Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 05:20:13

Tưởng nhớ Hoàng Chè – Người Nghệ sĩ của quân và dân Tây Bắc

Ngày đăng: 16/05/2018

QK2 – Cách đây chừng sáu năm, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nghệ sĩ Hoàng Chè tổ chức liveshow riêng đầy ấn tượng kỷ niệm 45 năm cống hiến cho nghệ thuật cách mạng. Buổi biểu diễn ca nhạc xúc động khán giả bởi cùng lúc xuất hiện một dàn đồng ca nghệ sĩ tên tuổi, bên cạnh Hoàng Chè là Minh Đức, Quang Thọ, Doãn Tần và Quang Huy. “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” ấy cất lên những giai điệu lãng mạn, trầm hùng của “Tình yêu Điện Biên”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Đất nước trọn niềm vui”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”… của sự cộng hưởng từ 5 gương mặt nghệ sĩ, chiến sĩ tuổi gần “thất thập cổ lai hy” đã đưa khán giả trở lại tái hiện sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Chè lớn lên cùng đất nước.

Đại tá, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Chè.

Mới đó mà đã hơn sáu năm nhưng sự kiện âm nhạc đó trở thành dấu mốc đáng nhớ, từng là niềm mơ ước trong cuộc đời nghệ sĩ, chiến sĩ Hoàng Chè, không dễ gì tổ chức được. Bước sang năm 2018, người nghệ sĩ ấy bước sang tuổi bảy mươi và hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc của Quân đội và đất nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cho Đại tá Hoàng Chè (năm 2015).

Những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, khi đang là một cậu học sinh phổ thông, Hoàng Chè đã xung phong vào bộ đội. Môi trường để bộc lộ năng khiếu ca hát của Hoàng Chè chính là cái nôi Đoàn Văn công Trường Sơn, rồi Đoàn Văn công Quân giải phóng, tiền thân của Đoàn nghệ thuật mà sau này, anh có 15 năm giữ cương vị đoàn trưởng. Anh từng có mặt ở những nơi ác liệt vùng tuyến lửa, dọc dải Trường Sơn phục vụ đồng bào, chiến sĩ.  Khí thế “tiếng hát át tiếng bom” kích thích nhiệt huyết ca hát; vất vả, gian truân của cuộc chiến tôi luyện bản lĩnh can trường cho người nghệ sĩ ấy. Và may mắn hơn nhiều người, anh trở về từ cuộc chiến lành lặn để bước vào Trường Âm nhạc quốc gia (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia) học tập, rồi trở lại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 công tác.

Đoàn trưởng Hoàng Chè và cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 2 thăm và biểu diễn tại Sư đoàn 3 Quân đội nhân dân Lào (năm 2002).

Đại tá, Nhạc sĩ, NSND Trần Viết Thân, Đoàn trưởng Đoàn Văn công Quân khu 2 bùi ngùi nhớ về những năm tháng công tác cùng người anh, người đồng nghiệp, người lãnh đạo tiền nhiệm ấy. Một thời gian dài, Hoàng Chè vừa là ca sĩ chính của đoàn, vừa được cử giữ các chức vụ Đội phó, rồi Đội trưởng Đội ca, Đoàn phó cho Nhạc sĩ Thuận Yến, rồi Đoàn trưởng Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2. Ở cương vị nào, Hoàng Chè cũng thể hiện là người đầy bản lĩnh, kinh nghiệm, vừa là xương sống, chủ chốt định hướng cho đoàn sáng tác và biểu diễn, vừa chung vai gánh vác cùng lãnh đạo và nghệ sĩ, diễn viên của đoàn vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Đoàn trường Hoàng Chè và đội xung kích Đoàn Văn công Quân khu khu thăm, biểu diễn phục vụ quân và dân Quần đảo Trường Sa (năm 1996).

Những chuyến công tác dài ngày ở địa bàn biên giới các tỉnh Tây Bắc: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, đến đâu, Đoàn Văn công Quân khu 2 cùng Nghệ sĩ Hoàng Chè cũng được bộ đội và nhân dân đón nhận. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 xây dựng đư­ợc nhiều chương trình nghệ thuật chất lư­ợng cao, mang màu sắc riêng của quân và dân Tây Bắc. Có những chuyến đi kéo dài, Đoàn đã bám sát các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu ở nơi ác liệt, vừa luyện tập chương trình, vừa biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Hoàng Chè vẫn luôn sát cánh, động viên nghệ sĩ bám trận địa, cùng ăn, cùng ở và hát cùng bộ đội. Những ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng”, “Làng lính chúng tôi”, “Chiều biên giới”, Hà Giang quê hư­ơng tôi”, “Tình yêu Điện Biên”, “Đư­ờng lên Tây Bắc”… dường như gắn với giọng ca Hoàng Chè, kịp thời động viên bộ đội vượt qua thiếu thốn, sưởi ấm lòng chiến sĩ đẩy lùi giá lạnh biên cương.

Cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Quân khu tặng hoa chúc mừng Đại tá Hoàng Chè, nguyên Đoàn trưởng và các đồng chí vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú (năm 2015).

Đặc biệt, anh Hoàng Chè đến phục vụ đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc, nhiều đồng bào, chiến sĩ vẫn lầm tưởng anh là người con của đồng bào bởi thân thiết, gần gũi quá. Trải qua tháng, qua năm, Hoàng Chè cùng các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn đã đi khắp mọi nẻo đường Tây Bắc, sang đất Bạn Lào phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Vì thế, bên cạnh một Hoàng Chè với những ca khúc hào sảng về Điện Biên, về Trường Sơn, Tây Nguyên và Trường Sa cùng giai điệu tự hào về đất nước, những ca khúc chất lính vui nhộn “Anh quân bưu vui tính”, “Tôi là Lê Anh Nuôi”, khán giả còn biết đến một Hoàng Chè của núi rừng, của bà con và chiến sĩ Tây Bắc, của những giai điệu: “Bài ca trên núi”, “Thơ tình của núi”, “Điều chưa thấy trong văn tự người Dao”, “Mùa xuân xuống chợ”, “Cô gái Sầm Nưa”, “Sông Lô chiều cuối năm” hay “Lính trẻ hành quân” đầy chất dân gian Tây Bắc.

Không chỉ thế, suốt mấy chục năm công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 2, Nghệ sĩ Hoàng Chè cùng các nghệ sĩ, diễn viên luôn gắn bó với các hoạt động văn hóa nghệ thuật của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc địa bàn Quân khu 2, chỉ đạo, định hướng chuyên môn và là chỗ dựa cho phong trào quần chúng phát triển.

Đại tá Trần Viết Thân chia sẻ, những năm tháng công tác cùng anh Hoàng Chè cũng là lúc Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 gặp nhiều khó khăn, nhưng khó nhất là thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí. Tuy nhiên, Hoàng Chè luôn cùng lãnh đạo Đoàn động viên anh em cùng nhau bươn chải, vượt khó khăn, tự lực cánh sinh để sáng tác, luyện tập và biểu diễn, hoàn thành nhiệm vụ. Đoàn đã tiếp nối xứng đáng truyền thống của Đoàn Văn công Giải phóng Trường Sơn năm xưa. Với nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn, Hoàng Chè luôn dành tình cảm, chỉ bảo nghề nghiệp, động viên, giúp đỡ đầy tâm huyết. Vì thế, trong suốt quá trình công tác cũng như những chuyến biểu diễn, ngoài tình đồng đội, đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới, đa số nghệ sĩ diễn và nhân viên trẻ của đoàn trìu mến, gọi Hoàng Chè là “bố”, xưng “con” gần gũi, như trong một gia đình nghệ thuật.

Hơn 10 năm nghỉ hưu, tiếng hát nghệ sĩ Hoàng Chè vẫn đều đặn vang lên, lúc cùng các nghệ sĩ học trò anh từng rèn luyện, chỉ dẫn, khi trên cương vị là Giám đốc Nhà Văn hóa Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội. Anh và thế hệ nghệ sĩ cùng thời mặc áo lính vẫn thường rong ruổi biểu diễn đó đây, hướng dẫn các câu lạc bộ khác luyện tập.

Đại tá Trần Văn Tuấn, giữ chức Chính trị viên Đoàn Văn công Quân khu cùng Đoàn trưởng Hoàng Chè một năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu chia sẻ, anh Hoàng Chè rất tình cảm và tôn trọng đồng nghiệp, cấp dưới, luôn trao đổi công việc, cái gì không nên không phải anh trao đổi thẳng thắn, không để bụng ai bao giờ. Những năm cuối đời, dù bị bạo bệnh nhưng tinh thần người nghệ sĩ ấy vẫn luôn vươn lên, lạc quan, yêu đời.

Người Nghệ sĩ – Chiến sĩ ấy đã ra đi, để lại bao tiếc nhớ cho đồng đội, đồng nghiệp, học trò và khán giả. Xin thắp nén tâm nhang kính cẩn vĩnh biệt Anh. Trong trái tim đồng bào, chiến sĩ Tây Bắc vẫn luôn có giọng hát của Anh – Người Nghệ sĩ của quân, dân Tây Bắc.

 

Đại tá NSND Hoàng Chè sinh năm 1948. Quê quán xã Đông Ngạc – Từ Liêm – Hà Nội. Đoàn Trưởng Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 (nay là Đoàn Văn công Quân khu 2) từ 1993-2007. Huân chương CSVV hạng Nhất – Nhì – Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Nghệ sĩ Hoàng Chè được phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 2015.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.