Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 01:46:32

Tỉnh táo chấp hành pháp luật, không tiếp tay cho kẻ xấu

Ngày đăng: 06/08/2018

QK2 – Tính đến hết ngày 23-7, đã có 2/4 vụ gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản và chống người thi hành công vụ được tòa án nhân dân các huyện thuộc tỉnh Bình Thuận đưa ra xét xử.

Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết xét xử sơ thẩm 7 bị cáo về tội gây rối trật tự công cộng trước trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận. Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận do bị xúi giục, lôi kéo và quá khích nên đã có hành vi ném đá, ném bom xăng vào lực lượng chức năng bảo vệ trật tự gây ồn ào, hỗn loạn, mất an ninh trật tự tại khu vực này. Có bị cáo còn mang bình ga lớn đến khu vực giữa cầu, đông người rồi mở van ga, chuẩn bị châm lửa đốt thì bị lực lượng công an bắt giữ. Hai trong số các bị cáo khai nhận được một người đàn ông thuê ném đá, bom xăng vào lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ với số tiền từ 200 đến 300 nghìn đồng. Các bị cáo cũng bày tỏ ăn năn hối cải, chỉ vì thiếu suy nghĩ đã vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự của địa phương. Các bị cáo bị tòa tuyên từ 18 đến 30 tháng tù giam.

Ảnh minh họa.

Tiếp đó, Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong sơ thẩm xét xử vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” tại xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong. Theo cáo trạng, trong lúc nhiều người dân đã tụ tập trên quốc lộ 1A, khu vực cầu Nam, xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, một số đối tượng đã la hét, chửi bới, kích động đám đông, phá phách, gây xáo trộn, chặn các phương tiện lưu thông khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng. Một số đối tượng đã sử dụng đá, gạch, gậy… tấn công lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ; đập phá, đốt cháy 2 môtô, 2 ôtô và làm một số chiến sĩ công an bị thương. Tại phiên tòa, 10 bị cáo đã bị Hội đồng xét xử tuyên phạt tổng cộng 27 năm tù giam, nhẹ nhất là 2 năm, nặng nhất là 5 năm 6 tháng.

Nhìn lại các vụ án thấy rằng, rất nhiều người phạm tội bị người không quen biết xúi giục, mua chuộc bằng tiền hoặc đồ ăn; bị kích động bởi mạng xã hội hoặc trực tiếp chứng kiến đám đông tụ tập dẫn đến tâm lý quá khích, a dua mà không biết mục đích chống đối để làm gì. Có đối tượng còn nằm ra đường la lối, cản trở giao thông, chống người thi hành công vụ.

Điều đáng tiếc là các đối tượng này đa số rất trẻ. Rất nhiều người trong hai vụ án đã xét xử sơ thẩm đang còn tuổi học sinh hoặc thanh niên mới lớn, nhận thức, hiểu biết xã hội, pháp luật chưa thực sự đầy đủ, thậm chí không biết hành vi mình gây ra là đã vi phạm pháp luật. Các bị cáo cùng mọi người dân cần nhận thức đầy đủ rằng, những vụ gây rối trật tự ở một số địa phương thời gian gần đây nằm trong âm mưu của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây mất ổn định chính trị, xã hội ở nước ta.

Lợi dụng quá trình Quốc hội xây dựng, thảo luận dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tuyên truyền, xuyên tạc bóp méo sự thật để kích động, tổ chức các hoạt động biểu tình gây rối, chống đối Đảng, chính quyền, gây mất trật tự trị an. Những hành vi quá khích, vi phạm pháp luật của các đối tượng trong các vụ án nêu trên chính là hệ quả của sự thiếu hiểu biết, bị lôi kéo kích động của các phần tử xấu.

Từ vài năm trở lại đây, các thế lực thù địch, phản động liên tục thực hiện âm mưu lợi dụng những sự kiện diễn ra trong nước cũng như tâm lý của nhiều người để kích động tụ tập đông người, biểu tình, gây rối, chống người thi hành công vụ. Điển hình là lợi dụng sự cố môi trường biển Formosa, các thế lực xấu tuyên truyền xuyên tạc nhằm làm cho người dân hiểu không đúng bản chất sự việc, lôi kéo lực lượng chống phá chính quyền. Trước đó từ vụ giàn khoan 981 trên Biển Đông, lợi dụng lòng yêu nước của người dân họ dùng chiêu bài kích động biểu tình, gây rối, đập phá tài sản của cơ quan Nhà nước, đập phá công ty… Khi lực lượng chức năng thi hành công vụ thì chúng quay phim, chụp ảnh tung lên mạng xã hội, các tờ báo thiếu thiện chí và một số tổ chức phản động lại xuyên tạc, cho rằng Việt Nam mất dân chủ, đàn áp nhân quyền, từ đó chúng tuyên truyền đó là hệ quả của “độc đảng lãnh đạo”, đòi xóa bỏ chế độ, phủ nhận thành quả của cách mạng Việt Nam. Tất cả các vụ án xét xử liên quan đến tội danh tuyên truyền chống Nhà nước đều được một số tổ chức, cá nhân tuyên truyền sai sự thật, vu cáo Việt Nam mất dân chủ, mất tự do, bóp nghẹt quyền con người; tạo sức ép với chính phủ một số nước và một số tổ chức quốc tế lên án Việt Nam, đòi Việt Nam “thả tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” hoặc cố tình tôn vinh cho những danh hiệu nào đó mà họ gọi là “nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền”…

Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội gây rối trật tự công cộng quy định: “Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Nếu phạm tội trong các trường hợp: Có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Chính vì những lý do trên, mỗi người cần hết sức tình táo tránh mắc mưu kẻ xấu mà vi phạm pháp luật, tiếp tay cho phản động phá hoại đất nước.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.