Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 06:35:44

Tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn cùng dân tộc

Ngày đăng: 19/05/2023

QK2 – Những ngày tháng 5 lịch sử này, chúng ta lại hân hoan nghĩ về Bác nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890 – 19/5/2023) – Vị lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới của dân tộc Việt Nam. Với tất cả sự tin tưởng, ngưỡng mộ, lòng thành kính, biết ơn sâu sắc, chúng ta không quên nhìn lại và suy ngẫm về hành trình của Bác đến với chủ nghĩa Mác-Lênin – Thứ “vũ khí” quan trọng để phản bác lại những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người tại căn cứ địa Việt Bắc (năm 1951). Ảnh Tư liệu

Cách đây 112 năm, với khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tresville, bắt đầu chuyến hành trình tìm đường cứu nước kéo dài suốt 30 năm, để rồi sau đó mang về ánh sáng tự do cho dân tộc ta. Mặc dù từ nửa cuối thế kỷ XIX, nước ta bị thực dân Pháp xâm lược và thống trị, các thế hệ người Việt Nam đã nối tiếp nhau đứng lên đấu tranh, đánh đuổi quân xâm lược. Nhưng do chưa có đường lối cách mạng đúng đắn nên các phong trào đấu tranh, các cuộc khởi nghĩa yêu nước lần lượt bị thất bại, phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân bị dìm trong biển máu; trong đó có nhiều nhà yêu nước lừng danh, như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can… đã đứng lên đấu tranh nhưng kết cục đều bị thất bại. Trước cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân lao động dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến tay sai, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước, với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc năm 1920. Ảnh tư liệu.

Ngày 5/6/1911, với hành trang là lòng yêu nước nồng nàn, tình thương yêu nhân dân sâu sắc và khát vọng độc lập cho Tổ quốc, tự do cho Nhân dân, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Điểm đến đầu tiên trong hành trình của Người là Châu Âu – Nơi sào huyệt của chủ nghĩa đế quốc, thực dân để tìm đường cứu nước, cứu dân. Đi đến đâu Người cũng thấy cảnh giai cấp công nhân bị bóc lột thậm tệ, nhiều dân tộc bị thực dân, đế quốc thống trị hết sức hà khắc, dã man. Trải qua cuộc sống lao động, học tập, nghiên cứu lý luận, nhất là qua hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú ở ngay trong lòng các nước tư bản chủ nghĩa, Người đã nhận thấy vấn đề giải phóng dân tộc và quyền con người là nhu cầu cấp thiết không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn là của tất cả các dân tộc thuộc địa và nhân dân bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới. Người khẳng định, Việt Nam không thể đi theo khuynh hướng dân chủ tư sản và chỉ rõ: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”.

Năm 1920, được coi là dấu mốc quan trọng trong hành trình cứu nước của Nguyễn Ái Quốc khi Người bắt gặp bản sơ thảo lần thứ nhất “Đề cương vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin. Đọc xong Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”; “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Từ đó, Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước để chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam – Nhân tố cơ bản, quyết định đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Thực tiễn lịch sử hơn 90 năm qua đã chứng minh, cách mạng vô sản là con đường cách mạng phù hợp nhất với yêu cầu của dân tộc Việt Nam; đồng thời đó cũng là cuộc cách mạng phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới – Thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại luôn tìm cách ra sức chống phá cách mạng nước ta với chủ đích phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Chúng cho rằng, học thuyết Mác-Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XX và trong một chừng mực nào đó nó cũng phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở các nước phương Tây thời đó. Và cho rằng, lý luận này không còn phù hợp ở thế kỷ XXI, nhất là khi Việt Nam đã tham gia hội nhập quốc tế thì chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên CNXH là “lạc đường”, đi ngược lại sự phát triển của nhân loại.

Thực tiễn đã chứng minh, dù các thế lực thù địch có dùng trăm phương, nghìn kế với những mưu đồ đen tối để xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam, song con đường phát triển đi lên CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra cho dân tộc luôn mãi là khát vọng của mọi thế hệ và là tương lai của xã hội loài người, bởi nó hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển và sự tiến hóa của lịch sử.

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh nhật Bác năm nay là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhìn lại, tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ, trân trọng và biết ơn những công lao trời bể của Bác đối với dân tộc ta, đất nước ta – Người đã hy sinh trọn cuộc đời mình cho dân tộc. Đây cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ, khắc ghi và tri ân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; khẳng định chân lý, giá trị, sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và trong công cuộc hội nhập, phát triển đất nước ngày nay.

SƠN CA

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.