Thứ hai Ngày 29 Tháng 05 Năm 2023, 09:23:59

Truyền thống giữ rừng của người Hà Nhì ở Y Tý

Ngày đăng: 18/05/2021

Kỳ 2: Phạt nặng người xâm hại rừng

QK2 – Luật tục của người Hà Nhì ở Y Tý quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều bị xử phạt nặng, bất kể người đó là ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, công việc. Người Hà Nhì đã ban hành hương ước, ai mà tự ý chặt cây, săn bắt muông thú trong rừng hoặc thấy rừng bị cháy mà thờ ơ, không dập lửa, không thông báo kịp thời cho dân làng biết để cứu rừng sẽ bị phạt rất nặng. Một lần vi phạm sẽ bị phạt 36 cân thịt lợn, 36 cân gạo, 36 lít rượu và phải làm cơm mời bà con. Mặt khác còn bị phê bình, nêu tên trong các buổi sinh hoạt, hội họp trong 3 năm liền. Bên cạnh đó, mỗi cặp đôi uyên ương trước ngày cưới đều phải tự trồng một cây vào bìa rừng để rừng nảy nở sinh sôi, có sự chứng kiến của trưởng bản.

Cán bộ Đội SX số 3, Đoàn KT-QP 345 vui văn nghệ cùng đồng bào dân tộc Hà Nhì tại bìa rừng già nguyên sinh.

 Trưởng bản Mờ Phú Chải, xã Y Tý Pà Ta Có kể, trước đây khi tỉnh quyết định mở đường ô tô từ xã Dền Sáng lên Ý Tý, nhiều phương án đã được đặt ra để tránh đụng vào rừng cấm, nhưng không có cách nào khác, vì bốn bề vách đá dựng đứng, chỉ có đi xuyên giữa. Ðồng chí Bí thư Ðảng ủy xã lúc bấy giờ là người dân tộc Hà Nhì đã thay mặt bà con dân bản cam kết rằng chỉ khai thác, làm đường theo đúng thiết kế, sẽ giữ được rừng nguyên vẹn,  không được xâm hại cây cối ngoài phạm vi nền đường. Có lần, một người dân đi thăm, biết công nhân của đơn vị thi công chặt mất cây sơn tra đang cho quả ở đầu bản Dì Thàng, lập tức trưởng bản và một số đại diện gia đình đến ngay hiện trường yêu cầu người đã chặt cây phải đi tìm giống, trồng lại đủ 10 cây sơn tra mới vào vị trí cũ, nộp  36 lít rượu, 36 cân thịt lợn và 36 cân gạo để bản cúng tạ tội thần rừng xin được tha thứ.

Sau khi được thông báo, anh công nhân trót chặt cây kia nộp đủ thịt, rượu nhưng xin miễn được trồng cây, vì không biết tìm đâu ra cây giống sơn tra. Không nói không rằng, trưởng bản liền cử một thanh niên dẫn anh công nhân phạm lỗi kia đi "loanh quanh" đúng nửa ngày đến sưng gối, rộp da bàn chân, rồi cuối cùng cũng tìm được đúng cây sơn tra và phải trồng lại vào chỗ cây đã chặt hạ. Luật tục người Hà Nhì quy định, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều phải trồng lại đúng loài cây đã chặt phá. Chúng tôi nghĩ đó là một luật tục rất độc đáo và nhân văn, chính những bài học nghiêm khắc như thế, đã tạo nên "tấm áo giáp" trong ý thức bảo vệ rừng của người Hà Nhì.

Gắn bó với mảnh đất biên cương này đã nhiều năm nên Trung tá Cao Trần Cử, Đội trưởng Đội Sản xuất số 3, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 345 hiểu rõ luật tục giữ rừng của đồng bào Hà Nhì. Anh Cử cho biết: “Nếu cần gỗ để làm nhà, các hộ dân đó phải xin phép kiểm lâm thôn. Kiểm lâm thôn báo cáo già làng, trưởng thôn. Anh đăng ký xin khai thác 4 cây thì chỉ được chặt đúng 4 cây ở khu rừng được phép khai thác. Thậm chí có nơi còn quy định rõ, làm một ngôi nhà tối đa là 15 cây và không được chọn cây quá lớn, không được chặt hạ bừa bãi. Mỗi khi chặt hạ một cây to thì phải trồng một cây con bên cạnh cái cây vừa bật gốc. Nếu anh sử dụng sai mục đích thì sẽ bị cấm vĩnh viễn, không bao giờ được vào rừng lấy gỗ làm nhà nữa”.

Theo ông Nghiêm Trọng Tấn, Phụ trách Trạm Kiểm lâm khu vực Dền Sáng, Y Tý, ngành kiểm lâm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng như: Biên phòng, công an, quân sự làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ rừng, bảo vệ rừng gắn với bảo vệ đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nên ở nơi đây gần như bà con không biết khái niệm “lâm tặc” (Chặt phá rừng) là gì, bà con dựa vào rừng sống thanh bình và những nương lúa bậc thang vút tầm mắt.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Y Tý Tráng A Lử cho biết, nhờ kết hợp giữa phong tục tập quán, luật tục dân tộc với quy định của pháp luật, cho nên công tác bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao. Đến nay, đã giao hàng nghìn ha rừng và đất rừng cho 705 hộ khoanh nuôi bảo vệ, được hưởng lợi quy định của Nhà nước. Ngoài diện tích rừng hiện có, mỗi năm người dân đã trồng thêm hàng chục ha rừng, nâng độ che phủ lên hơn 60%. Nhờ có tán rừng già che chở bảo vệ nên nhiều năm qua nơi đây không bị ảnh hưởng của thiên tai, lụt bão

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.