Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 06:04:24

Thế giới tuần qua: Đổ dầu vào lửa

Ngày đăng: 14/04/2018

Cộng đồng quốc tế đang đổ dồn sự quan tâm vào Syria sau khi liên quân Mỹ-Anh-Pháp tấn công vào một số cơ sở quân sự của nước này sáng 14-4. Bên cạnh đó, tình hình bạo lực kéo dài dọc biên giới Israel-Gaza, nhà sáng lập Facebook điều trần trước Quốc hội Mỹ sau vụ scandal rò rỉ thông tin, căng thẳng ngoại giao giữa Venezuela và Panama… cũng là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần.

1. Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria, nguy cơ bùng phát đối đầu Nga-phương Tây

Sáng 14-4 (theo giờ Việt Nam), Mỹ, Anh, Pháp đã tiến hành một đợt không kích vào các mục tiêu của Chính quyền Syria, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trừng phạt Tổng thống Syria Bashar al-Assad về vụ tấn công vũ khí hóa học ở thị trấn Douma vào tuần trước.

Mục tiêu của đợt không kích này là nhằm vào những cơ sở liên quan đến năng lực vũ khí hóa học của Chính phủ Syria. Đây được xem là một trong những hành động quân sự mạnh nhất từ trước đến nay của phương Tây đối với Syria. Ngay sau đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết liên quân đã kết thúc đợt không kích đầu tiên và chưa có kế hoạch tiến hành thêm các vụ tấn công tại Syria, nhưng Tổng thống D. Trump tuyên bố sẵn sàng duy trì chiến dịch cho tới khi Syria từ bỏ hẳn việc sử dụng vũ khí hóa học.

Thời điểm liên quân đang tiến hành không kích Thủ đô Damascus của Syria. Ảnh: theaustralian.com.au

Chưa có thông tin chính thức về thiệt hại của hai bên. Tuy nhiên, hệ thống phòng không Syria thông báo đã bắn hạ ít nhất 13 tên lửa hành trình, trong đó có cả Tomahawk, do lực lượng Mỹ và đồng minh phóng tớiBộ Ngoại giao Nga cũng lên tiếng cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây đã tấn công thủ đô của một quốc gia có chủ quyền đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố trong nhiều năm qua, trong lúc Syria đang có cơ hội hướng đến một tương lai hòa bình.

Như vậy, đây sẽ là lần thứ hai Mỹ đánh vào Syria dưới thời ông Trump, cũng với cùng cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Các vụ không kích trên có thể sẽ kéo Mỹ tham gia sâu vào cuộc chiến phức tạp, nhiều bên tại Syria, mà vốn chỉ 1 tuần trước đó ông Trump nói rằng Mỹ muốn rút khỏi cuộc chiến này. Bên cạnh đó, khả năng gia tăng đối đầu giữa Mỹ với Nga và Iran, những nước có lực lượng quân đội ở Syria để ủng hộ Tổng thống al-Assad, cũng gia tăng.

Với sự hiện diện ngày càng vững chắc của Nga ở Syria, sự can thiệp trực tiếp của Mỹ và đồng minh sẽ khiến cuộc khủng hoảng ở Syria càng thêm phức tạp. Trong khi Nga ủng hộ chính phủ hợp pháp của Syria do Tổng thống al-Assad lãnh đạo, thì Mỹ hậu thuẫn cho lực lượng đối lập ở nước này. Cuộc nội chiến ở Syria vì thế đã và đang bị biến thành cuộc quyết đấu giữa Nga và phương Tây nhằm tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng.

Hồi năm ngoái, Mỹ từng thực hiện tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria, đáp trả cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Idlip, tương tự như cáo buộc ở Douma hiện nay.

2. Bạo lực tái diễn dọc biên giới Israel-Gaza

Lại một lần nữa các vụ đụng độ tái diễn dọc biên giới Gaza-Israel khi hàng nghìn người tập trung để tham gia cuộc tuần hành trong ngày thứ Sáu của 3 tuần liên tiếp.

Đụng độ bắt đầu bùng phát trở lại tại ít nhất 2 địa điểm dọc khu vực biên giới trên khi những người Palestine ném đá vào các binh sĩ và đốt quốc kỳ Israel. Phía quân đội Israel đã sử dụng vũ lực để tấn công những người biểu tình quá khích.

Bạo lực tái diễn dọc biên giới Gaza-Israel khiến tình hình trong khu vực thêm căng thẳng. Ảnh: Reuters

Nhiều nhóm tuần hành đã giải tán để tham dự các buổi cầu nguyện trong ngày. Tuy nhiên, nhiều khả năng những người tham gia tuần hành sẽ lại tập trung tại 5 địa điểm dọc biên giới Gaza-Israel trong chiều cùng ngày sau khi hoạt động cầu nguyện kết thúc.

Đây là cuộc tuần hành thứ 3 liên tiếp, sau 2 cuộc tuần hành diễn ra vào hai ngày thứ Sáu trước đó với sự hưởng ứng của hàng chục nghìn người. Hoạt động này nằm trong kế hoạch tuần hành trong 6 tuần của người Palestine nhằm gửi thông điệp đến thế giới rằng người Palestine có các quyền hợp pháp, trong đó có quyền hồi hương. Tuần hành sẽ kéo dài cho đến khi Trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem khai trương dự kiến vào ngày 14-5 tới.

Để đối phó với những cuộc biểu tình trên, quân đội Israel đã sử dụng vũ lực. Theo thống kê, ít nhất 34 người Palestine thiệt mạng và hơn 2.800 người bị thương. Ngoài ra, phía Israel còn cáo buộc phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza đã lợi dụng các cuộc tuần hành để kích động và gây bạo lực.

3. Nhật Bản và Trung Quốc “tăng nhiệt” quanh đảo tranh chấp

Nhật Bản vừa tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra bằng máy bay quanh khu vực quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông.

Quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ảnh: scmp.com

Hoạt động này được đưa ra nhằm đói phó với việc Trung Quốc đang gia tăng hoạt động tại khu vực này. Hồi đầu năm, phía Nhật Bản đã phát hiện một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp trên biển của hai nước.

Theo đó, Nhật Bản sẽ điều thêm hai máy bay trong những tháng tới để tăng cường hoạt động tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku.

Ngoài ra, Nhật Bản sẽ triển khai hai máy bay tiêm kích Falcon 2000LXS trong năm tài khóa này và thêm một máy bay nữa vào năm tới nhằm cho phép triển khai “hệ thống tuần tra 24 giờ” nhằm giám sát quần đảo tranh chấp này.

Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là nhóm đảo nhỏ đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản khi cả hai nước này đều tuyên bố chủ quyền tại đây.

4. Vụ bê bối dữ liệu lớn nhất trong lịch sử của Facebook

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg vừa ra điều trần trước Quốc hội Mỹ sau vụ scandal rò rỉ thông tin của 87 triệu người dùng.

Sau bê bối dữ liệu người dùng thổi bay của Facebook nhiều tỷ USD, Mark Zuckerberg đã thẳng thắn thừa nhận sai lầm của cá nhân cũng như công ty mình đang điều hành đồng thời cam kết sớm khắc phục sự cố và đảm bảo an toàn cá nhân cho người dùng trong tương lai.

Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP

Tác dụng đầu tiên của hai phiên điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ chính là việc cổ phiếu hãng này tăng hơn 5%, lên 166,32 USD, mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư hài lòng với màn thể hiện của CEO Facebook để bảo vệ các hoạt động của công ty.

Vụ scandal lớn nhất trong lịch sử Facebook liên quan tới ứng dụng thu thập dữ liệu của công ty Cambridge Analytica. Không chỉ mất rất nhiều tiền, cái mất lớn nhất của Facebook chính là niềm tin của người dùng. Hàng loạt lời kêu gọi tẩy chay, xoá Facebook đã được đưa trên toàn thế giới.

Đây là bê bối thứ ba mà gã khổng lồ công nghệ vướng phải liên quan đến cuộc bầu cử năm 2016 tại Mỹ, sau những cáo buộc về tin giả và ảnh hưởng từ phía Nga. Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng của Facebook một lần nữa cho thấy những vấn đề lớn hơn liên quan đến ảnh hưởng của mạng xã hội đối với dòng chảy thông tin và tiến trình chính trị.

5. Căng thẳng ngoại giao giữa Venezuela và Panama

Căng thẳng trong quan hệ giữa Venezuela và Panama tiếp tục được đẩy lên một nấc mới khi Chính phủ Venezuela thông báo quyết định mở rộng phạm vi tạm ngừng quan hệ kinh tế, thương mại và tài chính trong thời gian 90 ngày đối với 50 công ty khác của quốc gia Trung Mỹ này.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: latintimes.com

Các cuộc điều tra chống tham nhũng của cơ quan chức năng Venezuela đã chỉ ra nhiều dấu hiệu về việc nhiều chủ thể tại nước này đã sử dụng hệ thống tài chính của Panama để chuyển tiền và hợp thức hóa tài sản thu lợi bất chính.

Đồng thời, Caracas tuyên bố sẵn sàng thiết lập cơ chế đối thoại tôn trọng giữa các bên để giải quyết những căng thẳng, song cũng sẽ đáp trả một cách thích đáng mọi ý định tấn công.

Căng thẳng giữa Panama và Venezuela bắt đầu từ tháng 3 vừa qua, khi Panama đưa Tổng thống Nicolas Maduro và một số quan chức cao cấp trong chính phủ nước này vào danh sách những tổ chức và cá nhân có “nguy cơ cao” trong vấn đề rửa tiền và tài trợ chủ nghĩa khủng bố. Ngày 5-4, Venezuela cũng đáp trả bằng lệnh trừng phạt tương tự với 46 công ty và 22 cá nhân của Panama trong đó có Tổng thống Juan Carlos Valera. Panama ngay sau đó đã quyết định triệu hồi Đại sứ nước này tại Venezuela, đồng thời tuyên bố trục xuất Đại sứ Venezuela.

6. Đài Loan tập trận đáp trả Trung Quốc

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 13-4 chủ trì một cuộc tập trận của Lực lượng phòng vệ trên biển, một ngày sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc thao diễn hải quân lớn chưa từng có ở Biển Đông.

Cuộc tập trận được giới chức quốc phòng Đài Loan khẳng định nhằm mục đích thử nghiệm khả năng phản ứng nhanh của quân đội để bảo vệ Đài Loan.

Chiến hạm Đài Loan tham gia tập trận ngày 13-4. Ảnh: Reuters

Đây là cuộc thị sát đầu tiên của bà Thái từ khi bà nhậm chức năm 2016 nhưng diễn ra vào thời điểm được cho là khá căng thẳng với Trung Hoa đại lục.

Hôm 12-4, Trung Quốc thông báo sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình bất ngờ xuất hiện thị sát cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc ngoài khơi tỉnh Hải Nam thuộc Biển Đông cùng ngày. Đây được xem là cuộc tập trận hải quân lớn nhất kể từ năm 1949 của Trung Quốc.

Hội đồng các vấn đề đại lục (MAC) của Đài Loan cũng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tham gia vào quá trình đối thoại để đảm bảo hòa bình cho eo biển.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.