Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 08:14:49

Tiếng rao rươi…

Ngày đăng: 28/10/2018

QK2 – Vào độ tháng Chín ta, thời tiết trong ngày ở miền Bắc như có bốn mùa. Sáng sớm, trời chuyển từ lành lạnh sang mát mẻ. Giữa trưa còn giữ lại một chút oi nồng, nắng không còn gay gắt nhưng rực rỡ, dát vàng muôn cảnh vật. Chiều chiều hoàng hôn chuyển mát. Về đêm trời trở lại lành lạnh.

Đắp chiếc chăn mỏng ngang người giữ hơi ấm cho cuối giấc ngủ, Thành nghe mơ hồ, văng vẳng tựa như tiếng rao rươi “Rươi đi. Ai mua rươi nào!”. Tiếng rao lanh lảnh xa xa như chợt trở về trong ký ức của Thành.

Món chả rươi được chế biến ở một nhà hàng huyện Tứ Kỳ, Hải Dương hấp dẫn khách đến thưởng thức.

“Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm” là nói về giống rươi đấy. Rươi của thời tiết, báo hiệu tiết trời đã bắt đầu chuyển từ Thu sang Đông. Một năm có hai mùa rươi, vào khoảng tháng Tư, tháng Năm và tháng Chín, tháng Mười âm lịch, nhưng tháng Chín, tháng Mười mới là vụ rươi chính. Những con rươi nhỏ bằng đầu đũa xanh xanh, hồng hồng, đủ năm, đủ tháng, tích tụ đủ chất dinh dưỡng từ bùn đất, gặp thời tiết thuận lợi, thủy triều lên làm nước lợ cửa sông, ven biển dềnh lên. Mặt ruộng, mặt đầm đầy nước. Lỗ rươi nứt, rươi chuồi lên từ bùn ruộng, theo dòng chảy tìm ra cửa sông, cửa biển. Người ta đón vớt rươi lên, chế biến thành món ăn bổ dưỡng, dân giã mà đậm đà vị quê hương, mang âm sắc mùi bùn đất của vùng ven biển nước lợ.

Thành nhớ ngày mới lớn thường đốt đèn theo chân cha ra đồng bắt rươi. Hình như có ánh đèn, ánh đuốc bập bùng trong đêm thì rươi ở tràn ruộng đã ngập nước nứt lỗ nhiều hơn thì phải. Giữa dòng nước lững lờ, đùng đục, bầy rươi thi nhau bơi, nổi kín mặt nước, cả làng dùng vợt, dùng rổ vớt rươi. Con rươi vớt lên, rửa sạch, ngâm vào đá lạnh, để mấy tiếng đồng hồ vẫn còn ngọ nguậy. Phần nào bán thì mẹ nhanh chân mang ra chợ, bán nhanh kẻo rươi ươn. Phần rổ rươi tươi để ăn thì nhặt sạch rác, cho vào chậu nước rửa hết nhớt rồi chế biến thành những món rươi.

Mẹ thường chế biến thành chả rươi. Rươi sau khi làm sạch, dùng đũa đánh cho nhuyễn, thêm cho trứng gà và thịt lợn băm tiếp tục đánh cho thật nhuyễn, thật bông, thêm chút ớt cay, vỏ quýt tươi hoặc lá gấc, có thể là lá gừng non, ngọn thì là. Bữa cơm đơn giản, chỉ có rau luộc với chả rươi chấm nước mắm ớt. Thỉnh thoảng mẹ cũng làm rươi hấp, rươi xào, rươi kho, rươi nấu canh. Mỗi năm đôi ba bận, cả nhà thường được thưởng thức những món ăn ấy. Ngày nhỏ chị em Thành không dám ăn nhưng được bố động viên, ăn thử thấy rõ vị thơm ngon, đậm đà thì quen, thì nghiện, thèm ăn mãi.

Lớn lên, đi bộ đội rồi trưởng thành trong quân ngũ trên miền Tây Bắc, Thành nhớ quê hương da diết. Nhớ những bữa cơm rươi đầm ấm, nhớ những lời ru đậm chất quê rươi: “Bao giờ cho đến tháng Mười. Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”. “Con gì bé tí tì ti. Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời. Một năm mấy bận đi chơi. Đi thì lở đất long trời mới yên”. Câu ca ấy thường được những người cao tuổi thường cất lên ru con, ru cháu.

Thành tìm hiểu thì mới biết cặn kẽ tại sao người dân quê mình lại gọi rươi là rồng đất – lộc trời. Bởi rươi là món ăn đặc sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Rươi có nhiều ở vùng đồng bằng, cửa sông cửa lạch ven biển, nhất là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình… Nhưng ở vùng thành thị, thủ đô, thậm chí vùng trung du, miền núi, nhiều người dân đều biết đến món rươi.

Giữa Thủ đô Hà Nội, có lẽ từ lâu đời rồi, người dân đã biết đến món rươi và phố Hàng Rươi sánh với các phố cổ Hà Nội.

Phố Hàng Rươi nơi kinh kỳ có từ đầu thế kỷ 19, nằm trên địa phận hai làng Vĩnh Trù và Yên Phú, tổng Hậu Túc, sau đổi thành tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương thuộc trấn thành Hà Nội cũ. Ngôi chùa trước kia là đình làng Vĩnh Trù hiện nay vẫn còn di tích. Theo lược sử, nơi đây từng có bến thuyền bên dòng Tô Lịch. Hằng năm vào tháng Chín, tháng Mười âm lịch, nhiều người dân các vùng Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định đến họp chợ bán rươi, từ đó mà thành tên Hàng Rươi, cũng như các phồ Hàng Nón, Hàng Cót, Hàng Gà…, vốn chỉ sầm uất bởi buôn bán một thứ hàng hóa mà thành tên phố. 

Một chuyến đi công tác ở thủ đô hơn hai chục năm trước, Thành chợt ghe tiếng rao rươi. “Rươi đi. Ai mua rươi nào!”. Ôi chao, đấy là rươi, là quê hương bản quán, không lẫn vào đâu được. Cảm xúc tình quê ào ạt trỗi dậy.

Đến bây giờ, ở phố Hàng Rươi ít có bán rươi. Ở quê hương Thành ít có rươi nứt lỗ để vớt, để đem bán tự nhiên. Các tràn ruộng giao khoán cho dân trồng lúa. Dường như người dân không chỉ để cấy lúa, thu hoạch lúa vụ chiêm, vụ mùa mà chủ yếu để nuôi dưỡng, thu hoạch rươi. Các vụ lúa không phun thuốc để đảm bảo an toàn đất bùn, tạo môi trường sinh sản và phát triển của giống rươi. Chẳng cần cấy trồng, rươi tự nhiên sinh sản dười đáy bùn, lớn lên, khi gặp cơn thủy triều tháng Chín, tháng Mười thì lại chuồi lên, tìm ra cửa bể. Ở đầu mỗi tràn ruộng, người ta xây, kè thành luồng nước, chắn lưới bủa vây rươi trên đường tìm ra cửa sông, cửa biển. Rươi trở thành thứ hàng hóa đặc sản và đắt đỏ. Rươi sau khi được vệ sinh, đóng đá bảo quản để vận chuyển tới mọi miền và dùng quanh năm, vì thế, giữa trung tâm phố thị, tìm để thưởng thức những món rươi, bất kể Đông, Hè khi nào cũng có. Phiên chợ rươi mấy ngày trong năm ồn ã, chóng vánh, nhiều nhà thầu, mua tích rươi nên ít có rươi bán tự do. Tiếng rao rươi như chìm, như xa mãi cuộc sống.

Mấy chục năm Thành xa quê, vị đậm món chả rươi mẹ chế biến vẫn tươi rói trong lòng. Lúc nào và ở đâu vẫn thèm nghe một tiếng rao rươi. Tuổi thơ luôn văng vẳng trong miền ký ức…

Vào độ tháng Chín ta, thời tiết trong ngày ở miền Bắc như có bốn mùa. Sáng sớm, trời chuyển từ lành lạnh sang mát mẻ. Giữa trưa còn giữ lại một chút oi nồng, nắng không còn gay gắt nhưng rực rỡ, dát vàng muôn cảnh vật. Chiều chiều hoàng hôn chuyển mát. Về đêm trời trở lại lành lạnh.

Đắp chiếc chăn mỏng ngang người giữ hơi ấm cho cuối giấc ngủ, Thành nghe mơ hồ, văng vẳng tựa như tiếng rao rươi “Rươi đi. Ai mua rươi nào!”. Tiếng rao lanh lảnh xa xa như chợt trở về trong ký ức của Thành.

“Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm” là nói về giống rươi đấy. Rươi của thời tiết, báo hiệu tiết trời đã bắt đầu chuyển từ Thu sang Đông. Một năm có hai mùa rươi, vào khoảng tháng Tư, tháng Năm và tháng Chín, tháng Mười âm lịch, nhưng tháng Chín, tháng Mười mới là vụ rươi chính. Những con rươi nhỏ bằng đầu đũa xanh xanh, hồng hồng, đủ năm, đủ tháng, tích tụ đủ chất dinh dưỡng từ bùn đất, gặp thời tiết thuận lợi, thủy triều lên làm nước lợ cửa sông, ven biển dềnh lên. Mặt ruộng, mặt đầm đầy nước. Lỗ rươi nứt, rươi chuồi lên từ bùn ruộng, theo dòng chảy tìm ra cửa sông, cửa biển. Người ta đón vớt rươi lên, chế biến thành món ăn bổ dưỡng, dân giã mà đậm đà vị quê hương, mang âm sắc mùi bùn đất của vùng ven biển nước lợ.

Thành nhớ ngày mới lớn thường đốt đèn theo chân cha ra đồng bắt rươi. Hình như có ánh đèn, ánh đuốc bập bùng trong đêm thì rươi ở tràn ruộng đã ngập nước nứt lỗ nhiều hơn thì phải. Giữa dòng nước lững lờ, đùng đục, bầy rươi thi nhau bơi, nổi kín mặt nước, cả làng dùng vợt, dùng rổ vớt rươi. Con rươi vớt lên, rửa sạch, ngâm vào đá lạnh, để mấy tiếng đồng hồ vẫn còn ngọ nguậy. Phần nào bán thì mẹ nhanh chân mang ra chợ, bán nhanh kẻo rươi ươn. Phần rổ rươi tươi để ăn thì nhặt sạch rác, cho vào chậu nước rửa hết nhớt rồi chế biến thành những món rươi.

Mẹ thường chế biến thành chả rươi. Rươi sau khi làm sạch, dùng đũa đánh cho nhuyễn, thêm cho trứng gà và thịt lợn băm tiếp tục đánh cho thật nhuyễn, thật bông, thêm chút ớt cay, vỏ quýt tươi hoặc lá gấc, có thể là lá gừng non, ngọn thì là. Bữa cơm đơn giản, chỉ có rau luộc với chả rươi chấm nước mắm ớt. Thỉnh thoảng mẹ cũng làm rươi hấp, rươi xào, rươi kho, rươi nấu canh. Mỗi năm đôi ba bận, cả nhà thường được thưởng thức những món ăn ấy. Ngày nhỏ chị em Thành không dám ăn nhưng được bố động viên, ăn thử thấy rõ vị thơm ngon, đậm đà thì quen, thì nghiện, thèm ăn mãi.

Lớn lên, đi bộ đội rồi trưởng thành trong quân ngũ trên miền Tây Bắc, Thành nhớ quê hương da diết. Nhớ những bữa cơm rươi đầm ấm, nhớ những lời ru đậm chất quê rươi: “Bao giờ cho đến tháng Mười. Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”. “Con gì bé tí tì ti. Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời. Một năm mấy bận đi chơi. Đi thì lở đất long trời mới yên”. Câu ca ấy thường được những người cao tuổi thường cất lên ru con, ru cháu.

Thành tìm hiểu thì mới biết cặn kẽ tại sao người dân quê mình lại gọi rươi là rồng đất – lộc trời. Bởi rươi là món ăn đặc sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Rươi có nhiều ở vùng đồng bằng, cửa sông cửa lạch ven biển, nhất là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình… Nhưng ở vùng thành thị, thủ đô, thậm chí vùng trung du, miền núi, nhiều người dân đều biết đến món rươi.

Giữa Thủ đô Hà Nội, có lẽ từ lâu đời rồi, người dân đã biết đến món rươi và phố Hàng Rươi sánh với các phố cổ Hà Nội.

Phố Hàng Rươi nơi kinh kỳ có từ đầu thế kỷ 19, nằm trên địa phận hai làng Vĩnh Trù và Yên Phú, tổng Hậu Túc, sau đổi thành tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương thuộc trấn thành Hà Nội cũ. Ngôi chùa trước kia là đình làng Vĩnh Trù hiện nay vẫn còn di tích. Theo lược sử, nơi đây từng có bến thuyền bên dòng Tô Lịch. Hằng năm vào tháng Chín, tháng Mười âm lịch, nhiều người dân các vùng Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định đến họp chợ bán rươi, từ đó mà thành tên Hàng Rươi, cũng như các phồ Hàng Nón, Hàng Cót, Hàng Gà…, vốn chỉ sầm uất bởi buôn bán một thứ hàng hóa mà thành tên phố. 

Một chuyến đi công tác ở thủ đô hơn hai chục năm trước, Thành chợt ghe tiếng rao rươi. “Rươi đi. Ai mua rươi nào!”. Ôi chao, đấy là rươi, là quê hương bản quán, không lẫn vào đâu được. Cảm xúc tình quê ào ạt trỗi dậy.

Đến bây giờ, ở phố Hàng Rươi ít có bán rươi. Ở quê hương Thành ít có rươi nứt lỗ để vớt, để đem bán tự nhiên. Các tràn ruộng giao khoán cho dân trồng lúa. Dường như người dân không chỉ để cấy lúa, thu hoạch lúa vụ chiêm, vụ mùa mà chủ yếu để nuôi dưỡng, thu hoạch rươi. Các vụ lúa không phun thuốc để đảm bảo an toàn đất bùn, tạo môi trường sinh sản và phát triển của giống rươi. Chẳng cần cấy trồng, rươi tự nhiên sinh sản dười đáy bùn, lớn lên, khi gặp cơn thủy triều tháng Chín, tháng Mười thì lại chuồi lên, tìm ra cửa bể. Ở đầu mỗi tràn ruộng, người ta xây, kè thành luồng nước, chắn lưới bủa vây rươi trên đường tìm ra cửa sông, cửa biển. Rươi trở thành thứ hàng hóa đặc sản và đắt đỏ. Rươi sau khi được vệ sinh, đóng đá bảo quản để vận chuyển tới mọi miền và dùng quanh năm, vì thế, giữa trung tâm phố thị, tìm để thưởng thức những món rươi, bất kể Đông, Hè khi nào cũng có. Phiên chợ rươi mấy ngày trong năm ồn ã, chóng vánh, nhiều nhà thầu, mua tích rươi nên ít có rươi bán tự do. Tiếng rao rươi như chìm, như xa mãi cuộc sống.

Mấy chục năm Thành xa quê, vị đậm món chả rươi mẹ chế biến vẫn tươi rói trong lòng. Lúc nào và ở đâu vẫn thèm nghe một tiếng rao rươi. Tuổi thơ luôn văng vẳng trong miền ký ức…

Tản vă của ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.