Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 03:38:22

Tính thiết thực của một đề án “vì dân”

Ngày đăng: 23/06/2021

QK2 – Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tham gia xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố QP-AN trong vùng dự án, những năm qua, Đoàn KT-QP 326 đã triển khai thực hiện nhiều mô hình giúp dân đem lại hiệu quả. Trong đó, đề án “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng dự án khu KT-QP Sông Mã” tại địa bàn 15 xã biên giới đặc biệt khó khăn được coi là một trong những đề án “vì dân” có ý nghĩa thiết thực, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Cán bộ Đoàn KT-QP 326 nắm tình hình và vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới ở bản Huổi Luông, xã Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La).

Chúng tôi tới Đoàn KT-QP 326 trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm của tháng sáu, khi lực lượng đi cơ sở làm công tác dân vận của đơn vị vừa trở về sau khi hoàn thành việc trao tặng, lắp đặt, bàn giao 5 chiếc ti vi cùng 5 chiếc loa phát thanh giúp một số hộ nghèo và bản khó khăn tại các xã: Nậm Lạnh, Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (Sơn La) và xã Mường Lói, Na Tông của huyện Điện Biên (Điện Biên). Thượng tá Trần Quốc Trị, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 326 phấn khởi chia sẻ: Thực hiện nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy Đoàn nhiệm kỳ 2020 – 2025 về  đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận bằng những việc làm thiết thực “vì dân”, thời gian qua chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chính trị nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong vùng dự án khu KT-QP Sông Mã”. Với sự khảo sát, đánh giá đúng tình hình, xác định rõ những nội dung, mục tiêu, giải pháp thực hiện cụ thể, sát thực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, đem “ánh sáng” của Đảng đến với đồng bào trong vùng dự án.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Đoàn KT-QP 326 thực hiện nhiệm vụ tại 15 xã biên giới trong vùng dự án, thuộc địa bàn 3 huyện của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên; trong đó, có 12/15 xã đặc biệt khó khăn. Đây là địa bàn chiến lược, có 197,5km đường biên giới giáp với nước Cộng hòa DCND Lào. Kinh tế, văn hóa xã hội phát triển chậm; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm gần 30%. Trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ chiếm gần 14% dân số. Hiện có 34 bản, cụm dân cư chưa có điện lưới quốc gia; độ phủ sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, sóng viễn thông còn yếu; 11 bản chưa có sóng điện thoại. Việc bảo đảm thông tin, báo chí đến các thôn bản còn chậm và khó khăn…. Những vấn đề trên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn. Do vậy, đòi hỏi cần có một mô hình đề án thiết thực, hiệu quả “vì dân” nhằm chia sẻ khó khăn cùng cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương để tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao dân trí, hiểu biết pháp luật, kịp thời nắm bắt những chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội và đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên địa bàn biên giới…

Đại úy Đỗ Viết Mão, Trưởng ban Dân vận Đoàn KT-QP 326 là người trực tiếp cùng một số cán bộ, nhân viên đơn vị nghiên cứu, xây dựng đề án, phấn khởi bày tỏ: Trước đây, khi chưa có đề án, các tổ, đội công tác thường phải chờ kế hoạch phân công nhiệm vụ của Đoàn hoặc ý kiến đề nghị của địa phương… Nhưng từ khi có đề án, các cơ quan, đơn vị đều chủ động nghiên cứu, quán triệt, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đúng với mục đích, ý nghĩa của công tác dân vận. Do đó, các tổ, đội công tác luôn chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Đoàn xây dựng kế hoạch, lựa chọn địa bàn, xác định mục tiêu, thời gian, hình thức, phương pháp tiến hành và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chỉ huy về kết quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tại các cụm xã, bản được giao phụ trách. Đây cũng chính là tiêu chí để Đảng ủy, chỉ huy Đoàn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân và bình xét, khen thưởng cán bộ, đảng viên hằng năm… Qua đó, tạo động lực để mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng dự án.

Để phát huy tính hiệu quả của đề án, các cơ quan, đơn vị trong Đoàn đã chủ động đưa các nội dung về kiến thức pháp luật, khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp và các chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, tôn giáo… vào bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chủ động cập nhật các nội dung tuyên truyền; cử cán bộ, đảng viên tham gia sinh hoạt cùng cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương; trực tiếp làm việc, tiếp xúc với các già làng, trưởng bản và nhân dân để nắm bắt tình hình, kịp thời tuyên truyền, định hướng sát với từng đối tượng. Phát huy hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài trung ương, địa phương và các bản tin cập nhật tình hình phát trên loa phát thanh nội bộ của đơn vị, địa phương… để nâng cao nhận thức, tạo sự đoàn kết, đồng thuận về mọi mặt cho toàn dân.

Thượng tá Trần Quốc Trị, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 326 khẳng định: Đây là một vấn đề không mới nhưng rất toàn diện, cụ thể, thiết thực, có thể áp dụng rộng rãi tại các Đoàn KT-QP và các cơ quan, đơn vị của Quân khu đứng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Thực hiện tốt các nội dung, biện pháp của đề án sẽ góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, giữ vững ANCT- TTATXH, tạo điều kiện để nhân dân ổn định cuộc sống, xây dựng, phát triển kinh tế nơi biên cương của Tổ quốc.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.