Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 09:12:24

Tiếp lửa truyền thống cho thế hệ mai sau

Ngày đăng: 06/11/2015

QK2 – Đêm giao lưu “Quê hương và người lính thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật” diễn ra giữa tiết thu se lạnh, dưới bầu trời đầy ánh trăng sao. Tiếng nhạc du dương, nhẹ nhàng, lan tỏa khắp sân vận động Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 khiến tâm hồn các chiến sỹ trẻ càng thêm hưng phấn, lâng lâng. Trong mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười của các chàng trai đến từ khắp các tỉnh Tây Bắc đều ánh lên niềm vui bởi đây là lần đầu tiên họ có cuộc gặp gỡ, trò chuyện thân mật với các nhà văn, nhà thơ quân đội, những thi sỹ mặc áo lính…

Hai nhà thơ quân đội tặng sách và giao lưu với chiến sỹ Trung đoàn 148 Anh hùng.

Hai nhà thơ quân đội tặng sách và giao lưu với chiến sỹ Trung đoàn 148 Anh hùng.

CÂU CHUYỆN LẮNG ĐỌNG VỀ NHỮNG NGÀY KHÓI LỬA
Với phong thái tự nhiên, cách nói chuyện cởi mở, hấp dẫn pha chút dí dỏm, nhà thơ, nhà biên kịch nổi tiếng Hoàng Nhuận Cầm và Đại tá, nhà thơ Vương Trọng lần lượt đưa cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 148 trở về một thời kỳ lịch sử hào hùng của đất nước mà chính các nhà thơ là những chiến sĩ trực tiếp tham gia trong cuộc trường chinh đầy khốc liệt ấy. Nhiều câu chuyện xúc động, nhiều kỷ niệm sâu sắc về đời lính, về một thời cả nước sục sôi lên đường ra trận được hai nhà thơ chuyển tải tới người nghe bằng chất giọng truyền cảm, sâu lắng, xen lẫn niềm xúc động bùi ngùi. Là đồng đội thân thiết của các chiến sỹ ưu tú: Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Vũ Đình Văn, Lê Anh Xuân…những thanh niên trí thức sẵn sàng rời ghế giảng đường đại học để lên đường bảo vệ Tổ quốc theo tiếng gọi non sông, hai ông thấu hiểu sự hy sinh anh dũng vì lý tưởng cách mạng cao cả của họ.
Nhắc đến hoàn cảnh hy sinh của Nguyễn Văn Thạc, chàng trai Hà Nội với cuốn nhật ký nổi tiếng “Mãi mãi tuổi hai mươi”, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm bùi ngùi nhớ lại: “Trong một trận đánh ác liệt bên thành cổ Quảng Trị sáng 30-7-1972, chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc được giao nhiệm vụ bảo đảm liên lạc cho Trung đoàn 101, Sư đoàn 325… Cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt thì một loạt đạn pháo của địch rơi đúng chỗ Thạc. Khi những tiếng nổ dữ dội vừa dứt, khói và bụi còn chưa hết, các đồng đội của anh vội lao tới thì đã thấy Thạc đã nằm đó, mắt nhắm nghiền. Một mảnh pháo chém ngang hai đùi của anh, máu chảy ướt đẫm ống quần. Thấy máu từ hai đùi Thạc ra nhiều, mấy anh em vội xúm lại băng bó rồi khiêng anh chạy nhanh lên trạm phẫu tiểu đoàn, với hi vọng “còn nước còn tát”. Tuy nhiên, trên đường đi, Thạc đã chút hơi thở cuối cùng…
Cố kìm nén sự xúc động đang đặc quánh trong cổ họng, ông kể tiếp: “Thạc bị thương nặng như thế, cái chết đã cận kề rồi mà tinh thần vẫn lạc quan lắm, mắt cậu ấy nhắm nghiền mà miệng vẫn không ngớt bảo, tớ không chết được đâu, các cậu đừng lo. Chúng mình đã chẳng hẹn với nhau sau này khi quê hương được giải phóng sẽ cùng về thăm nhà nhau rồi còn gì, mình tin nhất định sẽ có ngày ấy. Đến lúc ấy, mình tiếp tục viết nhật ký và hy vọng đó sẽ toàn là những dòng vui vẻ…”.
Chờ cho cảm xúc của hai nhà thơ tạm lắng xuống, Binh nhì Phạm Hải Nam, chiến sỹ Đại đội 4, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 148 xin phép giao lưu với hai thi sỹ với câu hỏi: “Tại sao trước tất cả sự khốc liệt của chiến tranh, trước mọi gian khổ và cái chết luôn cận kề như thế mà những người lính năm xưa vẫn tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Đặc biệt, họ luôn có một niềm tin mãnh liệt về ngày mai chiến thắng?”.
Trầm ngâm trong giây lát, Đại tá, nhà thơ Vương Trọng giải thích ngắn gọn với các bạn trẻ: “Có thể khẳng định, một trong những động lực quan trọng nhất giúp họ luôn vững tin ở tương lai chính là quê hương các đồng chí ạ!”. Theo chia sẻ của ông, các chiến sỹ ai cũng có quê hương, gia đình, có những người thân yêu nhất nơi “chôn rau cắt rốn”. Nơi ấy có hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, có người mẹ già mòn mỏi ngóng đợi tin con, có cô con gái thắt đáy lưng ong, tuổi đang đôi tám, một lòng một dạ chờ đợi người yêu đang “quần nhau với giặc” nơi trận tuyến…Tất cả những hình ảnh giản dị và thân thương ấy là động lực tinh thần tiếp thêm sức mạnh, giúp các chiến sỹ cầm vượt qua mọi khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Cùng chung quan điểm với nhà thơ Vương Trọng, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng chia sẻ: “Những người lính thời đại Hồ Chí Minh như chúng tôi ra đi chiến đấu cũng vì quê hương đất nước, vì những người thân yêu ruột thịt của mình. Thời ấy, tất cả chúng tôi đều quán triệt sâu sắc một tinh thần là đất nước có được đồng lập, Tổ quốc có được thống nhất thì nhân dân mình mới có cơm ăn, áo ấm, mới có quyền làm chủ mảnh đất quê hương của mình. Chính vì lẽ đó mà mỗi chiến sỹ thời kỳ ấy khi đã khoác trên mình màu xanh quê hương đều xác định rõ nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng của mình với Tổ quốc và nhân dân…

Chương trình tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT và học sinh, sinh viên lần thứ VIII năm 2015 của Sư đoàn 316.

Chương trình tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT và học sinh, sinh viên lần thứ VIII năm 2015 của Sư đoàn 316.

ĐẶT TRỌN NIỀM TIN VÀO THẾ HỆ HÔM NAY
Chăm chú theo dõi những chia sẻ của hai nhà thơ với cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 148 Anh hùng, Thiếu tướng Vũ Sơn Hoàng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu không khỏi xúc động. Vị tướng già bày tỏ sự cảm phục của mình trước nghị lực phi thường của những người lính năm xưa đã không tiếc xương máu của mình vì cuộc sống hôm nay. Ông cũng chân thành cảm ơn các nhà văn, nhà thơ Quân đội đã dành nhiều thời gian tâm sự với cán bộ, chiến sỹ LLVT Quân khu 2 về những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc, giúp các bạn trẻ một lần nữa thêm tự hào về truyền thống kiên cường, bất khuất của bao lớp cha anh đi trước, khơi dậy trong họ niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường của thế hệ trẻ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đồng chí Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu khẳng định, tuổi trẻ LLVT Quân khu hôm nay sẽ kế thừa và phát huy tốt truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước, xây dựng LLVT Quân khu ngày càng vững mạnh, sẵn sàng bảo vệ vững chắc mảnh đất Tây Bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Thiếu tướng Vũ Sơn Hoàng cho rằng, việc Nhà Văn hóa Quân khu phối hợp với Thư viện Quân đội, Sư đoàn 316 tổ chức sự kiện này ngay trước thềm kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu (19/10/1946-19/10/2015) có ý nghĩa chính trị rất sâu sắc, là buổi giáo dục truyền thống hết sức bổ ích cho cán bộ, chiến sỹ đơn vị và nhân dân trên địa bàn đóng quân.
Trung tá Nguyễn Văn Sơn, Chủ nhiệm Nhà Văn hóa Quân khu cho biết. Chương trình này nằm kế hoạch tuyên truyền về sách của Thư viện, Nhà Văn hóa Quân khu, nhằm khơi dậy tinh thần ham đọc sách trong mỗi cán bộ, chiến sỹ và đẩy mạnh văn hóa đọc trong LLVT Quân khu. Thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật đề tài LLVT sẽ giúp cho mỗi người lính càng thêm tự hào về truyền thống quê hương đất nước, truyền thống QĐND Việt Nam anh hùng. Sau thành công của chương trình này, Nhà văn hóa Quân khu sẽ tiếp tục tham mưu giúp Đảng ủy, Thủ trưởng Cục Chính trị chỉ đạo các đơn vị trong LLVT Quân khu đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, giúp bộ đội có động cơ phấn đấu đúng đắn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
HỒNG SÁNG-HOÀNG NGHIỆP

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.