Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 02:20:16

Thương binh tàn nhưng không phế

Ngày đăng: 17/08/2015

QK2 – Nhắc đến thương binh Nguyễn Văn Luyến ở thôn Vinh Quang, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) nhiều người không khỏi khâm phục trước tinh thần dám nghĩ dám làm, vượt qua khó khăn, đói nghèo để vươn lên làm giàu.
Năm 1977 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Văn Luyến lên đường nhập ngũ vào chiến trường Tây Nam. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh bị thương nặng, mất một phần xương máu của mình và đã trở thành thương binh hạng 4/4. Năm 1980, anh xuất ngũ. Trở về quê hương, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, 2 vợ chồng và 4 đứa con nhỏ chỉ trông vào mấy sào ruộng bạc màu, cằn cỗi. Mọi khó khăn của cuộc sống dồn lên đôi vai của vợ chồng anh. Không quản sớm, khuya, anh đã làm nhiều nghề để kiếm sống, trong đó nghề thợ xây gắn bó với anh lâu nhất. Hơn chục năm làm nghề thợ xây, da anh sạm nắng, đôi tay chai sạn đã gầy guộc mà vẫn chưa làm cuộc sống của gia đình anh khá lên.

Thương binh Nguyễn Văn Luyến chăm sóc đàn gia cầm.

Thương binh Nguyễn Văn Luyến chăm sóc đàn gia cầm.

Qua quá trình tìm hiểu, vợ chồng anh nhận thấy nhu cầu thực phẩm chăn nuôi của thị trường ngày càng cao và điều kiện thuận lợi của gia đình có sẵn là mặt bằng và nhân công lao động. Anh quyết định vay mượn bạn bè, họ hàng vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, lợn thương phẩm. Trong quá trình chăn nuôi anh luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo khâu vệ sinh, phòng bệnh, chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, do vậy, đàn gà, lợn của gia đình anh phát triển tốt, cho thu nhập cao. Hàng tháng anh xuất 1.000 con gà, tương đương 10 lứa/năm, lợn xuất gần 100 con lợn thịt/năm.
Cũng trên khu đồi rộng 2ha gia đình anh trồng chè búp. Sau lần đầu thu hoạch đã cho chè sạch, chất lượng thơm ngon được bà con trong thôn, ngoài xã ưa chuộng tìm đến. Mỗi tháng gia đình anh thu về 4-5 triệu đồng tiền chè. Ngoài trồng chè, anh trồng măng ngọt, thanh long, ba kích…theo nhu cầu và xu thế của thị trường, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 200 triệu đồng. Các con anh giờ đã trưởng thành và có việc làm ổn định. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn luôn giúp đỡ bạn bè, đồng đội về kiến thức, kinh nghiệm, vốn để phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Tấm gương vượt khó làm giàu của thương binh Nguyễn Văn Luyến được nhiều người khen ngợi, học hỏi và luôn xứng đáng với lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế.

Bài, ảnh: THÚY NGÂN
(Ban Tuyên giáo huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.