Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 05:38:09

Thành tựu và kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng

Ngày đăng: 17/12/2016

Sáng 16-12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng (BQP) tổ chức Hội thảo khoa học, với chủ đề: “30 năm đổi mới quân sự, quốc phòng – Thành tựu và kinh nghiệm (1986 – 2016)”. Đoàn chủ tịch chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Thiếu tướng Hồ Thanh Tự, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu; Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị); Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Dự hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu các cơ quan, đơn vị Quân đội; các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu lịch sử. Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước gửi lẵng hoa chúc mừng hội thảo.

Khẳng định sự đúng đắn của việc đổi mới tư duy

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, cách đây tròn 3 thập niên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có lĩnh vực quân sự, quốc phòng (QS, QP). Cùng với thời gian, chủ trương đổi mới về QS, QP tiếp tục được các nhiệm kỳ Đại hội của Đảng (từ Đại hội VII đến Đại hội XII) nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện và trở thành bộ phận cấu thành quan điểm, đường lối đổi mới nhất quán của Đảng ta.

Trải qua 30 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng trên tất cả các mặt. Đặc biệt, trong lĩnh vực QS, QP, trên cơ sở điều chỉnh thế bố trí phòng thủ đất nước, chúng ta đã tiến hành chấn chỉnh tổ chức, biên chế lực lượng thường trực theo hướng tinh gọn, mạnh, đồng bộ, chính quy; xây dựng các khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, thành phố vững chắc, tăng cường thế trận quốc phòng và an ninh (QPAN), xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng Lê Chiêm phát biểu tại hội thảo.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu, vững vàng chính trị tư tưởng, nỗ lực phấn đấu; thực hiện tốt chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Những kết quả đạt được trên lĩnh vực QS, QP cùng với thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo động lực mới để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Báo cáo đề dẫn, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12-1986) khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam. Đây là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy, nhận thức lý luận của Đảng về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN ở nước ta. Đường lối đổi mới của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, xuất phát từ tình hình quốc tế và trong nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới và kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong 30 năm đổi mới QS, QP dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước chúng ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng; đồng thời, cũng đúc kết ra nhiều vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc cần sớm tổng kết nhằm góp phần cung cấp lý luận khoa học cho Đảng, bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối lãnh đạo đất nước vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, phát biểu tại hội thảo.

  Từng bước đổi mới hoàn thiện đường lối quân sự, quốc phòng

Tại hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 69 bài tham luận và phát biểu chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị…, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Với cách nhìn nhận, khách quan, toàn diện; trình bày khái quát, mạch lạc, lập luận chặt chẽ cùng nhiều sự kiện, số liệu sinh động, với độ tin cậy cao; các tham luận đã làm rõ quá trình thực hiện đường lối đổi mới QS, QP của Đảng từ Đại hội VI đến nay, những thành tựu trên lĩnh vực QS, QP đã đạt được trong 30 năm đổi mới là điều kiện, tiền đề quan trọng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Các tham luận khoa học gửi đến Hội thảo tập trung phản ánh nhiều khía cạnh, với nhiều vấn đề khác nhau mà chủ đề Hội thảo đặt ra. Những nội dung cơ bản đã góp phần minh chứng và khẳng định các luận điểm khoa học chủ yếu như: Đường lối QS, QP của Đảng Cộng sản Việt Nam – Vấn đề quyết định trước tiên đến thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) đến nay, với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, LLVT nói chung, Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng đã có đóng góp to lớn vào những thành tựu chung của đất nước trong 30 năm đổi mới. Đó là, nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến QS, QP; đến an ninh quốc gia; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; nhất là tham mưu ra được Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Tham mưu cho Đảng và Nhà nước có đối sách phù hợp, xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp nhất là vấn đề Biển Đông, các vấn đề nhạy cảm về QS, QP, trong quan hệ đối nội và đối ngoại, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và quan hệ tốt với các nước láng giềng; bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội, tạo môi trường hòa bình thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững. Góp phần làm rõ những nội dung quan trọng trên là tham luận của các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng BQP; Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…

Các đại biểu dự hội thảo.

Góp phần tạo dựng môi trường hòa bình

Trong 30 năm tiến hành đổi mới, căn cứ vào tình hình thế giới, khu vực, trong nước và xu thế của thời đại, Đảng ta đã có nhận thức và đổi mới tư duy trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có tư duy mới về QS, QP. Đó là, phát triển nhận thức từ tư duy quân sự đến tư duy quốc phòng; từ xác định “bạn”, “thù” đến tư duy biện chứng về “đối tượng”, “đối tác”; về xây dựng LLVT ba thứ quân, trong đó xây dựng Quân đội nhân dân theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó xác định một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; về xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững chắc, kết hợp kinh tế với QPAN; QPAN với kinh tế và đối ngoại… Đây là bước phát triển tất yếu và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn; là cơ sở chủ yếu chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS, QP trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng. Đề cập về vấn đề này, Đại tá, TS Lê Đức Hạnh, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử quân sự thế giới (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) dẫn chứng: “Sau khi gia nhập ASEAN, từ chỗ chỉ là quan sát viên, khách mời danh dự của hiệp hội, sau hơn 20 năm hoạt động, Việt Nam đã tham gia tất cả các cơ chế hợp tác QS, QP của khối: Cùng Phi-líp-pin soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC); xây dựng và triển khai cơ chế hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra tại diễn đàn ADMM+ như: An ninh biển, gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, quân y và hành động bom mìn nhân đạo không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác trong nội khối, mà còn làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác chính trị – an ninh giữa ASEAN với các đối tác quan trọng hàng đầu thế giới, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, an ninh trong khu vực”.

Tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi chúng ta phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hiện đại hóa, nhất là đối với các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại như: Hải quân, Phòng không – Không quân, Tác chiến điện tử, Thông tin liên lạc, Trinh sát kỹ thuật và Cảnh sát biển; đồng thời, đẩy nhanh lộ trình thực hiện “từng bước hiện đại” ở các lực lượng khác. Tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn những ngành, lĩnh vực quan trọng để đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, nhằm tạo nên sức mạnh chiến đấu mới của Quân đội. Với nhận thức đúng đắn, với hành động khẩn trương, kiên quyết, trong những năm qua, chúng ta đã chủ động đối phó có hiệu quả với mọi âm mưu, hành động can thiệp, kích động bạo loạn, phá hoại, xâm lấn của các thế lực thù địch, giữ vững độc lập chủ quyền bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Phân tích, luận giải làm rõ nội dung trên là tham luận các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân; Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Trung tướng, PGS, TS Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng…

Nét nổi bật thời gian qua là, Quân đội thực hiện tốt Đề án tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, có cơ cấu tổ chức phù hợp, thành phần các quân chủng, binh chủng cân đối, hợp lý; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các địa bàn chiến lược, đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước trong tình hình mới. Với cách lập luận sắc bén dựa trên cơ sở nền tảng là những sự kiện, số liệu điển hình, minh chứng một cách thuyết phục, tham luận khoa học của các đồng chí: Trung tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Chính ủy Quân khu 5; Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7; Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3; Trung tướng Nguyễn Duy Nguyên, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ… đã góp phần luận giải làm rõ vấn đề trên.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Trung tướng Lê Chiêm, nhấn mạnh, các ý kiến mang đến cuộc hội thảo lần này đã cung cấp nhiều tư liệu quý về đổi mới QS, QP. Từ đây, nhiều bài học kinh nghiệm được đúc kết có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ QS, QP, xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Sau cuộc hội thảo này, các tướng lĩnh, nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, BQP nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo nhiệm vụ QS, QP trong thời gian tới hiệu quả hơn. Trung tướng Lê Chiêm đề nghị các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí tiếp tục tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của những thành tựu và kinh nghiệm trong 30 năm đổi mới QS, QP, góp phần nâng cao vai trò trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top