà nhiều vụ việc tham nhũng gần đây bị điều tra, xử lý cũng có phần phát hiện, đóng góp rất quan trọng của báo giới…

Trong thời đại hiện nay, báo chí chỉ đúng về chính trị khi được lãnh đạo bởi một đảng đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân, gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân và phục vụ đại đa số nhân dân. Đây là những điều căn bản nhất để so sánh nền báo chí cách mạng, nhà báo cách mạng với nền báo chí tư sản, nhà báo của chế độ tư sản. Và như vậy, một người nếu mang danh nhà báo mà không phục vụ Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân dân thì sẽ không xứng đáng nói lên tiếng nói của quảng đại quần chúng nhân dân hoặc chỉ là “bù nhìn”, “tượng phỗng” để các thế lực cơ hội, thù địch giật dây, điều khiển. Hẳn những người muốn hô hào về “tự do báo chí”, những “nhà báo dân chủ Phương Tây” đã rõ về vấn đề này!

CÔNG DŨNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.