Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 01:58:48

Thế giới tuần qua: Đối đầu leo thang

Ngày đăng: 09/04/2018

Thế giới lại trải qua một tuần với đầy những bất đồng căng thẳng. Những cuộc đối đầu như thế này sẽ không có bên nào thắng cuộc, mà hậu quả thì vô cùng tệ hại, không chỉ với các bên tranh chấp mà còn châm ngòi cho những xung đột mới, đe dọa hòa bình, ổn định tại nhiều khu vực.

1. Nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục làm nóng dư luận quốc tế khi Trung Quốc ngày 2-4 quyết định ngừng ưu đãi thuế đối với 128 sản phẩm của Mỹ, thay vào đó áp mức thuế 15% – 25% đối với những mặt hàng này.

Đây được xem là hành động “phản đòn” của Bắc Kinh trước việc Washington áp thuế nhập khẩu mới đối với các mặt hàng thép và nhôm, đồng thời áp đặt các khoản thuế bổ sung trị giá 60 tỷ USD đối với Trung Quốc, với cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Ảnh minh họa: Reuters

Trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã công bố danh sách 1.300 sản phẩm riêng lẻ của Trung Quốc sẽ bị đánh thuế bổ sung.

USTR đã chính thức gửi yêu cầu tham vấn với Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với cáo buộc Trung Quốc phân biệt đối xử trong chuyển giao công nghệ. Nếu Mỹ và Trung Quốc không thể đạt được thỏa thuận thông qua tham vấn, Mỹ có thể yêu cầu thành lập cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO để đánh giá về các vấn đề liên quan.

Nếu chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc này thực sự nổ ra, sẽ gây ra những tổn thất nặng nề cho cả hai bên và cả nền kinh tế toàn cầu. Ngay sau các quyết định áp thuế lẫn nhau của Trung Quốc và Mỹ, các thị trường chứng khoán châu Á ngập tràn sắc đỏ. Trong khi đó, thị trường chứng khoán phố Wall cũng đi xuống trong ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Phục Sinh.

2. Xung đột Palestine và Israel ngày càng nghiêm trọng

Những ngày qua bạo lực giữa Palestine và Israel lại bùng phát tại giải Gaza, gây nhiều thương vong cho người Palestine.

Biểu tình biến thành bạo lực tại Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Hàng nghìn người Palestine, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em đã tiến hành tuần hành hòa bình tại 6 khu vực khác nhau ở phía Đông dải Gaza nhằm gửi thông điệp đến thế giới rằng người Palestine có các quyền hợp pháp, trong đó có quyền hồi hương. Cơ quan y tế Gaza thông báo 19 người Palestine đã thiệt mạng và khoảng hơn 1.400 người bị thương do hơi cay và đạn thật từ phía quân đội Israel.

Nhiều quốc gia và tổ chức trong khu vực đã chỉ trích mạnh mẽ hành động trấn áp người biểu tình của quân đội Israel.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cáo buộc Israel sử dụng vũ lực bừa bãi, đồng thời tuyên bố Israel phải chịu trách nhiệm về hành động này. Hàng ngàn người Palestine đã tuần hành trên các đường phố và tuyên bố sẽ tiếp tục tuần hành phản đối mạnh mẽ Israel và việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel trong sáu tuần tới.

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Nghị viện Arab và Liên minh châu Âu cũng chỉ trích mạnh mẽ và yêu cầu tiến hành điều tra về việc sử dụng đạn thật của quân đội Israel. Liên đoàn Ả rập thậm chí tuyên bố sẽ hỗ trợ Palestine đưa Israel ra Tòa án hình sự quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn nhưng không thể đưa ra một bản nghị quyết lên án Israel do vấp phải sự phản đối của Mỹ và Anh.

Vụ việc này có thể châm ngòi cho xung đột mới giữa Israel và Palestine vốn đang rất căng thẳng bởi các vấn đề liên quan Jerusalem.

3. Nước Pháp vật lộn với ngày “Thứ Ba đen tối”

Những người tham gia giao thông tại Pháp vừa trải qua một ngày 3-4 khó khăn do cuộc đình công của nhân viên ngành đường sắt, nhằm phản đối kế hoạch cải cách của Tổng thống Emmanuel Macron.

Công nhân ngành đường sắt Pháp đình công. Ảnh: EFE

Đợt đình công diễn ra 2 ngày mỗi tuần cho đến ngày 28-6. Trong ngày đình công đầu tiên, gần 34% số nhân viên và 3-4 số nhân viên lái tàu tham gia. Cả nước chỉ có 12% số chuyến tàu hoạt động. Đến ngày 4-4, ngày thứ hai của cuộc đình công, 86% các chuyến tàu trên toàn nước Pháp tiếp tục “đắp chiếu”. Hơn 4,5 triệu lượt hành khách đã gặp trở ngại lớn khi đi lại.

Ngoài cuộc đình công, hàng nghìn người ủng hộ những nhân viên ngành đường sắt cũng tiến hành tuần hành ở nhiều nơi trên nước Pháp.

Thời gian qua, kế hoạch cải cách ngành đường sắt của chính phủ Pháp đã vấp phải sự phản đối gay gắt của công đoàn ngành này. Hàng loạt cuộc biểu tình và đình công của người lao động đã được tổ chức, khiến giao thông trên cả nước bị tê liệt.

4. Căng thẳng ngoại giao leo thang tại nhiều nước

Căng thẳng quanh vụ điệp viên Skripal: Ngày 2-4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc một số nước phương Tây công khai nói dối, bịa đặt, tung tin đánh lạc hướng dư luận trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông này. Nga khẳng định Chính phủ Anh sẽ phải đưa ra lời xin lỗi vì những cáo buộc Nga đứng sau vụ việc.

Nhân viên ngoại giao hạ quốc kỳ Mỹ tại tòa nhà Lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg. Ảnh: AP

Đến nay, hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất. Chính phủ Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới vụ việc, đồng thời tuyên bố trục xuất số nhân viên ngoại giao tương đương của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Quan hệ Nga-Mỹ cũng căng thẳng không kém khi ngày 6-4, Mỹ thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với 24 công dân Nga và 14 thực thể của nước này với cáo buộc phá hoại nền dân chủ phương Tây. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva sẽ có hành động đáp trả nghiêm khắc.

Căng thẳng ngoại giao Venezuela – Panama: Quan hệ giữa Venezuela và Panama bất ngờ đi xuống khi Panama quyết định triệu hồi Đại sứ nước này tại Venezuela, đồng thời tuyên bố trục xuất Đại sứ Venezuela.

Bộ Ngoại giao Panama cho biết sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Venezuela và quyết định này là nhằm đáp trả động thái trước đó của Venezuela đối với 46 công ty và 22 cá nhân của Panama.

Căng thẳng quan hệ Mỹ-Mexico: Mỹ và Mexico cũng đang ở thế đối đầu liên quan việc Washington quyết định đưa quân đội đến biên giới giáp với Mexico, để ngăn chặn dòng người di cư từ các quốc gia Trung Mỹ và nguồn ma túy từ Mexico vào Mỹ.

Bộ Ngoại giao Mexico cảnh báo quan hệ song phương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu động thái trên của Mỹ biến thành hành vi quân sự hóa khu vực. Thượng viện Mexico cũng ra nghị quyết chỉ trích tuyên bố của ông Donal Trump, hối thúc chính phủ chấm dứt hợp tác với Washington trong vấn đề nhập cư và an ninh.

Israel và Thổ Nhĩ Kỳ “đấu khẩu” gay gắt: Khẩu chiến giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tình trạng bạo lực tại Dải Gaza tiếp tục gay gắt khi khi giới chức hai nước cáo buộc lẫn nhau.

Bộ trưởng An ninh công cộng Israel Gilad Erdan, cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan là phần tử “chống Do Thái” sau khi ông này chỉ trích Israel sử dụng vũ lực với người Palestine. Trong khi đó, ông Erdogan cho rằng phản ứng của Israel là “cuộc tấn công vô nhân đạo”.

5. Grab tại Đông Nam Á bị giám sát chống cạnh tranh

Hãng Uber đã quyết định rời bỏi thị trường Đông Nam Á sau khi tuyên bố chuyển giao toàn bộ dịch vụ đi xe chung tại khu vực này cho đối thủ Grab. Thương vụ hàng tỷ USD này đã làm dấy lên quan ngại về tình trạng độc quyền trên thị trường đi xe chung.

Văn phòng của Grab (phải) và Uber (trái) tại Singapore ngày 26/3. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã mở cuộc điều tra nhằm ngăn chặn tình trạng độc quyền. Singapore yêu cầu Grab và Uber không được tiến hành các bước nhằm sáp nhập hoạt động kinh doanh trong thời gian cơ quan chức năng điều tra thương vụ này.

Malaysia thông báo đưa hãng công nghệ vận tải Grab vào danh sách giám sát chống cạnh tranh. Trong khi, Ủy ban Cạnh tranh của Philippines (PCC) thông báo “sẽ giám sát chặt chẽ thỏa thuận giữa Grab và Uber do thỏa thuận này có thể tác động tiêu cực đến các dịch vụ vận tải và giao thông công cộng”.

Grab đi vào hoạt động từ năm 2012 và nhanh chóng đầu tư phát triển thị trường tại khu vực Đông Nam Á. Đến nay, ước tính có tới 2,1 triệu tài xế trong khu vực tham gia mạng lưới của Grab.

6. Cuộc gặp định hình tương lai Syria

Trong bối cảnh tình hình thực địa tại Syria đang có những thay đổi nhanh chóng, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài hơn 7 năm qua ở Syria. Đây được coi là hình mẫu mới cho việc tăng cường hợp tác quốc tế.

Quang cảnh Đông Ghouta sau khi khu vực này được giải phóng ngày 2/4. Ảnh: THX/TTXVN .

Ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết đẩy nhanh các nỗ lực nhằm sớm ổn định tình hình thông qua một lệnh ngừng bắn lâu dài giữa các bên, đồng thời khẳng định tiếp tục hợp tác nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị, đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ thường dân và duy trì an ninh  tại Syria.

Trên thực địa, người dân đã quay trở lại khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damacus, sau khi khu vực này được quân đội chính phủ giải phóng. Đến ngày 3-4 tổng cộng 40.000 dân thường đã trở về nhà.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã sơ tán 1.100 phiến quân cùng gia đình họ từ Đông Ghouta lên phía Bắc Syria, theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên. Lực lượng quân cảnh của Nga sẽ tiến vào thị trấn Douma và chính quyền Syria sẽ quay lại nắm quyền kiểm soát khu vực này.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top