Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 04:20:26

Thầy thuốc “2 trong 1” nơi tuyến đầu Tổ quốc

Ngày đăng: 09/11/2017

Do đóng quân trên địa bàn miền núi, biên giới, nên lượng người dân đến khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Quân y 6, (Cục Hậu cần, Quân khu) đa phần là đồng bào dân tộc ít người, trong đó không ít người trình độ nhận thức còn hạn chế, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Để tránh cho đồng bào khỏi tâm lí tự ti, mặc cảm, từ đó tin tưởng vào thầy thuốc, yên tâm điều trị, đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 6 luôn giữ thái độ gần gũi, chân thành, cởi mở, tận tình, phục vụ nhân dân bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của người thầy thuốc “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thầy thuốc Bệnh viện Quân y 6 tận tình chăm sóc người bệnh.

Một đêm cuối tuần giữa tháng 9 vừa qua, chuông đồng hồ đã điểm hai giờ sáng mà phòng Gây mê-Hồi sức, Bệnh viện Quân y 6 vẫn sáng ánh đèn, bóng dáng các thầy thuốc quân y hối hả di chuyển trong không gian tĩnh lặng. Hỏi ra mới biết, Đại tá, bác sĩ chuyên khoa 1 (CK1) Nguyễn Xuân Doanh, Giám đốc Bệnh viện đang trực tiếp chỉ đạo các y, bác sĩ tập trung cứu chữa cho bệnh nhân Vàng Thị Dụ, quê ở xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vừa nhập viện khẩn cấp lúc nửa đêm. Bên ngoài, chồng chị Dụ là anh Thào A Lử với gương mặt khắc khổ, quần áo lôi thôi, đầu bù, tóc rối, liên tục hướng ánh mắt như thôi miên về phòng cấp cứu. Hỏi chuyện, Lử thật thà kể: “Lúc tối, vợ chồng tôi xảy ra cãi vã rất to. Trong lúc nóng giận, không kiềm chế được, tôi lỡ tay đánh vợ mấy cái, thế là nó bỏ vào rừng, ăn lá ngón tự tử. Lá này độc lắm, đã ăn vào rồi thì chẳng cứu được đâu cán bộ à”.
Gặp chúng tôi sau ca cấp cứu đặc biệt, đồng chí Giám đốc Bệnh viện Quân y 6 cho biết, sau gần ba giờ bị ngộ độc nặng, bệnh nhân Vàng Thị Dụ mới được đưa vào bệnh viện. Lúc này, thể trạng của chị đã rất yếu, sự sống mong manh như ngọn đèn trước gió. Đặc biệt, gia đình không tin các bác sĩ bộ đội có thể cứu được, cứ nằng nặc xin cho về nhà. Trước tình hình đó, một mặt các thầy thuốc vừa tích cực giải thích, động viên nhằm xoa dịu sự căng thẳng, lo lắng của gia đình, vừa nỗ lực cấp cứu, quyết tâm giành lại sự sống cho bệnh nhân. Cuối cùng, với phác đồ điều trị đúng đắn, các bác sĩ đã cứu chị Vàng Thị Dụ thoát khỏi bàn tay tử thần trong cảm xúc vỡ òa của tất cả mọi người. Chứng kiến vợ dần hồi tỉnh, anh Thào A Lử chạy đến nắm chặt tay Bác sĩ Doanh, rưng rưng xúc động: “Thầy thuốc bộ đội giỏi quá, tốt bụng quá. Gia đình tôi biết ơn thầy thuốc bộ đội nhiều lắm, chẳng biết nói sao cho vừa”.
Được biết, ngoài trường hợp nêu trên, từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện Quân y 6 đã tiến hành điều trị thành công hàng chục ca bệnh hiểm nghèo, đồng thời giúp đỡ không ít các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Theo Đại úy Nguyễn Văn Thìn, Chủ nhiệm khoa Gây mê-Hồi sức, trường hợp đầu tiên phải kể đến là cụ Hoàng Văn Du, 86 tuổi, trú tại xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Suốt quá trình điều trị chứng viêm phổi mãn tính tại bệnh viện, cụ Du không hề có người thân nào bên cạnh. Trước tình hình đó, bệnh viện đã chủ động cắt cử các y, bác sĩ thay phiên nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cụ hằng ngày. Hôm cụ Du được ra viện, các thầy thuốc lại tập trung góp tiền ủng hộ, rồi tận tình đưa cụ ra tận bến xe. Trường hợp nữa là chị Lường Thị Đoan, trú tại phố Khau Tú, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La; thuộc hộ nghèo, bị suy tim độ 4, nhập viện trong tình trạng… không một xu dính túi. Biết được hoàn cảnh éo le của chị, ngoài việc chăm sóc chu đáo, điều trị tích cực, thường xuyên động viên, an ủi, các y, bác sĩ của Bệnh viện Quân y 6 còn quên góp tiền mua đồ ăn, thức uống hằng ngày cho chị, ủng hộ chị chút kinh phí để bắt xe về quê.
Từ những câu chuyện “người thật, việc thật” diễn ra ở Bệnh viện Quân y 6 nhiều năm qua, chúng tôi đặt câu hỏi với Đại tá Trần Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bệnh viện: “Điều gì thôi thúc các y, bác sĩ của đơn vị sẵn lòng giúp đỡ các bệnh nhân nghèo một cách vô tư như vậy?”. Không đắn đo, suy nghĩ, đồng chí Chính ủy nói ngay: “Ngoài những phẩm chất nói chung của người thầy thuốc, chúng tôi luôn xác định mình là những người lính, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Vì vậy, bên cạnh việc không ngừng nâng cao y đức, trau dồi y thuật để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, mình còn phải thường xuyên giữ vững phẩm chất và hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân, thông qua việc ứng xử đúng mực, gần gũi, luôn tận tâm chăm sóc người bệnh như chính người thân ruột thịt của mình, để đồng bào thực sự yên tâm, sẵn sàng gửi gắm niềm tin vào các thầy thuốc bộ đội”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trên địa bàn, những năm gần đây, ngoài việc thường xuyên cử đội ngũ y, bác sĩ đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, Bệnh viện Quân y 6 còn chủ động tiếp thu, chuyển đổi công nghệ mới trong khám, chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân; kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền. Nhiều phương pháp điều trị mới đã được Bệnh viện ứng dụng có hiệu quả như: Điều trị gãy xương bằng phương pháp kết hợp xương bên trong; chuyển vạt da cơ cuống mạch liền và ghép da từ thân điều trị khuyết hổng phần mềm vùng cẳng chân; phẫu thuật cắt Amidan bằng dao điện đơn cực gây mê nội khí quản… Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình quân dân y kết hợp, từ đầu năm 2017 đến nay, Bệnh viện Quân y 6 đã tổ chức tư vấn, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 3.917 lượt đối tượng chính sách, người nghèo trên địa bàn, tổng trị giá 528 triệu đồng; kết hợp với Y tế tỉnh Sơn La giúp đào tạo cho bạn Lào 30 cán bộ y tế thôn, bản… Uy tín của Bệnh viện ngày càng được nâng cao, là địa chỉ tin cậy của người bệnh đến từ khắp các tỉnh trên địa bàn Tây Bắc.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.