Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 09:34:03

Nâng cao chất lượng thảo luận dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 09/10/2019

QK2 – Một trong những yêu cầu căn cốt trong Chỉ thị Số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra, đó là: “Lãnh đạo tổ chức thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ cấp trên”. Để thực hiện tốt yêu cầu này, không thể không quán triệt và vận dụng những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng.

Bài 1: Từ những chỉ dẫn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Mục đích thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng là gì? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là dịp để đảng viên rèn luyện chính trị; tức là rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, khả năng hoạch định đường lối chính trị của Đảng; do đó, trong bài Một cách thảo luận dự thảo điều lệ Đảng đăng trên Báo Nhân dân, số 2207, ngày 3-4-1960, Người khẳng định: “Đảng ta đang phấn khởi chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ III. Tất cả các chi bộ đang sôi nổi bàn bạc dự thảo Điều lệ Đảng. Đây là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rất rộng khắp cho toàn Đảng. Cho nên tất cả đảng viên (cũ cũng như mới) cần phải hăng hái tham gia thảo luận” (1). Về vấn đề này, trong Bài nói tại Đại hội Đảng bộ các cơ quan chính, dân, đảng Trung ương, Người khẳng định mục đích của thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng không gì khác hơn là để đảng viên và tổ chức Đảng tiến bộ: “Thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng là một dịp học tập tiến bộ. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ cần căn cứ vào những văn kiện đó, liên hệ với công tác thực tế của mình, để nâng cao tư tưởng, ý thức tổ chức và kỷ luật, đồng thời đẩy mạnh công tác tiến bộ hơn nữa” (2).

Ngày 5/9/1960, Đảng Lao động họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà” . Ảnh: Tư liệu

Hơn nữa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng là “lửa thử vàng” tư cách người cách mạng hay không cách mạng. Do đó, trong tác phẩm “Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng”, Người giải thích: “Tư tưởng và ý thức của đảng viên cách mạng không phải là cái gì mơ hồ không sờ mó được. Nó tỏ rõ trong cách làm việc, trong cách xem xét và bàn bạc các vấn đề, trong hành động, kế hoạch, phương châm của ta. Nó đặc biệt tỏ rõ trong sự xem xét, bàn bạc, hành động của ta đối với các vấn đề quan trọng của những cuộc đấu tranh chính trị. Vì vậy, xem thái độ và lập trường của mọi người đối với những vấn đề căn bản trong cuộc đấu tranh chính trị, xem cách bàn bạc hành động, xem kế hoạch, phương châm của họ đối với những vấn đề ấy, thì ta biết rõ họ đại biểu cho tư tưởng, quan điểm, mong muốn, và lợi ích của giai cấp nào” (3).

Thảo luận như thế nào? Trước hết, đối với báo cáo chính trị (dự thảo nghị quyết), theo Chủ tịch Hồ Minh, khi thảo luận  phải tập trung vào những nhiệm vụ chính trị trung tâm và cấp bách của địa phương, đơn vị mình; đồng thời, phải có tinh thần quyết tâm cao, thảo luận cho kỳ được. Do đó, trong “Thư gửi Đại hội Đảng liên khu Việt Bắc” ngày 15 tháng 5 năm 1951, Người viết: “Hiện nay những vấn đề cấp bách nhất là: 1- Thiếu lương thực từ nay đến vụ chiêm, đặc biệt cho bộ đội… 2- Việc tạm vay thóc chiêm… 3- Vấn đề thuế nông nghiệp… Đại hội Đảng Liên khu cần phải thảo luận kỹ 3 điểm này và quyết định kế hoạch để thi hành cho thiết thực và hợp lý, cho được việc và dân khỏi than phiền. Kế hoạch ấy phải báo cáo lên Trung ương ngay. Dù Đại hội đã định ngày bế mạc, thì cũng phải hoãn ngày bế mạc, để bàn cho xong 3 vấn đề này” (4).

Thứ hai, đối với Điều lệ Đảng, Người yêu cầu mỗi đảng viên phải nghiên cứu kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng để thấy những điểm hợp lý và chưa hợp lý của của dự thảo; một mặt, phải liên hệ chặt chẽ việc thực hiện Điều lệ Đảng ở chi bộ, đảng bộ mình. Mặt khác, phải nêu cao tinh thần tự phê bình, chủ động khắc phục những khuyết điểm gắn với tích cực trau dồi phẩm chất và đạo đức cách mạng của người đảng viên, góp phần xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh. Về yêu cầu cao này, Người đặt ra câu hỏi và giải thích rất rõ ràng: “Thảo luận thế nào cho có kết quả tốt? Theo ý tôi thì một cách tốt nhất là: Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi một đồng chí phải liên hệ đúng đắn Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng. Phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình, sửa chữa những khuyết điểm để củng cố tốt chi bộ và để rèn luyện mình trở thành người đảng viên tốt” (5).

Thứ ba, nội dung thảo luận tại Đại hội phải thiết thực, nghị quyết phải ngắn ngọn, dễ triển khai và hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo cao để nghị quyết Đại hội Đảng sớm đi vào cuộc sống. Vì thế, trong Bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc ngày 16-7-1963, Người kết luận: “Đại hội cần bàn bạc nêu những vấn đề thiết thực, nêu những biện pháp thiết thực. Làm được những việc ấy là Đại hội đã thành công. Không phải nghị quyết cho nhiều, khẩu hiệu cho dài là tốt. Phải làm được những điều mà Trung ương Đảng đã nêu. Làm được bao nhiêu thành công bấy nhiêu. Làm được nhiều thành công nhiều, làm được vừa thành công vừa, làm được ít thành công ít” (6).

CAO XUÂN PHÚ- HÀ SƠN THÁI

(1) (2) (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.543; tr.613; tr.543

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.291-292

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.79

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr.137

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.