Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 03:23:38

Tháng Năm nhớ Bác…

Ngày đăng: 19/05/2016

Nhớ ơn Người, mỗi chúng ta hãy thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình. Bởi lẽ, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ mãi mãi là niềm tin tất thắng… Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta nguyện tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…

Ngày Bác Hồ yên giấc ngàn thu, tôi còn quá thơ dại để hiểu nỗi đau vô hạn  mà dân tộc ta gánh chịu. Sau này nghe mẹ kể lại, ngày Bác đi xa, hàng triệu triệu người  Việt Nam và những người nước ngoài yêu mến Bác, yêu mến đất nước Việt Nam đã rơi lệ vì tiếc thương Người – vị lãnh tụ thiên tài, người Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Tuổi đến trường, qua lời giảng của thầy cô và những trang sách nhỏ, tôi đã hiểu vì sao nhân dân ta, dân tộc ta và bạn bè trên thế giới lại kính trọng Bác Hồ đến vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, mà còn cho cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ, vì hòa bình trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: qdnd.vn

Tình thương của Bác như non cao, biển rộng, như lời hát: “Bác thương các cụ già, Xuân về gửi biếu lụa. Bác yêu đàn cháu nhỏ, Trung thu gửi cho quà. Bác thương đoàn dân công, đêm nay ngủ ngoài rừng. Bác thương người chiến sĩ, đứng gác ngoài biên cương”… Công lao của Bác là vô cùng to lớn. Vậy mà cuộc sống của Người giản dị, thanh bạch đến không ngờ. Trong lần đến thăm nhà sàn Bác Hồ, thấy  bộ quần áo ka-ki bạc màu, đôi dép cao su mòn vẹt gót, chiếc đài ra-đi-ô cũ kỹ… trong căn phòng đơn sơ ấy, tôi càng thấm thía cuộc đời của Bác thật giản dị, thanh cao. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn”. Chính sự giản dị và khiêm nhường ấy đã làm nên một anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.

Nhớ lần cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam “cắt rừng” cõng gạo cứu đói đồng bào huyện Bắc Trà My sau mấy ngày bị lũ chia cắt, tôi hiểu thêm tấm lòng của bà con đối với Bác Hồ. Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số K’Dong, Xê-Đăng, Mơ-Nông…thuộc huyện Bắc Trà My mang họ Bác Hồ. Xa rồi một thời nhạt muối, đói cơm. Xa rồi một thời hủ tục lạc hậu,  mê tín dị đoan len lỏi vào từng thôn, bản. Có Đảng soi đường, chỉ lối, quê hương của đồng bào mang họ Bác Hồ đang chuyển mình đi tới.  Dẫu phía trước còn nhiều thử thách, nhưng lòng dân Bắc Trà My vẫn thủy chung, son sắt. Niềm vui ấy hiện rõ qua ánh mắt của già làng K’Dong và nụ cười e ấp của những cô gái Mơ-Nông. Với họ, công ơn Đảng, công ơn Bác Hồ như suối nguồn chảy mãi.

Trong chuyến ra quần đảo Trường Sa tác nghiệp, tôi càng thêm ấm lòng, bởi ở nơi “đầu sóng, ngọn gió” cách xa đất liền hàng trăm hải lý, khó khăn là thế, gian khổ là vậy, mà vẫn có Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Thành thông lệ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa thường xuyên đến Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thành kính báo công và hứa với Người dù khó khăn đến đâu thì quân, dân luôn đoàn kết, vững tin, kiên trung bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giờ đây, trong những ngày tháng Năm lịch sử này, đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đang hướng về Bác với tất cả lòng tôn kính và niềm thương nhớ khôn nguôi. Thân thế và sự nghiệp của Người là bản hùng ca bất diệt; là tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lý tưởng cộng sản, về đạo đức cách mạng trong sáng.

Nhớ ơn Người, mỗi chúng ta hãy thường xuyên noi gương Bác, tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình. Bởi lẽ, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác Hồ mãi mãi là niềm tin tất thắng…

(Theo PHAN TIẾN DŨNG – QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top