Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 06:55:52

Tình quân dân dưới chân núi Mỏ Neo

Ngày đăng: 21/11/2019

QK2 – Chiều tà, hoàng hôn trải ánh vàng mượt như lụa xuống khu vực thao trường hỗn hợp của Trung đoàn 877, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang. Có thế tựa vào chân núi đá Mỏ Neo, khu vực thao trường được đầu tư quy mô, bài bản, tích hợp đủ các khu vực bắn đạn K54, AK, súng cối, hầm hào, công sự, lô cốt và cả vị trí đỗ trực thăng…
Thượng tá Đoàn Trọng Thân, Trung đoàn  trưởng Trung đoàn 877, cho biết: “Trung đoàn vinh dự được lãnh đạo các cấp lựa chọn đầu tư điểm đầu tiên ở Quân khu 2, xây dựng cơ bản thao trường hỗn hợp theo hướng hiện đại”.

Bài 1: Vùng "trọng trấn" quốc gia

 

Chúng tôi cùng Thượng tá Đoàn Trọng Thân đi tham quan một lượt thao trường và quan sát bộ đội luyện tập các khoa mục chiến thuật. Đến từng trung đội, Thượng tá Đoàn Trọng Thân kiểm tra giáo án, thỉnh thoảng anh chấn chỉnh bộ đội trong một vài động tác chiến thuật. Quay về phía chúng tôi, anh vui vẻ nói:

– “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Huấn luyện bộ đội càng tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong từng động tác càng tôi rèn được bản lĩnh, sự tinh nhuệ của bộ đội. Bài học đó tôi hiểu thấm thía, sâu sắc qua lịch sử 40 năm chiến đấu và trưởng thành của trung đoàn.

– Chắc hẳn các thế hệ, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã viết nên những trang sử hào hùng?

– Thành lập tháng 10-1979, trên địa bàn một tỉnh biên giới phía Bắc, nơi có vị trí chiến lược quan trọng, trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, từ ngày thành lập, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã bám sát vào dân, vừa chiến đấu vừa sản xuất, bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc. Truyền thống “Trung thành – Đoàn kết – Kiên cường – Chiến thắng” ngày càng được các thế hệ nối tiếp của trung đoàn giữ vững và phát huy.

Phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 877 thi đua huấn luyện giỏi.

Hà Giang có địa hình núi non hiểm trở, nhiều núi cao, vực sâu, rừng già. Toàn tỉnh có 442 cột mốc qua 7 huyện, 34 xã, thị trấn biên giới. Từ phía Đông Bắc sang Tây Nam địa hình núi cao, chia cắt bởi nhiều thung lũng sâu như con đê khổng lồ, tấm lá chắn thiên nhiên bảo vệ một phần biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Trong chiến lược phòng thủ biên thùy, các triều đại phong kiến Việt Nam đều coi Hà Giang là vùng “trọng trấn”, là “phên giậu” quốc gia. Từ nghìn xưa, mỗi khi có giặc tràn qua biên giới, người lính ở Hà Giang là những người đầu tiên xung trận giáp mặt với quân thù. Cũng chính họ là những người cuối cùng chứng kiến đoàn quân thất trận, tả tơi của địch tháo chạy qua biên giới. Những chiến công oai hùng của nhân dân các dân tộc Hà Giang sử sách còn lưu muôn thủa như: Đánh đuổi quân Tống năm 1075, chống sự xâm lược của quân Nguyên năm 1285, đánh quân Minh ở cửa ải Lê Hoa năm 1427…

ĐÌNH TRỌNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.